Thứ Bảy, 19/06/2010 07:47

Bảo đảm an ninh tài chính quốc gia:

Ngưỡng an toàn và sự điều tiết

Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XII đang diễn ra ở Hà Nội, Bộ Tài chính cho biết, nợ Chính phủ hiện chiếm 41,9% GDP. Theo đánh giá của nhiều tổ chức kinh tế thế giới có uy tín, nợ công của nước ta vẫn trong ngưỡng an toàn và nằm trong tầm kiểm soát. Song, theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp và những hệ lụy mà quốc gia này phải gánh chịu trong những ngày vừa qua là bài học kinh nghiệm quý giá mà tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cần lưu ý để không rơi vào "vết xe đổ" nguy hiểm này.

Nợ quốc gia: Vẫn trong tầm kiểm soát

Đó là khẳng định của Bộ Tài chính về cơ cấu nợ quốc gia hiện nay. Theo báo cáo của Bộ Tài chính trình Quốc hội nhằm trả lời chất vất của đại biểu tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XII, nợ quốc gia của Việt Nam tính đến ngày 31-12-2009 chiếm 38,9% GDP; nợ Chính phủ chiếm 41,9% GDP (trong đó nợ trong nước chiếm 41,2%, nợ nước ngoài chiếm 58,8%). Trong khoản nợ nước ngoài, có 86,5% là các khoản vay trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi, thời gian ân hạn lớn. Cụ thể, khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB) có thời hạn 40 năm, trong đó 10 năm ân hạn, lãi suất 0,75%/năm; vay của ADB có thời hạn 30 năm, trong đó 10 năm ân hạn, lãi suất 1%/năm; khoản vay của Chính phủ Nhật Bản có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn, lãi suất 1 đến 2%.

Theo Bộ Tài chính, các khoản vay, nợ hiện nay của nước ta đều cần thiết, nhằm bảo đảm mục tiêu đầu tư phát triển. Hiện nay, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nền kinh tế nước ta vẫn đang ở trình độ phát triển thấp, nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm nhu cầu chi phát triển các sự nghiệp văn hóa - xã hội rất lớn. Mặc dù thu ngân sách nhà nước (NSNN) những năm gần đây tăng khá, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu chi, vì thế vẫn phải bội chi để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Việc chấp nhận bội chi NSNN thực chất là tranh thủ nguồn vay để đầu tư hạ tầng kinh tế -  xã hội, phục vụ cho phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, Luật NSNN đã quy định rất chặt chẽ, bội chi ngân sách chỉ dành cho đầu tư phát triển. Nguồn bù đắp bội chi là vay trong nước và vay ưu đãi ngoài nước; không thực hiện phát hành thêm tiền để bù đắp bội chi. Luật NSNN nghiêm minh đã góp phần bảo đảm an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, trong năm 2009, 2010, dù phải tăng mức bội chi NSNN, tăng mức phát hành trái phiếu chính phủ cho đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, song Việt Nam đã bảo đảm thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn, không có nợ xấu. Dư nợ Chính phủ, dư nợ quốc gia vẫn được kiểm soát, trong phạm vi an toàn cho phép. Cơ cấu nợ hiện tại của nước ta là hợp lý. Nhiều tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế đã xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ.

Cảnh báo từ khủng hoảng nợ Hy Lạp

Mặc dù nợ công của nước ta vẫn ở ngưỡng an toàn, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp là bài học quý giá mà tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam nên lưu tâm. Với khối nợ 300 tỷ euro (tương đương 394 tỷ USD), Hy Lạp đã phải vay 80 tỷ euro (tương đương 106,2 tỷ USD) từ các nước sử dụng đồng euro và 30 tỷ euro (tương đương 40 tỷ USD) từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Để được vay khoản tiền này, Hy Lạp phải cam kết hàng loạt biện pháp cắt giảm ngân sách ngặt nghèo, như giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 4% vào năm 2014 (so với mức 13,7% năm 2009); giảm lương, thưởng, hưu trí của công chức; tăng thuế giá trị gia tăng từ 21% lên 23%; tăng thuế thuốc lá, xăng dầu, rượu thêm 10%; tư hữu hóa một số ngành của nhà nước; giảm đầu tư công... Nhận xét về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, biện pháp cắt giảm ngân sách quá mạnh tay sẽ đồng nghĩa với tăng trưởng thấp, hoặc âm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp gia tăng. Từ cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp, nhiều quốc gia đã ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc duy trì tính ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường thắt chặt hoạt động tài khóa, qua đó giảm bớt những khoản nợ công không thật sự cần thiết.

Hương Ly

hà nội mới

Các tin tức khác

>   Vốn vay hạ nhiệt 2%/năm (18/06/2010)

>   Quy định mới về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng (16/06/2010)

>   500 triệu USD tín dụng cho các dự án hạ tầng VN (14/06/2010)

>   Sẽ kiểm tra chất lượng dịch vụ tại 48 công ty kiểm toán (14/06/2010)

>   Vay nợ để đầu tư phát triển là cần thiết (10/06/2010)

>   Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Tôi không giấu nợ” (10/06/2010)

>   "Thu nhập của lãnh đạo SCIC như thế là phù hợp" (10/06/2010)

>   Xếp loại theo "thị hiếu" của các NĐT: VND chỉ đứng thứ 3 (10/06/2010)

>   Thay đổi Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia (31/05/2010)

>   Bộ Tài chính nói về “vượt thu nhưng không giảm bội chi” (30/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật