Thứ Hai, 28/06/2010 10:55

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Nâng cao vai trò các tổ chức tài chính quốc tế

Việt Nam cũng như ASEAN hoan nghênh và đánh giá cao những sáng kiến cải cách các thể chế tài chính quốc tế nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các tổ chức này, đồng thời phản ánh được tiếng nói, vai trò của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Sáng 28/6 (theo giờ Việt Nam), ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh G20, lãnh đạo các quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục phiên họp toàn thể với chủ đề “Cải tổ các tổ chức tài chính quốc tế” và các vấn đề quan trọng khác của nền kinh tế toàn cầu.

3 đề xuất nâng cao vai trò các tổ chức tài chính quốc tế

Phát biểu tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Việt Nam cũng như ASEAN hoan nghênh và đánh giá cao những sáng kiến cải cách các thể chế tài chính quốc tế trong thời gian qua nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các tổ chức này, đồng thời phản ánh được tiếng nói, vai trò của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Việt Nam và ASEAN cũng đánh giá cao việc tăng cường nguồn lực cho các ngân hàng phát triển khu vực, cho phép các tổ chức này tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển về vốn, kinh nghiệm và các hỗ trợ kỹ thuật nhằm tạo sự chủ động trong ứng phó với những bất ổn của kinh tế vĩ mô trong khu vực.

Để tăng cường hơn nữa vai trò của các thể chế tài chính quốc tế trong nền kinh tế toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị:

Một là, IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), WB (Ngân hàng Thế giới) và các thể chế tài chính khu vực cần tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ; hoan nghênh việc WB, IMF và các nhà tài trợ xoá nợ cho Haiti để giúp quốc gia này khắc phục hậu quả của thiên tai và khôi phục đời sống của người dân.

Hai là, để đối phó với thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, các thể chế tài chính quốc tế, đặc biệt là WB cần ưu tiên các sáng kiến hỗ trợ đối phó với biến đổi khí hậu, tăng cường vai trò điều phối các nguồn tài chính để thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu. Với IMF, cần hoàn thiện các công cụ cho vay phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của các nước chậm và đang phát triển, đặc biệt trong các ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ba là, tăng cường các hoạt động hợp tác và tham vấn chính sách giữa các thể chế tài chính quốc tế với các tổ chức khu vực trong khi vẫn đảm bảo nguyên tắc tự chủ trong điều hành kinh tế của các nước.

Chống chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy thương mại, đầu tư

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm Việt Nam và ASEAN quan ngại trước tiến triển chậm chạp của Vòng đàm phán Doha và kêu gọi G20 đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy hoàn tất Vòng đàm phán này trong thời gian sớm nhất.

ASEAN hoan nghênh G20 đã thể hiện thái độ mạnh mẽ phản đối mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đầu tư, đặc biệt thỏa thuận kéo dài thêm 3 năm cam kết không gia tăng hay áp đặt các rào cản mới với đầu tư và thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Là nước phải chịu nhiều biện pháp bảo hộ trá hình của một số nước phát triển, Việt Nam kêu gọi G20 tiếp tục có các biện pháp cụ thể xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiệm vụ đối phó với suy thoái kinh tế không phải là cơ sở cho phép các nước quay lại sử dụng các biện pháp bảo hộ thiển cận và ích kỷ.

Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc G20 đưa vào chương trình nghị sự các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, bao gồm thúc đẩy quan hệ giữa khu vực nhà nước và tư nhân, giảm chi phí giao dịch và xây dựng năng lực cho các nền kinh tế đang  phát triển.

Các nước ASEAN đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực theo hướng mở tại Đông Á với việc ký kết nhiều thỏa thuận FTA quan trọng có mức độ tự do hóa cao. Các chương trình hợp tác và liên kết kinh tế trong khuôn khổ tiểu vùng Mekong có sự tham gia của các nước ASEAN và các đối tác bên ngoài khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ... cũng đang tiến triển tốt đẹp.

Việt Nam cũng chủ động tham gia tiến trình thúc đẩy tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực. Vừa qua, Việt Nam đã tham gia đàm phán đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có hai nước thành viên G20 là Australia và Hoa Kỳ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất, ASEAN cùng với các khối, các tổ chức thương mại tự do và hợp tác kinh tế khác như EU, NAFTA, AU cùng G20 soạn thảo và ra một Tuyên bố chung về quyết tâm thúc đẩy Vòng đàm phán Doha kết thúc trong vòng 12 tháng tới; khẳng định liên kết và tự do hóa thương mại khu vực và song phương chỉ bổ trợ chứ không làm ảnh hưởng đến quá trình tự do hóa thương mại toàn cầu trong khuôn khổ WTO./.

Việt Đông

Chính phủ

Các tin tức khác

>   "Không có cơ sở nói doanh nghiệp đang gom USD" (24/06/2010)

>   Các tập đoàn, tổng công ty phải công khai tài chính (24/06/2010)

>   Thông điệp của Thống đốc (24/06/2010)

>   VN thành công nhất về dự án tài chính nông thôn (23/06/2010)

>   Phát triển nền tài chính điện tử đến năm 2015 (22/06/2010)

>   Ngưỡng an toàn và sự điều tiết (19/06/2010)

>   Vốn vay hạ nhiệt 2%/năm (18/06/2010)

>   Quy định mới về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng (16/06/2010)

>   500 triệu USD tín dụng cho các dự án hạ tầng VN (14/06/2010)

>   Sẽ kiểm tra chất lượng dịch vụ tại 48 công ty kiểm toán (14/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật