“Nhiều khoản vay chưa tính đến khả năng trả nợ”
TS. Nguyễn Thành Đô | Việc Quốc hội chưa thông qua dự án đường sắt cao tốc được xem như một lời nhắc nhở về khả năng trả nợ đối với các khoản vay của chúng ta.
Chia sẻ trên được TS. Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), đưa ra khi nói về những khoản nợ công của Việt Nam hiện nay.
Đặc biệt, với chủ trương đầu tư, xây dựng hàng loạt dự án lớn, trong đó nguồn vốn chủ yếu phải đi vay, cộng với hoạt động kém hiệu quả của nhiều doanh nghiệp nhà nước, càng tạo áp lực lên việc trả nợ các khoản vay sau này.
Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Thành Đô nói:
- Thực tế thì chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp to lớn từ các khoản vay nợ đối với nền kinh tế trong suốt thời gian qua, vì chúng ta vẫn là nước nghèo, ngân sách chưa thể đủ chi cho các dự án lớn.
Đặc biệt, với những dự án vay vốn nước ngoài, kể cả vay ODA, vay xuất khẩu... theo đánh giá của Chính phủ và các tổ chức cho vay, nói chung đều hiệu quả. Chúng ta đã cho vay lại hơn 560 dự án, nhưng tỷ lệ nợ xấu chỉ cón khoảng 0,8%, rất thấp so với hệ thống ngân hàng nói chung.
Tuy nhiên, có điểm hạn chế là tính đến thời điểm này, về mặt pháp lý, chúng ta chưa có nhiều điều khoản để nêu rõ ngưỡng an toàn của nợ công.
Tính đến thời điểm Luật Quản lý nợ công ra đời (6/2009), từ trước chúng ta chỉ có một số quy định của Chính phủ trong chiến lược phát triển tài chính 2005 - 2010 là nợ Chính phủ không được quá 50% GDP, còn lại chúng ta vẫn dựa vào các khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, chẳng hạn nợ nước ngoài của quốc gia không được quá 50% GDP, nghĩa vụ trả nợ so với xuất khẩu không được quá 20%...
Trong cơ cấu các khoản vay của Việt Nam thì chủ yếu là ngoại tệ. Điều này sẽ tạo nhiều rủi ro và cũng khiến chúng ta khó mà chủ động về ngưỡng an toàn nợ?
Thực tế thì nợ trong nước và nước ngoài là một khối thống nhất. Khi vay nợ trong nước không đủ thì chúng ta mới tính đến vay nước ngoài. Đúng là Mỹ chỉ phát hành vay nợ USD vì đó là đồng tiền phổ biến và lại là của nước này. Còn Nhật Bản thì họ cũng chỉ vay chủ yếu là đồng Yên...
Còn Việt Nam phải vay quốc tế bởi vốn trong nước không đáp ứng đủ. Nhưng các khoản vay của chúng ta chủ yếu là vay ODA (74%). Tất nhiên, đã vay quốc tế thì phải chấp nhận rủi ro về tỷ giá về đồng tiền. Chúng ta buộc phải quản lý tốt hơn thôi.
Tuy nhiên, do cơ cấu các khoản vay của chúng ta phong phú nên chúng ta cũng có điều kiện tránh được được những đồng tiền biến động mạnh, thường xuyên hoặc lợi dùng đồng tiền mất giá chúng ta sẽ tiến hành cơ cấu lại danh mục nợ.
Tại sao lại có sự khác nhau về con số nợ giữa Việt Nam công bố và số liệu của các tổ chức quốc tế, thưa ông?
Đó là do cách thức đánh giá, phân loại khác nhau. Chẳng hạn như cách đánh giá thâm hụt ngân sách của chúng ta khác với một số tổ chức quốc tế. Cụ thể, khi chúng ta đánh giá thì chúng ta đưa toàn bộ các khoản gốc và lãi vào các kỳ ngân sách. Nhưng tổ chức quốc tế thì họ chỉ đưa phần trả nợ thuần, không tính trả nợ gốc.
Thứ hai nữa là có những yếu tố khi tính nợ chúng ta không tính vào bội chi ngân sách như trái phiếu Chính phủ phát hành cho các dự án giáo dục thủy lợi..., nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại tính vào.
Đặc biệt, với những công trình lớn kéo dài thì chúng ta tính cân đối vào những năm ngân sách tiếp theo, nhưng các tổ chức quốc tế thì họ tính ngay vào năm phát hành trái phiếu để vay nợ.
Nhưng ngay cả có đồng nhất về cách tính thì một số tổ chức quốc tế vẫn khuyến cáo là Việt Nam nên quan tâm hơn đến khả năng trả nợ?
Đúng là có tình trạng các cơ quan thẩm quyền khi quyết định các chủ trương vay thì thường là chỉ thẩm định về luận chứng kỹ thuật, hiệu quả kinh tế - xã hội, nhưng chúng ta lại thường không đặt câu hỏi là nếu có khoản vay này thì nợ sẽ là bao nhiêu, có trả được không...
Chủ trương khi quyết định huy động vốn cũng chưa gắn kết được nhiều với ngưỡng an toàn nợ. Nguyên nhân là do Luật Quản lý nợ công của chúng ta mới được ban hành, nên mới bắt đầu áp dụng chính thức về mặt pháp lý tính đến việc này. Những dự án lớn như đường sắt cao tốc, metro... cũng chưa quan tâm đến ngưỡng an toàn nợ.
Tôi hy vọng, tới đây, tồn tại này sẽ được khắc phục, nghĩa là chúng ta sẽ tính đến khả năng trả nợ đối với các khoản vay lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, các khoản nợ của Việt Nam cao là do chúng ta vay với lãi suất cao, trong khi nhiều nước chỉ vay với lãi suất rất thấp, dù họ có cùng chỉ số tín nhiệm như chúng ta?
Đúng là tới đây chúng tôi sẽ phải nhìn nhận lại việc phát hành trái phiếu Chính phủ. Chính việc phát hành không thường xuyên như thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến chi phí cũng như nguồn vốn vay.
Chúng ta phải chịu lãi cao vì chúng ta thường phát hành lô nhỏ lại không thường xuyên nên tính thanh khoản rất thấp và nhiều nhà đầu tư không biết gì về Việt Nam. Gần đây, chúng ta đã phát hành lô lớn hơn nên việc thu hút vốn cũng đã thuận lợi hơn nhiều về lãi suất.
Sắp tới Chính phủ sẽ cho phép một số tập đoàn kinh tế lớn phát hành trái phiếu quốc tế, có thể có bảo lãnh hoặc không bảo lãnh. Trước mắt sẽ có một số tập đoàn lớn phát hành mà không có bảo lãnh của Chính phủ.
Nhưng các khoản vay ưu đãi như ODA chỉ dành cho những nước kém phát triển. Sắp tới, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập trung bình nên chắc chắn vay ODA cũng sẽ giảm, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải tăng cường vay thương mại lãi suất cao, càng làm cho nợ tăng lên?
Đúng là theo lộ trình đến 2012 thì chúng ta sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình. Khi đó, các khoản vay ODA chắc chắn sẽ giảm đi. Để bù lại thì đương nhiên chúng ta sẽ phải khai thác các nguồn vốn khác như vay thương mại, phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, chúng ta đã có chủ trương đối với các khoản vay thương mại, lãi suất cao thì vấn đề sử dụng các khoản vay đó mới là yếu tố quyết định. Chính vì vậy, trong Luật Quản lý nợ công đã quy định, chỉ vay thương mại cho những dự án, công trình thật sự cần thiết, có hiệu quả và có khả năng trả nợ trực tiếp.
Thứ hai nữa là hàng năm, Chính phủ sẽ đặt ra một hạn mức vay nợ thương mại của quốc gia và khống chế khoản vay trong giới hạn này.
Vậy các khoản nợ của Chính phủ, của các tập đoàn kinh tế như Vinashin... thì có tính vào nợ công hay không?
Theo quy định của Luật Quản lý nợ công thì nợ Chính phủ là những khoản nợ mà Chính phủ hoặc các cơ quan của Chính phủ trực tiếp đi vay. Có nghĩa là không bao gồm các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước đi vay theo hình thức tự vay tự trả.
Tuy nhiên, có một số trường hợp doanh nghiệp đi vay nhưng có bảo lãnh của Chính phủ thì sẽ được đưa vào danh sách theo dõi riêng. Chẳng hạn như các khoản nợ khi tái cơ cấu Vinashin thì đã có một tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đang xử lý. Các tổ chức mua trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh thì họ chỉ biết là Chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm.
Cơ quan quản lý nợ Việt Nam đã rút ra bài học gì từ khủng hoảng nợ công ở Châu Âu, thưa ông?
Khủng hoảng nợ thường được tích tụ từ nhiều năm trước chứ không phải đột nhiên mà nảy sinh khủng hoảng nợ công. Ví dụ như Hy Lạp rơi vào khủng hoảng là do họ đã để bội chi ngân sách cả một quá trình dài. Bình thường các nước châu Âu họ chỉ bội chi ngân sách 3% của GDP nhưng nước này đã lên tới 13% trong một thời gian dài. Tổng dư nợ của nước này so với GDP đã trên 100%.
Do đó, bài học rút ra từ Hy Lạp là nếu chi tiêu ngân sách, bội chi quá lớn trong nhiều năm thì chắc chắn sẽ không có khả năng trả nợ. Nguy hiểm hơn, khi mà khả năng trả nợ của Chính phủ sụt giảm thì sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của thị trường và tính thanh khoản.
Chẳng hạn, nếu trong tình trạng bình thường thì khi đến hạn trả nợ thì Chính phủ có thể phát hành để “đảo nợ”, nhưng khi mà thiếu lòng tin thì Chính phủ muốn phát hành cũng không được nữa, khiến cho khả năng trả nợ là rất khó.
TỪ NGUYÊN
TBKTVN
|