Bộ Tài chính nói về “vượt thu nhưng không giảm bội chi”
Nếu chuyển phần thu vượt dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009 để giảm bội chi thì tỷ lệ bội chi sẽ chỉ khoảng 3% GDP chứ không phải 6,9%.
Sự tính toán đồng thời cũng là lời đề nghị này đã được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội thứ bảy. Trong bối cảnh cả cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến đại biểu đều cho rằng, năm 2009 thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán lớn nhưng chưa bố trí giảm bội chi là “chưa thật hợp lý”.
4.927,3 tỷ đồng thưởng thu vượt dự toán
Tại một văn bản giải trình gần đây nhất, Bộ Tài chính khẳng định toàn bộ nguồn kinh phí có thêm từ bội chi đã được sử dụng đúng luật, dù không để giảm bội chi.
Theo đó, đối với 16.983 tỷ đồng vượt thu của ngân sách Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép sử dụng để chuyển nguồn đảm bảo cân đối ngân sách Trung ương năm 2010 là 1.000 tỷ đồng.
4.927,3 tỷ đồng dùng để thưởng thu vượt dự toán cho các địa phương và hỗ trợ đầu tư trở lại cho Hà Nội, Tp.HCM theo Luật Ngân sách và cơ chế đặc thù.
Việc hỗ trợ các địa phương bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương do thực hiện ưu đãi về chính sách thuế để kích thích kinh tế và bù đắp hụt thu chiếm khoảng 3.000 tỷ đồng.
6.000 tỷ đồng được dành cho tăng chi trả nợ trong nước do tăng huy động vay trong nước để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Còn 2.055,4 tỷ đồng là để thực hiện một số chế độ, chính sách đã ban hành khác.
Đối với nguồn thu vượt của ngân sách địa phương gồm 33.873 tỷ đồng, Bộ Tài chính cho biết không thể sử dụng để giảm bội chi vì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.
Mặc dù vậy, những con số cụ thể này cũng vẫn chưa đủ để thuyết phục nhiều đại biểu. Vì “cần thiết phải giảm bội chi để giảm nghĩa vụ trả nợ của ngân sách Nhà nước”, nhất là trong khi nợ quốc gia đã tăng sát mức trần cho phép.
Từ góc nhìn của người đã nghiên cứu thể chế tài chính của nhiều nước, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng vấn đề mấu chốt là Quốc hội phải quyết từng khoản chi ngân sách chứ không phải là quyết bội chi ngân sách vượt bao nhiêu phần trăm GDP.
“Không nước làm như vậy, anh thu bao nhiêu không cần biết, chỉ được chi phần mà tôi quyết thôi” đại biểu Lịch nói.
Thu từ đất tăng cao: Biểu hiện tích cực?
Nguồn thu từ đất có xu thế đạt cao so với dự toán trong những năm gần đây cũng là nỗi lo của Quốc hội vì bên cạnh những mặt tích cực cũng sẽ có những hệ lụy nhất định về kinh tế - xã hội.
Theo số liệu của Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì nguồn thu từ đất năm 2007 vượt 12.324 tỷ đồng, 2008 vượt 14.279 tỷ đồng và năm 2009 vượt 15.274 tỷ đồng (72,7% dự toán).
Tại văn bản giải trình, Bộ Tài chính khẳng định, số thu tiền sử dụng đất trong dự toán thu ngân sách hàng năm được tổng hợp trên cơ sở dự toán thu do các địa phương xây dựng, Trung ương không giao cao hơn dự kiến của các địa phương. 100% nguồn thu từ đất được để lại cho địa phương đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở trên địa bàn nên không ảnh hưởng đến việc xác định tỷ lệ điều tiết và số bổ sung của ngân sách địa phương.
Theo Bộ tài chính, việc xây dựng sự toán sát với khả năng thực hiện là khó khăn do số thu phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường bất động sản và giá đất. Những tháng cuối năm 2009, các địa phương đã đẩy nhanh việc đấu giá đất theo sát với giá thị trường, kịp thời giao đất và thu tiền sử dụng đất phát sinh theo từng dự án. “Đây là biểu hiện tích cực, góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước và hạn chế thất thoát”, bộ này đánh giá.
Cũng theo như giải thích của bộ thì khi tuân thủ đúng quy định thì việc tăng thu từ đất sẽ không có hệ lụy về kinh tế xã hội như Quốc hội lo ngại.
Tuy nhiên, theo phân tích của đại biểu Nguyễn Thị Khá thì đất là một tài nguyên không tái tạo mà thu vượt là do quá trình đô thị hóa, chuyển mục đích sử dụng ồ ạt, rồi cho thuê đất ồ ạt. Cho nên đến một thời gian nào đó thì sẽ không còn khả năng thu vượt nữa.
Nguyên Phương
TBKTVN
|