"Không có cơ sở nói doanh nghiệp đang gom USD"
Chiều 24/6, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn, bác bỏ những thông tin không chuẩn xác liên quan đến thị trường ngoại hối, gây hoang mang dư luận trong thời gian qua.
- Có thông tin cho rằng nhiều doanh nghiệp đang tích cực gom ngoại tệ vì lo ngại tỷ giá tăng. Xin ông cho biết có hiện tượng này không và tình hình nhập siêu của Việt Nam từ đầu năm tới nay ảnh hưởng như thế nào tới tỷ giá?
Ông Nguyễn Quang Huy: Theo quy định về quản lý ngoại hối thì các doanh nghiệp khi mua ngoại tệ đều phải chứng minh được mục đích sử dụng hợp pháp. Do đó, ngân hàng thương mại có thể nắm bắt rất rõ nhu cầu về ngoại tệ của các khách hàng doanh nghiệp mà ngân hàng phục vụ. Các ngân hàng thương mại đều khẳng định nhu cầu ngoại tệ không tăng đột biến trong thời gian qua. Do đó, có thể nói thông tin về hiện tượng các doanh nghiệp mua gom USD do lo ngại biến động tỷ giá, là không có cơ sở.
Cũng cần nói thêm rằng, hiện nay có một số ý kiến lo ngại tình hình nhập siêu có thể gây áp lực đối với tỷ giá do có thể làm mất cân bằng về cung, cầu ngoại tệ. Về cơ bản, tình trạng nhập siêu và tỷ giá luôn có mối quan hệ với nhau.
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, trong thời gian qua, mặc dù Việt Nam vẫn còn nhập siêu song do được bù đắp từ các nguồn khác như kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài, nguồn thu du lịch... nên ảnh hưởng của việc nhập siêu đến tỷ giá là không lớn, thị trường ngoại hối tương đối ổn định từ tháng 3 trở lại đây, các ngân hàng thương mại đã có lượng ngoại tệ dư thừa lớn để bán cho Ngân hàng Nhà nước.
Hơn nữa, ngay từ đầu năm, khi nhập siêu có hiện tượng gia tăng, để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 18/NQ-CP về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010, trong đó “hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán” là một trong số 6 giải pháp lớn.
Để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành trong đó có Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm giảm nhập siêu. Đến nay, các biện pháp này đang phát huy tác dụng tích cực trong việc duy trì tỷ lệ nhập siêu trong vòng kiểm soát và bảo đảm cân bằng cán cân thanh toán.
Cần phải khẳng định với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, việc nhập siêu là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ ngành đều đã ý thức được tầm quan trọng của việc kiểm soát nhập siêu, từ đó tiếp tục triển khai các biện pháp phù hợp nhằm duy trì nhập siêu ở mức độ hợp lý, giảm thiểu tác động đối với tỷ giá và sự ổn định kinh tế vĩ mô.
- Dự báo nguồn thu ngoại tệ từ kiều hối, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), du lịch... năm nay có khả quan và có thể bù đắp được thâm hụt từ nhập siêu không, thưa ông?
Theo thông tin mà Ngân hàng Nhà nước thu thập và theo dõi, tất cả các nguồn thu ngoại tệ như kiều hối, FDI đầu tư gián tiếp nước ngoài, nguồn thu du lịch… đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, nguồn thu từ kiều hối trong quý I/2010 đã tăng khoảng 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, tới cuối tháng 6/2010, lượng kiều hối có thể đạt 3,6 tỷ USD.
Cùng với việc kiên quyết thực hiện các biện pháp nhằm giảm nhập siêu, sự gia tăng của nguồn cung ngoại tệ sẽ góp phần hỗ trợ tích cực trong việc cải thiện cán cân thanh toán trong năm nay.
- Ông nhận định như thế nào về tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong thời gian gần đây và khả năng gây áp lực đối với tỷ giá USD/VND trong thời gian tới?
Sau khi gói hỗ trợ lãi suất bằng đồng Việt Nam kết thúc, do chênh lệch giữa lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam và USD của các ngân hàng thương mại khá lớn nên nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang vay USD khiến cho tín dụng ngoại tệ tại một số ngân hàng gia tăng.
Thực tế, tín dụng ngoại tệ chỉ tăng mạnh so với năm 2009 vì đây là thời điểm các doanh nghiệp ít vay ngoại tệ do đã được hỗ trợ khi vay đồng Việt Nam ở mức lãi suất thấp.
Về tổng thể, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ từ đầu năm tới nay là không quá cao và vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, để cảnh báo sớm cho các ngân hàng thương mại và thực hiện các biện pháp nhằm giảm nhập siêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo tình hình trong quá trình hoạt động và duy trì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ ở mức độ hợp lý, đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, xét về thanh khoản ngoại tệ ngân hàng, có thể thấy, hiện nay thanh khoản từ hoạt động mua bán ngoại tệ và thanh khoản của hoạt động huy động và cho vay bằng ngoại tệ của các ngân hàng đều đang ở trạng thái tương đối tốt.
Như đã trình bày ở trên, thanh khoản của hoạt động mua bán ngoại tệ từ tháng 3 đến nay không còn là mối lo ngại của các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Thị trường ngoại tệ đang trong trạng thái dư cung và các ngân hàng thương mại đã tăng cường bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước.
Đối với thanh khoản của hoạt động huy động và cho vay bằng ngoại tệ, chỉ tính riêng ngoại tệ dư thừa đã được các ngân hàng thương mại thực hiện giao dịch hoán đổi với Ngân hàng Nhà nước là khoảng 600 triệu USD đã có thể thấy nguồn ngoại tệ “nhàn rỗi” của các ngân hàng thương mại tương đối dồi dào.
Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với một số ngân hàng có hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ lớn và các ngân hàng này khẳng định đang giữ tỷ lệ huy động và cho vay ở mức an toàn./.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Hữu Vinh
Vietnam+
|