Thứ Tư, 05/05/2010 19:44

Cứu Hy Lạp có thể cứu cả châu Âu

Với kế hoạch trợ giúp Hy Lạp 110 tỷ euro, châu Âu nhận thức rõ nếu không cứu Hy Lạp, châu Âu có thể là “một ván bài Domino” đang chờ đổ.

Ngày 16/3, Bộ trưởng Tài chính  27 nước thành viên Liên minh châu Âu  nhóm họp để thảo luận về kế hoạch hỗ trợ Hy Lạp.

Các chủ nợ lớn của Hy Lạp (tính theo tỷ USD)

Ngày 2/5, Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) và đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chính thức khởi động kế hoạch trợ giúp Hy Lạp 110 tỷ euro được dự trù giải ngân trong 3 năm (80 tỷ do EU tài trợ, 30 tỷ do IMF).

Đây là mức hỗ trợ kỷ lục kỷ lục trong lịch sử kinh tế và tài chính của thế giới 30 năm trở lại đây. Cùng ngày, Chính phủ Hy Lạp công bố một kế hoạch cắt giảm chi tiêu quy mô chưa từng thấy: Athens cam kết giảm 30 tỷ euro trong ngân sách nhà nước trong thời gian nhận được sự hỗ trợ của quốc tế. Mục tiêu đề ra nhằm trở lại với mức thâm hụt ngân sách 3% như quy định của khối euro vào năm 2014 thay vì ở mức 13,6% như tài khóa 2009 vừa qua - do thu nhập của nhà nước chỉ đủ để trang trải 2/3 các khoản chi tiêu công cộng.

Hy Lạp tạm trông thấy “ánh sáng cuối đường hầm” kể từ khi khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone chính thức khởi động kế hoạch trợ giúp tài chính 110 tỷ euro trong 3 năm cho Athens. Đổi lại, Chính phủ Hy Lạp phải mạnh dạn đề ra một loạt các biện pháp cắt giảm chi tiêu để thu gọn thâm hụt ngân sách nhà nước.

Nguy cơ Athens mất khả năng thanh toán coi như đã tiêu tan, ít ra là trong ngắn hạn. Điều này đã trấn an được các nhà tài chính quốc tế, ngăn chặn được các làn sóng đầu cơ, đánh cuộc vào sự lụn bại của Hy Lạp để nhanh chóng làm giàu. Giờ đây, mọi người mong đợi Chính phủ Hy Lạp mau chóng đảo ngược thế cờ.

Tuy nhiên, khoản tiền to lớn nói trên phải chăng là liều thuốc hữu hiệu để cứu lấy bản thân Hy Lạp và qua đó là cả đơn vị tiền tệ chung châu Âu?

Tại Hy Lạp, chi tiêu công cộng trong năm ngoái đã tăng gấp đôi so với thời điểm của năm 2000. Trong năm 2010 và 2011, Chính phủ Hy Lạp sẽ giảm tổng cộng 7,6 tỷ euro trong các khoản chi tiêu công cộng.

Về phía thu nhập nhà nước, Thủ tướng Hy Lạp quyết định tăng nhiều loại thuế, từ thuế trị giá gia tăng, đến thuế thu nhập, thuế đánh vào bất động sản, đánh vào nhiều sản phẩm như rượu, thuốc lá … Mục tiêu sau cùng là tăng thu nhập của nhà nước 7,8 tỷ euro trong vòng 2 năm sắp tới.

Câu hỏi kế tiếp là: Các biện pháp cắt giảm chi tiêu với mục đích là giảm thâm hụt ngân sách nhà nước liệu có nhanh chóng mang lại kết quả mong muốn hay không? Theo chuyên gia kinh tế Jérôme Creel thuộc Viện Quan sát tình hình kinh tế Pháp, trên thực tế, câu trả lời tùy thuộc vào 2 yếu tố. Một là thời điểm để áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng và hai là khả năng của chính quyền Hy Lạp để áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu đề ra. Yếu tố thứ nhất, thì có nhiều quan điểm khác nhau. Nếu nhìn vấn đề từ góc độ của các nhà tài chính, thì điều quan trọng ở đây là họ muốn bỏ vốn vào một địa điểm an toàn. Do vậy giới này mong muốn Hy Lạp nhanh chóng giải quyết công nợ. Đây chính là động cơ khiến các thành viên trong khối euro và Quỹ IMF bảo đảm nhanh chóng can thiệp và kêu gọi Athens, bằng mọi giá đưa ra các biện pháp cắt giảm chi tiêu.

Trong khi đó thì các biện pháp cắt giảm chi tiêu quá mạnh tay có khi lại phản tác dụng: khi sức mua của các hộ gia đình Hy Lạp bị chựng lại, thì sản xuất, đầu tư và qua đó là cả nền kinh tế nước này cũng có khả năng tuột dốc theo. Nói cách khác, Hy Lạp vì muốn giải quyết khủng hoảng tài chính, lại càng bị cuốn nhanh hơn vào vòng suy thoái khi khu vực sản xuất, sức mua của người dân sụt giảm. Nếu kịch bản đen tối này xảy ra thì Hy Lạp lại càng lâm vào thế hiểm nghèo…

Lo ngại về nợ nước ngoài và nguy cơ vỡ nợ của nhiều nền kinh tế  Nam Âu đang làm rung động thị trường tài chính toàn cầu. Công ty đánh giá tín nhiệm Standard & Poors đã giảm mức tín nhiệm của Hy Lạp xuống thành BB+ (nước “không thích hợp để đầu tư”) và hạ mức tín nhiệm của Bồ Đào Nha xuống hai bậc thành A-.

Nỗi sợ về một cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu mới xuất phát từ Nam Âu lại bắt đầu nổi lên. Đây là lần đầu tiên thành viên của Eurozone đã để mất thứ hạng “thích hợp cho đầu tư” kể từ khi đồng tiền này ra mắt vào năm 1999.

Hơn nữa, tình hình tài chính các thành viên khác của khối như Bồ Đào Nha, Italia, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha cũng sẽ xấu đi. Vì lý do đó, nhiều người lo ngại sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất phát từ cuộc khủng hoảng thị trường cho vay thế chấp khó đòi vào năm 2008.

Cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp làm nổi rõ thực tế: các quốc gia châu Âu hiện đang là con nợ với các khoản tiền vay khổng lồ. Nhà kinh tế học Steen Jakobsen thuộc nhóm Limus Capital, có trụ sở tại Copenhagen, nhận xét: “Khu vực sử dụng đồng euro là một ngôi nhà được xây dựng không có móng”.

Trả lời câu hỏi liệu Hy Lạp có bị phá sản và cuộc “khủng hoảng Hy Lạp” có lan sang các nước khác không ? Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu được các nước châu Âu và IMF hỗ trợ, nguy cơ phá sản trước mắt có thể không xảy ra, nhưng trong tương lai vài năm tới, Hy Lạp vẫn phải đối mặt với tình thế rất khó khăn.

Rõ ràng là với gói cứu trợ khổng lồ nói trên của EU/IMF, Hy Lạp đang được tiếp sức. Nhưng cũng với gói cứu trợ này, cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp là rất tồi tệ và châu Âu nhận thức rõ được là nếu không cứu Hy Lạp, châu Âu có thể là “một ván bài Domino” đang chờ đổ.

Nguyến Chiến

CHÍNH PHỦ

Các tin tức khác

>   Kỳ 2: Không có mô hình phát triển bền vững cho tất cả (05/05/2010)

>   Mỹ tìm lại sự cân bằng (05/05/2010)

>   Kinh tế thế giới quý II: 4 mấu chốt tăng trưởng (05/05/2010)

>   Trung Quốc: Tăng quyền lực kinh tế bằng điện năng (04/05/2010)

>   Kỳ 1: Thế hệ hiện tại hy sinh cho thế hệ tương lai (03/05/2010)

>   Khung tài chính quốc tế quanh bức tranh kinh tế toàn cầu mới nổi (03/05/2010)

>   Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động xuất khẩu (03/05/2010)

>   Châu Á-TBD có thể phát triển kinh tế ít khí thải (02/05/2010)

>   Bò đã mất, chuồng vẫn chưa xong (02/05/2010)

>   Hy Lạp cần bao nhiêu tiền tránh phá sản? (30/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật