Thứ Hai, 24/05/2010 08:47

Quốc hội thảo luận Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi):

Hướng tới an ninh tiền tệ

Ngay trong những ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XII, các đại biểu đã có những phần thảo luận sôi nổi về nội dung dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong bối cảnh an ninh tiền tệ trên thế giới sau suy thoái vẫn tiềm ẩn những mối nguy hiểm, việc kiện toàn pháp lý trên lĩnh vực này được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Phải sớm kiểm soát hoạt động tín dụng

Qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng vẫn thể hiện nhận định chung: trong hoạt động của các tổ chức tín dụng thì vấn đề an toàn hệ thống phải được đặt lên hàng đầu. Quán triệt mục tiêu quan trọng này, dự thảo luật đã có nhiều quy định nhằm bảo đảm an toàn, không cho phép một hoặc một số cá nhân, tổ chức có thể thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng. Dự thảo luật quy định tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho người quản lý, người điều hành hoặc pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát của tổ chức tín dụng cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng. Mục đích chủ yếu của các quy định này là nhằm hạn chế các hoạt động cấp tín dụng trong nội bộ một tổ chức tín dụng. Các quy định về hạn chế tỷ lệ góp vốn cũng được thể hiện nhằm hạn chế khả năng lũng đoạn của các tổ chức có thể kiểm soát được hoạt động của các ngân hàng thương mại thông qua việc nắm giữ số lượng lớn cổ phần tại ngân hàng. Các nội dung này được đa số đại biểu tán thành, coi đó như một hệ thống phương tiện phòng ngừa vừa chặt chẽ, vừa phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế mà Việt Nam cam kết thực hiện.

Ngân hàng được phép cho vay kinh doanh chứng khoán

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng, thị trường vốn của Việt Nam còn rất non trẻ, trong khi đó nguồn vốn dài hạn trong nền kinh tế lại rất hạn chế, do vậy cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua, bán, chuyển nhượng cổ phần nhằm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, qua đó thu hút nguồn vốn đầu tư vào cổ phiếu. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy ngân hàng thương mại vẫn được phép cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sự liên kết với khu vực cũng như quốc tế ngày càng tăng thì việc cấm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán sẽ làm mất lợi thế và khả năng cạnh tranh của các ngân hàng và thị trường tài chính Việt Nam.

Do vậy, để thúc đẩy thị trường tài chính Việt Nam phát triển, cần quy định cho phép các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trong ngắn hạn để thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn. Quan điểm này được thể hiện trong luật cũng được các đại biểu ủng hộ. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là hoạt động nhiều rủi ro, do đó, để bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng cần thiết phải quy định các điều kiện, giới hạn mà các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cho vay hoạt động này.

Nhìn chung, về hoạt động của các tổ chức tín dụng, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao về việc cần có ngay hành lang pháp lý trong bối cảnh hoạt động này đang "nở rộ", tiềm ẩn nhiều rủi ro. Từ yêu cầu này, nhiều đại biểu cho rằng nội dung luật trình trước Quốc hội chưa cụ thể, vì thế chưa thể đi vào cuộc sống ngay được, mà còn phải chờ văn bản hướng dẫn. Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng, những vấn đề xử lý, nhất là vấn đề cụ thể liên quan đến định lượng vẫn phải chờ hướng dẫn của Chính phủ, của NHNN. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cũng nhận định nhược điểm của dự luật là còn khá nhiều những quy định giao cho Chính phủ và NHNN quy định, mà những quy định đó lại là những thể chế, những thiết chế rất quan trọng... Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Luật này đã đưa nhiều văn bản dưới luật vào luật. NHNN cũng sẽ cố gắng chuẩn bị các văn bản quy định của pháp luật cũng như hướng dẫn của NHTƯ sớm để khi có hiệu lực, bộ luật trên được thực thi ngay...

Phải giữ lãi suất cơ bản

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình)

Bình thường, những năm trước đây NHNN không can thiệp trực tiếp vào hoạt động lãi suất của các ngân hàng thương mại, nhưng trong trường hợp bất bình thường, có những biểu hiện không lành mạnh trong hoạt động thị trường tiền tệ thì NHNN phải có sự can thiệp vào thị trường tiền tệ thông qua lãi suất mà mình chỉ đạo để các ngân hàng thương mại căn cứ, xoay quanh lãi suất này để thực hiện nhiệm vụ của mình, nếu không sẽ làm rối loạn thị trường tiền tệ và nó cũng bảo đảm bình đẳng, bảo đảm đúng tính thị trường.

Đại biểu Phan Trung Lý (đoàn Nghệ An)

Bây giờ nói có giữ hay không giữ lãi suất cơ bản cần phải được tổng kết, cần phải được lý giải một cách thỏa đáng. Theo tôi vấn đề lãi suất cơ bản hiện nay rất quan trọng đối với đất nước ta. Hai năm qua, khi khủng hoảng kinh tế thì rõ ràng chúng ta đã áp dụng lãi suất cơ bản để điều tiết ở trên thị trường. Tôi nhớ, trước khi khủng hoảng thì NHNN rất kiên quyết yêu cầu và phải sửa Điều 474, Điều 476 Bộ luật Dân sự, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và các ủy ban của Quốc hội không đồng ý và cuối cùng không sửa, sau đấy ngân hàng lập tức vẫn dùng lãi suất cơ bản để điều tiết trên thị trường từ 8% lên 12%, lên 16% sau đấy rút xuống 12%, xuống 8%.

Đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội)

Chúng ta cần có một lãi suất cơ bản hoặc một lãi suất cụ thể để làm công cụ điều tiết tiền tệ vĩ mô, cho nên tôi không tán thành việc bỏ lãi suất cơ bản. Tôi đề nghị nên giữ lãi suất cơ bản và coi đấy là một công cụ để điều tiết. Như những năm vừa qua chúng ta đã thấy lãi suất cơ bản phát huy hiệu quả nhất định và đặc biệt trong tình hình như hiện nay thì chúng ta phải có công cụ để điều hành. Đặc biệt các vấn đề này như chúng ta cũng thấy ở các nước trên thế giới họ cũng sử dụng lãi suất cơ bản rất hiệu quả, cho nên ý kiến cá nhân tôi rất đồng tình với cách phân tích của báo cáo thẩm tra. Và tôi đề nghị quy định cụ thể về phương tiện của lãi suất cơ bản trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Thành Tâm

HÀ NỘI MỚI

Các tin tức khác

>   Chuyện không đáng phải ầm ĩ (18/05/2010)

>   Những nghịch lý cần khắc phục (16/05/2010)

>   Hà Nội: Tổng nguồn vốn huy động đạt 637,5 nghìn tỷ đồng (15/05/2010)

>   Tối thiểu 55% đơn vị hưởng lương ngân sách trả lương qua tài khoản (14/05/2010)

>   Xu hướng M&A: Mua lại doanh nghiệp nước ngoài (12/05/2010)

>   Tập trung vào chất lượng nghiệp vụ (10/05/2010)

>   "Giảm phí kiểm toán là tiêu cực" (09/05/2010)

>   Năm 2020 sẽ có 15 đơn vị kiểm toán nhà nước khu vực (09/05/2010)

>   Giá trị kiểm toán khi lòng tin giảm sút (07/05/2010)

>   Đồng Nai tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp (06/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật