Chủ Nhật, 30/05/2010 11:35

Lạm phát: Nhận diện đúng để tìm giải pháp trúng

Quá lo lắng về lạm phát để rồi áp dụng máy móc chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ không thể kiềm chế lạm phát mà trái lại sẽ khiến các doanh nghiệp “suy nhược” vì thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất và hệ lụy trực tiếp là nền kinh tế không thể tăng trưởng được như mong muốn.

Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng lúc này là nhận diện đúng tình trạng lạm phát để có các giải pháp kịp thời cho sự tăng trưởng của nền kinh tế và phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Nhận diện lạm phát

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Lạm phát hiểu theo đúng nghĩa phải là sự lạm dụng phát hành tiền tệ”, nhưng theo các số liệu thực tế, năm tháng đầu năm nay không có hiện tượng lạm dụng phát hành tiền.

Bên cạnh đó, trong quý 1, nhất là trong tháng Ba có những dấu hiệu tăng bất thường của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhưng trong tháng Tư và tháng Năm, CPI lại chỉ tăng với mức nhỏ hơn 0,5% chính là dấu hiệu tốt về sự ổn định trong ngắn hạn của nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, nhìn một cách tổng thể, CPI năm tháng đầu năm vẫn tăng 4,55% so với tháng 12/2009 do độ trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm 2009 mà cụ thể là sự bơm tiền ra nền kinh tế thông qua hỗ trợ lãi suất 4%.

"Thêm vào đó, quyết định điều chỉnh tỷ giá giữa USD và tiền đồng Việt Nam cuối năm 2009 cũng tác động mạnh đến giá cả nhiều nguyên nhiên vật liệu đầu vào; từ đó dẫn tới việc tăng giá thành sản phẩm bán ra trên thị trường," ông Thành nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong quý 1, việc một số mặt hàng thiết yếu như điện, than, nước, xăng dầu... được điều chỉnh gần như đồng thời đã khiến nhiều mặt hàng “ăn theo” tăng giá kỹ thuật và nhất là tăng giá do tâm lý.

Cũng bàn về nguyên nhân CPI năm tháng tăng cao, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành - Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư V Capital cho rằng với đặc thù sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, quyết định điều chỉnh tỷ giá như vừa qua đã không có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu mà còn khiến cho giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, dẫn tới chi phí giá thành sản phẩm cao, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán để đảm bảo lợi nhuận.

Đặc biệt, ông Thành cho rằng, do quá lo lắng về lạm phát, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng một cách máy móc chính sách thắt chặt tiền tệ (bằng việc nâng lãi suất cơ bản tiền đồng) nhưng lại không lường hết những đặc thù của nền kinh tế là tín dụng cho vay tiêu dùng chỉ chiếm tỷ lệ thấp khoảng 10%, còn lại là tín dụng doanh nghiệp.

"Hậu quả là các ngân hàng thương mại bị rơi vào tình trạng khan tiền, bắt buộc phải 'chạy đua' tăng lãi suất huy động dưới nhiều hình thức để đáp ứng nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp; khiến lãi suất cho vay đã bị đẩy lên mức 18-19%/năm và còn nhiều khả năng cao hơn với lãi suất thỏa thuận," ông Thành dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo ông Thành, ngay cả với xu hướng tăng lãi suất huy động, các ngân hàng thương mại vẫn “khát vốn” bởi nguồn tiền từ người dân đang có xu hướng đổ mạnh sang kênh chứng khoán và bất động sản - hình thức đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn trong thời điểm biến động hiện nay.

Và kết cục là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải chấp nhận vay “chợ đen” với mức lãi “cắt cổ” 3-4%/tháng để tồn tại thay vì phải phá sản.

"Chính từ việc chấp nhận lãi suất vay vốn quá cao này, giá thành sản xuất các mặt hàng bán ra trên thị trường sẽ phải tăng theo, tạo áp lực lớn tăng CPI," ông Thành nói.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cảnh báo: “Việt Nam đang bị thiểu phát đứng về mặt tiền tệ” nhưng CPI lại tăng mạnh. Tuy nhiên, “nếu chỉ vì CPI tăng mà lập tức tăng lãi suất cơ bản, lãi suất tín dụng ngân hàng thì nguy hiểm chẳng khác nào việc một bác sĩ mới đo nhiệt độ của người bệnh đã vội kết luận chẩn đoán và kê đơn cho bệnh nhân uống kháng sinh luôn.”

Giải quyết thanh khoản cho ngân hàng

Bên cạnh giải pháp giữ ổn định cung cầu các mặt hàng thiết yếu (chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu CPI) như lương thực, thực phẩm, xăng dầu để không tạo áp lực tăng CPI, giải quyết thanh khoản cho ngân hàng thương mại chính là giải pháp mà hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho là thích hợp và hiệu quả trong thời điểm hiện nay.

Cũng theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, nguồn vốn nhàn rỗi huy động từ người dân chỉ là một trong nhiều phương tiện thanh toán có tính chất dự trữ chiến lược cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng, chứ không phải là nguồn vốn chiến lược cho phát triển kinh tế.

Trước tình trạng nguồn tín dụng toàn cầu co rút lại, chính phủ các nước đã đồng loạt hạ thấp lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại; ngân hàng trung ương đồng loạt áp dụng chính sách tháo khoán cho hệ thống ngân hàng thương mại vay vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp.

Hiện lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại ở EU đã xuống 1%, Mỹ là từ 0-0,25%, Nhật là 0,1%.

Vì vậy, theo các chuyên gia, với chủ quyền phát hành tiền tệ được Luật pháp cho phép, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ “đo lường” hàng ngày lưu lượng tiền tệ trong nền kinh tế để áp dụng ngay các biện pháp thu hồi vốn vay từ ngân hàng thương mại nếu có triệu chứng “thừa tiền” gây lạm phát; cũng như áp dụng các giải pháp thị trường mở, lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn để ngân hàng thương mại đủ thanh khoản cho doanh nghiệp vay phát triển sản xuất với lãi suất hợp lý dưới 12%, góp phần quan trọng đảm bảo cho nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.

"Giải pháp này không làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ cho ngân hàng thương mại vay vốn chứ không phải cho không hay bù lãi suất," ông Thành cho hay.

Mặt khác, các ngân hàng thương mại cần nâng cao nghiệp vụ thẩm định dự án để thay đổi phương thức cho vay theo đối tượng; chuyển sang cho vay theo dự án có hiệu quả cao, có khả năng tạo nhiều việc làm, có khả năng tạo ra các sản phẩm có thị trường, từ đó đóng góp vào tăng trưởng chung GDP.

Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng với tình trạng khan vốn như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nên “bơm” tiền cho ngân hàng thương mại cùng với sự tăng cường giám sát để đảm bảo điều tiết lưu lượng tiền trong nền kinh tế cũng như tránh được các rủi ro cho hệ thống. Rủi ro lớn nhất là các ngân hàng thương mại nhỏ “chơi trò ponzi,” chấp nhận tăng lãi suất huy động để dùng chính các khoản vay nợ ngắn hạn trả nợ dài hạn.

"Khi nợ tích lũy tăng lên vượt quá khả năng đi vay, dù chỉ tại một mắt xích nhỏ sẽ có thể kéo theo sự sụp đổ của một loạt các cơ sở tín dụng và ngân hàng thương mại. Điều này đã xảy ra vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước tại Việt Nam," ông Thành đưa ra cảnh báo./.

Nguyễn Kim Anh

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Tăng vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong quản lý chi tiêu công (28/05/2010)

>   Hướng tới an ninh tiền tệ (24/05/2010)

>   Chuyện không đáng phải ầm ĩ (18/05/2010)

>   Những nghịch lý cần khắc phục (16/05/2010)

>   Hà Nội: Tổng nguồn vốn huy động đạt 637,5 nghìn tỷ đồng (15/05/2010)

>   Tối thiểu 55% đơn vị hưởng lương ngân sách trả lương qua tài khoản (14/05/2010)

>   Xu hướng M&A: Mua lại doanh nghiệp nước ngoài (12/05/2010)

>   Tập trung vào chất lượng nghiệp vụ (10/05/2010)

>   "Giảm phí kiểm toán là tiêu cực" (09/05/2010)

>   Năm 2020 sẽ có 15 đơn vị kiểm toán nhà nước khu vực (09/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật