Thứ Năm, 10/06/2010 14:53

Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Tôi không giấu nợ”

Tôi không giấu nợ vì nếu vỡ nợ thì Bộ phải chịu trách nhiệm đầu tiên… Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 10/6. Được cả Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Công Thương cùng Thống đốc ngân hàng Nhà nước “trợ giúp” song phần trả lời của Bộ trưởng Ninh vẫn chưa thể nhận được sự đồng tình cao của nhiều đại biểu nêu chất vấn trực tiếp.

Bộ trưởng đi thẳng vào vấn đề, không cần nói dài quá, điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ba lần nhắc nhở Bộ trưởng Ninh.

Con số về nợ là chính xác

Dù đã giải trình nhiều lần tại các phiên thảo luận nhưng vấn đề nợ công vẫn xuất hiện ở không ít chất vấn.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính gửi đến Quốc hội thì nợ quốc gia của Việt Nam đến 31/12/2009 chiếm 38,9% GDP; nợ Chính phủ chiếm 41,9% GDP, trong đó nợ trong nước chiếm 41,2%, nợ nước ngoài chiếm 58,8%.

Tuy nhiên, đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, những con số này chưa bao quát hết tình hình nợ công của Việt Nam. Đừng để nhân dân quá lo lắng như việc vay thêm đầu tư đường sắt cao tốc như hiện nay, ông Minh nói.

Bộ trưởng khẳng định “chúng tôi đưa ra con số nợ công, nợ quốc gia và nợ chính phủ là chính xác, đã bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước tự vay, tự trả, nợ doanh nghiệp do Chính phủ bảo lãnh”.

"Tôi không giấu nợ vì nếu vỡ nợ thì  Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm trước tiên", ông khẳng định.

Điều vô cùng quan trọng, theo Bộ trưởng là “đến nay không có khoản nợ nào đến hạn mà không trả được, không có nợ quá hạn và nợ xấu”.

Đề nghị bộ trưởng nghiên cứu kỹ hơn để trả lời câu hỏi của tôi kỹ hơn về nợ công, đại biểu Ngô Văn Minh đề nghị.

Chúng tôi không duyệt lương cho SCIC

Tôi nghe nói Bộ trưởng đang kiêm nhiệm chủ tịch Hội đồng quản trị SCIC có đúng không? trên thế giới có nơi nào làm thế không, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết mở đầu phiên chất vấn.

Đúng là tôi đang kiêm, SCIC là một tổng công ty đặc thù, đang tiếp nhận quản lý khoảng 911 doanh nghiệp Nhà nước, nhưng mới chiếm có 1,8% số vốn Nhà nước (7.000 tỷ đồng); phần còn lại thuộc sự quản lý của các tập đoàn, tổng công ty.

Do là mô hình quản lý mới nên Bộ trưởng Bộ Tài chính được Thủ tướng giao kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị”. Trên thế giới cũng có mô hình này ở Singapore và do Thủ tướng làm chủ tịch hội đồng quản trị, ông Ninh giải thích.

Bộ trưởng nói thêm, dư luận hiểu chưa rõ về thu nhập và tiền lương của lãnh đạo SCIC, vì nhiều khoản là thu nhập chứ không phải là lương như tiền đồng phục, khoán điện thoại, tiền ăn trưa …

“Dư luận không quan tâm nhất đến  lương là bao nhiêu, mà là thực hiện tính lương như thế nào, có đúng các quy định không. Tại sao có tập đoàn tổng công ty Nhà nước lỗ hàng nghìn tỷ đồng mà vẫn trả lương người đứng đầu 5 tỷ đồng một năm”? đại biểu Thuyết tiếp tục đứng dậy.

Chúng tôi không phải cơ quan duyệt lương mà chỉ tham gia với các bộ về chỉ tiêu doanh thu, chỉ tiêu lợi nhuận, chỉ tiêu nộp ngân sách để làm căn cứ tiền lương, xác định theo doanh thu và cấp bậc, người đứng đầu ngành tài chính trả lời.

Vẫn liên quan đến SCIC, đại biểu Trần Du Lịch “đồng tình với quan điểm làm lợi cho đất nước thì được hưởng thu nhập xứng đáng. Nhưng với SCIC, một tổng công ty vừa mới được thành lập, phần lợi nào thực sự là SCIC làm ra, phần nào là do các doanh nghiệp tự sinh lãi? Giống như một vườn cây trồng lâu năm rồi, nay anh chỉ việc hái quả thôi, không thể tính là công sức của mình”.

“Gói” lại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vấn đề ở đây không hẳn là lương mà tổng thu nhập có hợp lý không, có hài hòa không. “Có lẽ các vị bộ trưởng khác và Phó thủ tướng sẽ làm rõ thêm”, Chủ tịch nói.

Nguyên Hà

TBKTVN

Các tin tức khác

>   "Thu nhập của lãnh đạo SCIC như thế là phù hợp" (10/06/2010)

>   Xếp loại theo "thị hiếu" của các NĐT: VND chỉ đứng thứ 3 (10/06/2010)

>   Thay đổi Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia (31/05/2010)

>   Bộ Tài chính nói về “vượt thu nhưng không giảm bội chi” (30/05/2010)

>   Lạm phát: Nhận diện đúng để tìm giải pháp trúng (30/05/2010)

>   Tăng vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong quản lý chi tiêu công (28/05/2010)

>   Hướng tới an ninh tiền tệ (24/05/2010)

>   Chuyện không đáng phải ầm ĩ (18/05/2010)

>   Những nghịch lý cần khắc phục (16/05/2010)

>   Hà Nội: Tổng nguồn vốn huy động đạt 637,5 nghìn tỷ đồng (15/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật