Technical View – Thị trường: Tuần 28/06/2010 – 02/07/2010
(Vietstock) – Chiến lược đầu tư & Phân tích kỹ thuật chi tiết thị trường Việt Nam (VN-Index, HNX-Index), thị trường Mỹ (Dow Jones, VIX), thị trường Châu Á (Nikkei 225, Hang Seng Index) và thị trường Châu Âu (FTSE 100).
1. Chiến lược đầu tư:
1.1. Phân tích kịch bản thị trường:
Thị trường đang đi vào giai đoạn rất khó dự báo và xác suất sụt giảm đang lớn hơn khả năng tăng điểm. Vì vậy, chiến lược bán ra trong các phiên phục hồi (nếu có) vẫn nên được tiếp tục. Trong trường hợp ngược lại, việc mua nhẹ (1/3 vốn) tại vùng 470 – 495 điểm là có thể xem xét.
Kịch bản số 2 đang tăng dần xác suất xảy ra.
Kịch bản 1: Giá phá vỡ vùng 520 – 540 và bắt đầu chu kỳ tăng điểm thực sự mạnh mẽ.
Kịch bản 2: Giá phá vỡ vùng 470 – 495 điểm (tương đương phá vỡ SMA 300 và Fibonacci Retracement 38.2% dài hạn) và bắt đầu một dowtrend trung hạn.
1.2. Chiến lược trading:
1.2.1. Chiến lược cho 3 nhóm nhà đầu tư chính trên thị trường:
- Danh mục có tỷ trọng cổ phiếu lớn: Nên xem xét bán tiếp tục trong các phiên phục hồi. Vì xác suất giảm điểm vẫn còn rất lớn nên việc nắm giữ tỏ ra khá rủi ro.
- Danh mục cân bằng: Việc chốt lời các cổ phiếu trong tài khoản vẫn nên tiếp tục được thực hiện. Chỉ nên mua nhẹ trở lại khi giá thoái lùi về vùng 470 – 480 điểm.
- Danh mục có tỷ trọng tiền mặt lớn: Đây là nhóm nhà đầu tư có tỷ lệ danh mục thích hợp nhất vào lúc này. Có thể mua nhẹ (1/3 vốn) tại vùng 470 – 495 điểm.
1.2.2. Chiến lược chung cho các nhóm trung gian khác:
Điểm cân bằng đề nghị là 40 cổ phiếu/60 tiền mặt. Việc nắm nhiều tiền mặt sẽ giúp các nhà đầu tư có được lợi thế lớn trong các phiên sụt giảm (nếu có) trong thời gian tới.
2. Phân tích chi tiết các thị trường:
2.1. Thị trường Việt Nam:
VN-Index – Ultimate Oscillator bắt đầu lao dốc
Sau khi hình thành một phân kỳ giá xuống khá rõ nét, Ultimate Oscillator đã lao dốc mạnh trong những phiên gần đây. Mặt khác, dường fastline của MACD cũng đã bắt đầu thay đổi hệ số góc. Điều này cho thấy một tín hiệu bán có thể xuất hiện trong tương lai gần.
Tập hợp những mẫu hình nến đảo chiều cũng đã hoàn thành. Như vậy nếu xét theo trường phái phân tích hình nến thì thị trường cũng có nhiều khả năng tích luỹ hơn là bứt phá.
Nếu được lựa chọn, chúng tôi vẫn tiếp tục chọn danh mục có tỷ lệ tiền mặt cao trong tài khoản vào thời điểm hiện nay.
HNX-Index – Fibonacci Zones đã báo hiệu chính xác
Cảnh báo đỉnh ngắn hạn từ vạch Fibonacci Zones số 7 đã khá chính xác khi HNX-Index giảm khá mạnh kể từ ngày 23/06/2010. Như chúng tôi đã từng đề cập trong báo cáo trước, theo tín hiệu từ RMO Trade Mode, giá vẫn còn đang nằm trong một downtrend.
Việc mua vào (nếu có) chỉ nên thực hiện nhẹ (khoảng 1/3 vốn) nếu chỉ số này thoái lùi về vùng 150 – 155 điểm.
2.2. Thị trường Mỹ:
Dow Jones – Head & Shoulder Pattern đang đe doạ triển vọng trung hạn của thị trường Mỹ
Chỉ cần 3 – 5 phiên giảm giá mạnh nữa là mẫu hình Head & Shoulder sẽ hoàn thành. Mẫu hình này không còn là một giả thuyết của những người bi quan theo trường phái phân tích kỹ thuật cổ điển mà đã trở thành một rủi ro thực sự đối với đến triển vọng trung hạn của thị trường Mỹ.
Những cây nến đỏ đặc xuất hiện liên tục trong những phiên gần đây cho thấy sự điều chỉnh mạnh đang diễn ra trên thị trường Mỹ. Chiến lược đề nghị là bán ra nếu như thị trường Mỹ có thêm vài phiên hồi phục. Chiến lược phòng thủ toàn diện có thể phải được áp dụng nếu Head & Shoulder Pattern hoàn thành.
VIX – Đà phục hồi ngày càng mạnh mẽ
Trendline dài hạn đã tỏ ra hết sức vững chắc vì sau khi vừa chạm vào ngưỡng chống đỡ này, giá đã có sự phục hồi đáng kể. Vùng kháng cự đầu tiên trong ngắn hạn của VIX là 35 – 37, còn khá xa so với mức hiện nay. Vì vậy trong vài phiên tới đà phục hồi có thể vẫn tiếp tục.
Ghi chú: VIX (Chicago Board Options Exchange Volatility – CBOE) hay còn gọi là chỉ số đo bất ổn trên thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số VIX đo biến động của S&P 500 trong 30 phiên giao dịch tới bằng việc sử dụng dữ liệu về quyền chọn từ 500 cổ phiếu công ty thuộc chỉ số này. VIX đo biến động trung bình từ một giỏ quyền chọn. Chỉ số này quan trọng đối với nhà đầu tư bởi đây là dấu hiệu về sự bất ổn. Chỉ số thấp là tín hiệu tốt. Chỉ số cao là tín hiệu không mấy tốt đẹp về thị trường.
2.3. Thị trường Châu Á:
Nikkei 225 – Đà sụt giảm vẫn còn tiếp tục
Sau khi breakaway gap hình thành, shooting star cũng xuất hiện tiếp tục. Điều này cho thấy sự điều chỉnh vẫn có thể còn tiếp tục diễn ra trên thị trường Nhật Bản. Vì vậy, chiến lược phòng thủ là cần thiết trong giai đoạn này và chỉ nên mua nhẹ khi Nikkei 225 thoái lùi về vùng 9,200 – 9,500 điểm.
Hang Seng Index – Double Spinning Top hoàn thành
Hai mẫu hình nến spinning top hình thành trong 3 phiên gần đây cho thấy HSI đang tạo đỉnh ngắn hạn. Khả năng điều chỉnh đang lớn hơn khả năng tăng điểm. Một số chỉ báo dao động cũng bắt đầu có tín hiệu đảo chiều. Chúng tôi cho rằng nên duy trì sự thận trọng trên thị trường Trung Quốc vào thời điểm này.
2.4. Thị trường Châu Âu:
FTSE 100 – Ba con quạ đen xuất hiện
Ba cây nến đỏ đặc xuất hiện liên tiếp cho thấy xu hướng điều chỉnh ngắn hạn đang bao trùm thị trường Châu Âu. Vài phiên giảm điểm đã gần như lấy đi thành quả của 2 tuần tăng điểm liên tục trước đó. Chiến lược phòng thủ vẫn nên được tiếp tục.
Nguyễn Quang Minh, Chuyên viên PTKT
|