Thứ Sáu, 02/07/2010 12:40

Chưa có biện pháp hạn chế tín dụng "đen"

Nếu người dân/doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tiếp cận được tín dụng chính thức một cách dễ dàng thì hoạt động tín dụng “đen” sẽ giảm đi rất nhiều và đó là điều cần thiết đối với sự lành mạnh của nền kinh tế và hệ thống tài chính-ngân hàng.

Trên mạng và trên trang rao vặt của một số tờ báo người ta có thể dễ dàng thấy những chào mời dịch vụ tài chính cho vay nóng và đáo hạn ngân hàng với những quảng cáo hấp dẫn như: Cho vay lãi suất an toàn, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, có thể giải ngân đến hàng chục tỉ trong ngày... Địa chỉ liên hệ là tên cá nhân, tên công ty tài chính, công ty thương mại và dịch vụ và phổ biến nhất là các cửa hàng cầm đồ.

Ở đây là quan hệ vay-trả tiền giữa hai chủ thể (cá nhân-cá nhân, cá nhân - tổ chức, tổ chức - tổ chức...) nhưng người cho vay không phải là một tổ chức tín dụng thành lập theo quy định của pháp luật (Luật các Tổ chức tín dụng). Thông thường, người ta hay gọi những mối quan hệ vay mượn không qua TCTD hợp pháp là tín dụng “đen”.

Ít nhiều liên quan đến tín dụng chính thức

Chưa có bằng chứng khẳng định chắc chắn, nhưng nhiều ý kiến cho rằng có những mối liên hệ nhất định giữa hoạt động tín dụng đen với tín dụng chính thức (về con người, nguồn vốn hoặc hành động đảo nợ...). Chỉ đề cập đến khía cạnh đáo hạn ngân hàng (đảo nợ vay trong ngân hàng) mà hầu hết các chủ thể tín dụng phi chính thức quảng cáo nhận thực hiện.

Thông thường, việc đáo hạn diễn ra như sau: Nếu khách hàng đến hạn không trả nợ được ngân hàng, họ có nguy cơ bị phạt lãi suất nợ quá hạn đến 150% lãi suất (LS) vay trong hợp đồng hoặc nghiêm trọng hơn là bị giải chấp/phát mãi tài sản đảm bảo tiền vay theo quy định chính thức.

Để tránh điều này, khách hàng phải tìm đến tín dụng đen vay nóng, thời gian ngắn (thường trong vòng dưới 10 ngày) với mức LS rất cao (có thông tin từ 3-10%/tháng) để thanh toán nợ cho ngân hàng, sau đó làm thủ tục vay lại (có thể ở ngân hàng khác) với hợp đồng và kỳ hạn mới để hoàn trả gốc và lãi cho tín dụng đen.

Ngoài ra, nếu để ý, quảng cáo nào của tín dụng đen cũng có phần tư vấn vay vốn và hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng, kể cả các hồ sơ chưa đủ điều kiện vay vốn. Người ta ngờ rằng nếu không là cán bộ tín dụng ngân hàng hoặc có mối liên hệ mật thiết với nhân viên ngân hàng thì khó có thể làm được như vậy.

Đúng/sai tín dụng "đen"

Còn nhiều ý kiến liên quan đến tính hợp pháp/không hợp pháp của các mối quan hệ vay mượn phi tín dụng chính thức.

Liên quan trực tiếp đến hành vi cho vay nặng lãi là Điều 473 Bộ luật Dân sự và Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo quy định tại Điều 467 Bộ luật Dân sự thì hợp đồng cho vay tiền là loại hợp đồng cho vay tài sản và người vay chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Như vậy pháp luật cho phép người có tiền cho vay được hưởng một khoản tiền gọi là lãi.

Còn đối với những cáo buộc về tội “cho vay lãi nặng ” theo quy định khoản 2, Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự thì nếu  điều tra không chứng minh được người cho vay lãi cao “có tính chất chuyên bóc lột” mà cho vay trên cơ sở  sự tự nguyện thỏa thuận giữa hai bên (thông thường những người đã đi vay nặng lãi đều phải ký kết các thỏa thuận mới vay được) thì khó chứng minh hành vi của người cho vay mang tính chuyên bóc lột cho dù họ cho vay với mức LS cao hơn mức LS cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên.

Nhiều luật sư vin cớ đó để cho rằng hành động cho vay nặng lãi của các thân chủ của mình chưa đủ yếu tố cấu thành tội danh quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự. Đây là một trong những khó khăn quản lý hoạt động của tín dụng “đen”. Cho đến nay, người ta cho rằng chưa có biện pháp nào thực sự hữu hiệu để hạn chế được tín dụng “đen”.

Tác hại của tín dụng "đen"

Có một thực tế là quan hệ vay mượn vốn không qua các TCTD chính thức luôn tồn tại trong nền kinh tế thị trường. Loại hình tín dụng này phần nào tạo điều kiện cho người dân/doanh nghiệp có số tiền nào đó cho nhu cầu vay  gấp của mình. Tuy nhiên, do liên quan ít nhiều đến ngân hàng (đặc biệt là dịch vụ đáo hạn ngân hàng) nên ý kiến các chuyên gia cho rằng tín dụng “đen” tiềm ẩn nhiều rủi ro đến kinh tế trên các phương diện: LS vay cao đội giá đầu vào của sản phẩm và dịch vụ; khả năng vỡ nợ của doanh nghiệp; Đe dọa an ninh hệ thống ngân hàng vì tín dụng “đen” (nếu phát triển mạnh) sẽ tạo ra thực trạng ảo trong hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng. Việc đảo nợ (chứ không phải trả nợ) khiến việc phân loại nợ rủi ro của ngân hàng không chính xác, làm đẹp tài sản có của ngân hàng một cách giả tạo....

Có nhiều nguyên nhân khiến tín dụng “đen” phát triển và một trong những nguyên nhân đó là khả năng tiếp cận vốn ngân hàng hạn chế. Sự hạn chế ở đây ở từ hai phía: Khách hàng không đủ điều kiện vay vốn (thường là không có khả năng tài chính để đảm bảo trả nợ và không đủ tài sản bảo đảm hợp pháp). Phía ngân hàng bị giới hạn hạn mức tín dụng hoặc các điều kiện và hồ sơ vay vốn phức tạp cho người vay, thời gian giải ngân chậm... Khó có biện pháp gì có thể xóa bỏ hoàn toàn tín dụng “đen”, nhưng cũng cần có những biện pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa hoạt động của loại tín dụng này.

Một số biện pháp được đề cập như: Bổ sung những chế tài pháp luật nghiêm ngặt hơn về hoạt động cầm đồ, dịch vụ tài chính; nâng cao quản trị rủi ro tín dụng (chuẩn mực, cán bộ) tại các NHTM; tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng và đặc biệt có những giải pháp để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng hơn với cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng chính thức.

Tuần Hải

lao động

Các tin tức khác

>   “Sau sàn bạc, sẽ là sàn đồng, chì...” (02/07/2010)

>   Hiệp hội Kế toán Anh sẽ đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam (01/07/2010)

>   Thống đốc ngân hàng “sẽ tìm hiểu về sàn bạc” (01/07/2010)

>   Cụ thể hoá hành vi gian lận trong lĩnh vực tài chính (30/06/2010)

>   Hợp tác về kiểm toán giữa Việt Nam-Tây Ban Nha (28/06/2010)

>   Cốt lõi của tăng trưởng bền vững (28/06/2010)

>   Nâng cao vai trò các tổ chức tài chính quốc tế (28/06/2010)

>   "Không có cơ sở nói doanh nghiệp đang gom USD" (24/06/2010)

>   Các tập đoàn, tổng công ty phải công khai tài chính (24/06/2010)

>   Thông điệp của Thống đốc (24/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật