Thứ Tư, 05/05/2010 10:40

Kinh tế thế giới quý II: 4 mấu chốt tăng trưởng

"Kinh tế Mỹ cần mạnh dạn cải tổ nếu muốn tránh kịch bản tái diễn khủng hoảng tài chính. Đông Á - Thái Bình Dương với động lực từ Trung Quốc. Châu Âu cố kìm cơn sóng thần từ Hy Lạp. Các nền kinh tế mới nổi trong hành trình của “dòng vốn”. Đó là những nét chính trong bức họa kinh tế toàn cầu quý II năm nay mà các hãng phân tích kinh tế hàng đầu thế giới vừa đưa ra.     

Kinh tế Mỹ - cần cải tổ

Theo hãng phân tích STRAFOR, hầu hết các chỉ số quan trọng cho sự phát triển của kinh tế Mỹ gồm mức bán lẻ, thị trường lao động, số người đăng ký thất nghiệp, chỉ số Standard & Poor’s 500 (SP 500 - chỉ số cho niềm tin của nhà đầu tư) đều đã bị mất động lực tăng trưởng trong quý I. Trong bối cảnh nhu cầu ở Mỹ yếu, và trên toàn thế giới còn yếu hơn, nhiều người Mỹ cho rằng các nước khác đã không làm đủ mức để kích thích nhu cầu nội địa của họ và đẩy Mỹ vào thế phải kéo kinh tế thế giới ra khỏi khủng hoảng. Điều này làm cho thất nghiệp ở Mỹ gia tăng và tâm lý ấy đang châm ngòi cho căng thẳng thương mại. 

Tổng dòng vốn đổ ra ngoài nước Mỹ  từ giá trị các loại trái phiếu kho bạc Mỹ trong tháng 1/2010 là 33,4 tỷ USD, đảo ngược so với mức 53,6 tỷ USD trong tháng 12/2009. Tổng số tiền Mỹ phải thanh toán lãi nợ của chính phủ liên bang có thể lên tới 10% tổng thu của liên bang vào năm 2013. Tạp chí Mỹ Money Morning nhận định trước thực tế này, cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ mới chỉ thực sự bắt đầu. Văn phòng quản lý và ngân sách của Quốc hội Mỹ dự báo thâm hụt ngân sách của chính quyền Obamaa trong năm tài chính 2011 có thể tới 8,53 ngàn tỷ USD, mức cao nhất trong 10 năm qua. Mới đây, trong diễn văn đọc tại New York - không xa trung tâm tài chính Wall Street, để vận động cho công cuộc cải tổ tài chính ở Hoa Kỳ, chính Tổng thống Barack Obama đã cảnh báo khủng hoảng tài chính sẽ tái diễn nếu Hoa Kỳ không mạnh dạn tiến hành cải tổ.  

Đông Á, Thái Bình Dương: Động lực từ Trung Quốc

"Trung Quốc chính là nhân tố mấu chốt cho sự tăng trưởng chung của khu vực trong quý II và cả năm nay. Nhưng nhân tố giúp Đông Á phục hồi trong năm 2009 và cả trong năm nay 2010 không chỉ phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc mà còn nhờ vào sự hồi phục của nền kinh tế các nước khác trên thế giới" - Đó là nhận định mới nhất mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo công bố mới đây. 

WB cho phép báo cáo cập nhật của họ về kinh tế các nước Đông Á- Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản và Hàn Quốc, một nội dung lạc quan hơn: Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng bình quân thực tế của các nước trong khu vực này có thể là 8,7% cho cả năm nay. Đây là một mức tăng trưởng rất cao, cao hơn dự báo tháng 11 đến gần 100 điểm (tức gần 1%). Đó là một yếu tố lạc quan thứ nhất, xác nhận Đông Á- Thái Bình Dương dẫn đầu thế giới trong đà hồi phục. Yếu tố lạc quan thứ hai, sau giai đoạn suy thoái toàn cầu vừa qua, khu vực này đã bị thiệt hại không quá nặng, các nước đã ra khỏi suy trầm không bị bội chi quá lớn, chẳng mắc nợ quá nhiều và cơ chế bảo vệ phúc lợi xã hội vận hành tương đối tốt đẹp, cho nên thành phần nghèo túng tránh được nhiều tổn thất đáng nhẽ ra còn phải nguy ngập hơn nữa. 

Trong báo cáo mới nhất, STRAFOR cho rằng chính sách của Trung Quốc trong 18 tháng qua là đổ tín dụng vào hệ thống kinh tế, cao hơn nhiều so với mức bình thường, tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu tiếp tục sản xuất. Chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách hỗ trợ xuất khẩu của họ và tác động tới mối quan tâm của Washington về tỷ lệ thất nghiệp cao. Trong quý II, quan hệ Mỹ-Trung Quốc sẽ có nhiều bước chuyển quan trọng: Mỹ sẽ áp dụng nhiều chiến thuật tăng sức ép, Trung Quốc có thể sẽ làm dịu sức ép từ phía Mỹ bằng cách tập trung vào cải tổ nền kinh tế của mình, từng bước nới lỏng tỷ giá NDT/USD và nhập khẩu nhiều hơn hàng hoá từ Mỹ.  

Châu Âu – điểm nóng Hy Lạp

Các vấn đề của hệ thống ngân hàng châu Âu và cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp đang ngày càng đan quyện vào nhau. Ngày 23/4, Hy Lạp cuối cùng đã yêu cầu Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay khẩn cấp tổng cộng 45 tỷ euro. Liên minh châu Âu (EU) đã bảo đảm là tiến trình trợ giúp tài chính Hy Lạp sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng cũng không loại trừ khả năng là kế hoạch trợ giúp Hy Lạp phải được thông qua ở cấp cao nhất, tức là bởi các lãnh đạo quốc gia khối đồng euro, trước khi được phê chuẩn bởi Quốc hội ở một số quốc gia như Đức. 

Trong những tháng đầu năm nay, châu Âu đã tập trung chủ yếu vào đối phó với khó khăn kinh tế, đặc biệt là cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp. Khủng hoảng nợ ở Hy Lạp vẫn đang tiếp diễn, nhưng thảm hoạ đã được đẩy ra xa hơn. Chiến lược của châu Âu là hỗ trợ cho chương trình kích thích kinh tế của các chính phủ, trong đó có cả chương trình cứu trợ cho Hy Lạp. Chiến lược này đã tạo điều kiện cho các ngân hàng được rút tiền gần như không giới hạn từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Phần lớn số tiền này được sử dụng để mua trái phiếu chính phủ, tạo điều kiện cho các chính phủ duy trì kinh tế, trong khi các ngân hàng cũng được lợi, dù nhỏ, nhờ dịch vụ trung gian này. Tuy nhiên tình trạng này không thể duy trì mãi được. Khi điều này xảy ra, cả kinh tế Hy Lạp lẫn hệ thống tài chính vốn đã yếu của châu Âu, sẽ cùng chịu áp lực nặng nề. Về lâu dài, tác động của cuộc khủng hoảng này sẽ lan sang các lĩnh vực xã hội và chính trị. Các cuộc đình công và bạo lực chính trị vì thế có thể sẽ xảy ra nhiều hơn trong quý II.

Các nền kinh tế mới nổi: Tiếp tục thịnh vượng

Nhận định về triển vọng của các nền kinh tế mới nổi sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Tạp chí tài chính Money Morning của Mỹ số ra ngày 7/4 cho rằng trong quý II, các nền kinh tế mới nổi như Hàn Quốc, Braxin, Ấn Độ, Trung Quốc… sẽ tiếp tục thịnh vượng trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ chìm vào cuộc khủng hoảng nợ.

Trái phiếu của các thị trường mới nổi đã đạt kỷ lục trong quý I/2010 khi bắt đầu đợt phát hành mới và khoảng cách lãi suất với trái phiếu kho bạc Mỹ đã thu hẹp tới mức thấp nhất kể từ năm 2008. Cho đến nay, trái phiếu của các thị trường mới nổi đã bán được tới kỷ lục 157 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2009. Khoảng cách lãi suất giữa các trái phiếu của thị trường mới nổi với trái phiếu Mỹ đã thu hẹp từ tháng 3/2009 và tiếp tục thu hẹp hơn nữa trong 2 tuần qua khi nền kinh tế sắp phá sản của Hy Lạp được nhận các khoản tín dụng mới vào đầu tháng 3 đã ổn định các thị trường trên toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế thận trọng cảnh báo rằng tiến độ thu hẹp khoảng cách lãi suất trái phiếu này quá nhanh có thể báo hiệu sự bán tháo trái phiếu có thể sắp xảy ra. Tạp chí Money Morning cho rằng dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi không bền vững và có thể đạt đỉnh trong vài quý tới, thậm chí có thể sớm hơn nữa – ngay trong quý II. 

Toàn cảnh

STRAFOR cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục phát triển nhưng ở mức độ yếu. Do kinh tế Mỹ chưa phát triển mạnh và tỷ lệ thất nghiệp chưa giảm, nên kinh tế toàn cầu sẽ vẫn còn phải đối mặt với hai thách thức lớn: thứ nhất - do Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới, nên kinh tế Mỹ tăng trưởng yếu sẽ làm cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng yếu; thứ hai, chính phủ Mỹ có một số công cụ không truyền thống để kích thích kinh tế trong nước, trong đó có những công cụ tác động khá mạnh tới kinh tế toàn cầu, mà rõ nhất là chính sách bảo hộ.

Điểm lạc quan là trong báo cáo công bố ngày 21/4, IMF dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới này sẽ cao hơn dự kiến trước đó: tổng sản phẩm nội địa của Mỹ có khả năng tăng 3,1% trong năm 2010, cao hơn dự phóng trước đây 0,4 điểm; GDP toàn cầu tăng 4,2% trong năm nay thay vì 3,9% như đã loan báo vào tháng Giêng vừa qua; các nền kinh tế đang trỗi dậy vẫn dẫn đầu với tỷ lệ tăng trưởng 6,3% và Trung Quốc tiếp tục là quốc gia có kỷ lục tăng trưởng cao nhất với hơn 10%. Nợ của các nền kinh tế mới nổi năm 2010 vẫn được duy trì ở mức năm 2007, chiếm 39,6% GDP trong khi nợ của các nền kinh tế phát triển tăng cao tới 78,2 -106,7% GDP trong năm 2010. 

Hà Khoa

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Trung Quốc: Tăng quyền lực kinh tế bằng điện năng (04/05/2010)

>   Kỳ 1: Thế hệ hiện tại hy sinh cho thế hệ tương lai (03/05/2010)

>   Khung tài chính quốc tế quanh bức tranh kinh tế toàn cầu mới nổi (03/05/2010)

>   Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động xuất khẩu (03/05/2010)

>   Châu Á-TBD có thể phát triển kinh tế ít khí thải (02/05/2010)

>   Bò đã mất, chuồng vẫn chưa xong (02/05/2010)

>   Hy Lạp cần bao nhiêu tiền tránh phá sản? (30/04/2010)

>   BOT nâng dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan (30/04/2010)

>   Kinh tế Mỹ tiếp tục quá trình phục hồi từng bước (30/04/2010)

>   Chi tiêu tiêu dùng “dẫn” GDP Mỹ tăng 3.2% (30/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật