Kornai János trả lời phỏng vấn tạp chí Kinh Tài
Nan giải việc phân chia niềm vui và nỗi khổ đau
Kỳ 2: Không có mô hình phát triển bền vững cho tất cả
Phát triển bền vững tối ưu không thể dựa trên một vài phân tích chi phí – lợi ích đơn giản, mà phải phân chia niềm vui, nỗi đau, sự hy sinh và thành quả cho nhiều tầng lớp, thế hệ khác nhau. Ngoài ra, không thể có một tỷ lệ vàng nào đó cho sự kết hợp điều hành giữa nhà nước và thị trường.
Kỳ 1: Thế hệ hiện tại hy sinh cho thế hệ tương lai
Nền kinh tế Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng trong nhiều năm. Ông xem xét hiện tượng này thế nào? Các lực lượng chính nào ở đằng sau sự tăng trưởng kinh tế nhanh của Trung Quốc? Nó có bền vững?
Ở trên tôi đã trả lời một phần cho câu hỏi này.
Hãy suy ngẫm lịch sử của các nước Bắc Âu. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm, nhìn lại một trăm năm, đã thấp hơn rất, rất nhiều so với mức hiện nay Trung Quốc đạt được. Nhưng trong một trăm năm này nền dân chủ của Thuỵ Điển đã hết lần này đến lần khác thắng trong các cuộc bầu cử quốc hội, được sự ủng hộ của các nghiệp đoàn và của đa số dân cư. Nó đấu tranh liên tục và thành công vì tiền lương cao hơn, vì sự an toàn việc làm, vì sự phát triển y tế, vì một hệ thống hưu bổng đảm bảo cuộc sống tuổi già tử tế.
Hãy nhìn lại lịch sử Hoa Kỳ. Ở đây tinh thần kinh doanh đóng vai trò đặc biệt mạnh. Đa phần những đổi mới lớn của 60 – 80 năm qua đều do các nhà kinh doanh Mỹ dẫn đầu sự phát triển công nghệ thế giới tiến hành. Tất cả việc này đi cùng với việc họ cũng đi đầu trong thiết lập nhà nước pháp quyền, các hình thức tranh đua giữa các lực lượng chính trị và hiến pháp dân chủ.
Hoặc hãy ngó tới Ấn Độ. Cho đến tận thời gian gần đây Ấn Độ vẫn thuộc vào hàng nước nghèo và trì trệ. Tuy nhiên từ khi người ta dỡ bỏ nhiều cản trở quan liêu đối với phát triển và mở không gian tự do hơn cho tư bản kinh doanh, tốc độ phát triển đã tăng nhanh một cách ngoạn mục. Hơn thế nữa, hình thức dân chủ đại nghị vẫn tồn tại với sự thay đổi này.
“Tính bền vững” có một nghĩa hẹp và một nghĩa rộng. Có lẽ theo nghĩa kinh tế hẹp cũng có những giới hạn có thể cản trở sự tăng trưởng: thí dụ các thành phố lớn ngày càng đông nghẹt, sự tổn hại môi trường. Thế nhưng, điều có lẽ còn quan trọng hơn là: liệu cơ cấu chính trị đảm bảo cho kinh tế vĩ mô hiện thời, cho các tỷ lệ hiện thời của tiêu dùng và đầu tư còn có thể tồn tại được đến bao giờ mà không có thay đổi và cải cách?
Sau các câu hỏi và các câu trả lời, cho đến lúc này tôi cảm thấy cần đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc. Tôi không kiến nghị Trung Quốc theo “mô hình Bắc Âu”, tôi cũng không khuyến nghị Thuỵ Điển, Hoa Kỳ hay Ấn Độ theo “mô hình Trung Quốc”. Bằng việc phác hoạ các con đường lịch sử khác nhau tôi muốn đưa ra ý tưởng sau đây:
Không thể tiến hành một loại phân tích chi phí – lợi ích đơn giản nào đấy từ phép tính số học đơn giản rồi chỉ ra con đường phát triển tối ưu. Trong thực tế, những niềm vui và những đau khổ, các thành quả và những sự hy sinh có thể được phân chia theo nhiều cách khác nhau cho các tầng lớp xã hội, các khu vực và các thế hệ khác nhau. Và sự phân chia này liên quan không chỉ đến phúc lợi vật chất, mà cả đến những niềm vui và đau khổ mà sự hạn chế tự do cá nhân và các quyền tự do gây ra. Tôi không muốn đưa ra đơn thuốc cho việc giải quyết các vấn đề phân chia sâu sắc này, mà tôi muốn lưu ý những nan giải của sự lựa chọn.
Trong chuyển đổi kinh tế một cách có hệ thống, làm thế nào để thiết kế một cách thích hợp các chức năng khác nhau của thị trường và các chức năng của chính phủ? Ở Trung Quốc, có quá nhiều “thị trường hoá” trong một số lĩnh vực nhưng trong các lĩnh vực khác lại có quá ít. Đây là vấn đề rất khó mà Trung Quốc phải đối mặt. Dưới ánh sáng của thực tiễn Hungary, những gợi ý của ông là gì?
Đây là đề tài tranh luận không chỉ ở Hungary, mà ở khắp thế giới. Đây là một trong những vấn đề cơ bản của thời đại chúng ta mà lịch sử đã đặt ra hầu như đồng thời ở khắp thế giới. Ở những nơi trước kia hệ thống xã hội chủ nghĩa ngự trị với đặc trưng nhà nước bao trùm tất cả, người ta đã và đang cố gắng giảm vai trò của nhà nước. Ngược lại, cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế nổ ra gần đây ở các nước tư bản chủ nghĩa đã phát triển lại thức tỉnh họ về nhu cầu điều tiết hữu hiệu hơn của nhà nước.
Theo tôi, một trong những đặc điểm hấp dẫn nhất – thực sự đáng làm gương – của sự phát triển Trung Quốc là sự thử nghiệm. Ở Trung Quốc, mỗi thay đổi lớn thường bắt đầu với sự xuất hiện một sáng kiến địa phương. Các nhà lãnh đạo trung ương chú ý đến sáng kiến đó, ủng hộ nó và nếu thực sự thành công, đưa nó ra làm gương cho các địa phương khác. Nếu sáng kiến thực sự có sức sống, nó lan rộng.
Không có một tỷ lệ tổng quát và có hiệu lực phổ quát giữa điều phối nhà nước – quan liêu và điều phối thị trường, chẳng hạn 30:70, 50:50 hay 70:30.
Thị trường chẳng phải là cỗ máy kỳ diệu hoạt động hoàn hảo – nhưng cũng không phải là rừng rậm được dùng làm lãnh thổ săn mồi của thú dữ. Cho rằng nhà nước nằm trong tay các công chức biết mọi thứ, hoạt động với sự khách quan và sự chính trực hoàn hảo, không thể bị mua chuộc là không đúng, nhưng cũng chẳng đúng khi cho rằng các quyết định nhà nước chỉ phụ thuộc vào những kẻ tham quyền cố vị, tham nhũng. Cả hai cơ chế còn xa mới hoàn hảo. Và cũng không thể chắc chắn tác động lẫn nhau của hai cơ chế sẽ triệt tiêu các sai sót của cả hai. Thậm chí điều ngược lại cũng có thể xảy ra: hai cơ chế tác động lẫn nhau lại huỷ hoại cả thuận lợi riêng của mỗi cơ chế.
Do đó, cần sự phân tích có trách nhiệm, khách quan và không định kiến về các vấn đề cụ thể của mỗi lĩnh vực và hình thành các mức độ và giới hạn cần thiết của sự ảnh hưởng nhà nước.
Nguyễn Quang A (dịch)
Sài Gòn Tiếp thị
|