Thứ Sáu, 30/04/2010 23:02

Hy Lạp cần bao nhiêu tiền tránh phá sản?

Hy Lạp đang đứng bên bờ vực phá sản. Nguy cơ lớn hơn, “đám cháy” từ Hy Lạp sẽ lan sang các nước châu Âu khác, đẩy liên minh tiền tệ 11 tuổi vào tình trạng không thể kiểm soát. Cả IMF và EU đều nhất trí không thể để xảy ra chuyện này. Nhưng cần bao nhiêu để giải cứu một quốc gia chuẩn bị vỡ nợ?

Giải cứu Hy Lạp đã trở thành vấn đề có tính sống còn không chỉ với Hy Lạp mà còn cả với tương lai của Liên minh tiền tệ châu Âu (eurozone). Nếu không dập tắt được “đám cháy” Hy Lạp, “ngọn lửa” có thể lan sang các nước châu Âu khác và đẩy liên minh tiền tệ 11 năm tuổi này vào tình trạng không thể kiểm soát. Hiểu rõ hiểm họa trên, nhưng cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các thành viên trong EU vẫn chưa đến hồi kết nhằm giúp Hy Lạp trang trải khoản nợ kếch xù hơn 400 tỷ USD, mà trước mắt là gói cứu trợ 60 tỷ USD trong năm 2010 vẫn bị trì hoãn vô thời hạn.

Bên bờ vực phá sản

Dường như có rất ít bằng chứng để thuyết phục rằng Hy Lạp là nơi an toàn cho đầu tư. Cho đến thời điểm này, nguy cơ vỡ nợ ở Hy Lạp đang gia tăng không phải từng ngày mà là từng giờ. Nước này cần huy động 9 tỷ USD vào ngày 19/5 tới để thanh toán những khoản lãi trái phiếu chính phủ đáo hạn, nhưng không còn khả năng vay mượn trên thị trường.

Tình hình càng nghiêm trọng hơn sau khi Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard and Poor's hôm 28/4 hạ vị trí xếp hạng tín dụng của Hy Lạp xuống mức "đồ đồng nát," khiến lãi trái phiếu chính phủ của Hy Lạp tăng đến 11,142% và chất nặng thêm gánh nợ mà Athens vốn đã không cáng đáng nổi.

Quyết định của Standard and Poor's cũng khiến cho đồng euro xuống mức thấp nhất trong một năm nay so với đồng USD và cổ phiếu của châu Âu xuống mức thấp nhất trong bảy tuần qua. Giờ đây, các nhà lãnh đạo EU đang cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư rằng Hy Lạp đang đi đúng hướng, vấn đề được chuyển sang cho đồng euro: liệu đồng tiền của một quốc gia có thể được cứu trước khi những kẻ đầu cơ tham lam xé nhỏ khu vực đồng euro thành từng phần.

Các thị trường tài chính đang phản ứng thái quá với cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp

Vào thời điểm hiện tại, các thị trường tài chính đang phản ứng thái quá đối với cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp. "Các thị trường hiện đang nhìn nhận một chiều đối với các vấn đề”, cựu chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Trung ương Đức, Norbert Walter, phát biểu trong cuộc phỏng vấn của tờ Austrian daily Der Standard.

Cách nhìn nhận này đã làm trầm trọng thêm những khó khăn tài chính ở Hy Lạp, vốn có nguyên nhân sâu xa là từ những hoạt động đầu cơ trên thị trường. Và “Hy Lạp đang phải giơ đầu chịu báng” cho vấn đề này, ông Walter nhận định. Gói cứu trợ mà Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou kêu gọi tuần trước, với các khoản vay lãi suất thấp từ các nước trong khu vực đồng euro trị giá 40 tỷ USD và 20 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), xem ra chẳng ăn thua gì. Khoản tiền này thua xa gói cứu trợ mà chính phủ Đức chi cho Hypo Real Estate, ngân hàng đầu tiên của nước này đứng bên bờ vực phá sản do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp trên thị trường nhà đất Mỹ lan sang Đức.

“Vụ ngân hàng Hypo Real Estate đã tiêu tốn của Đức hơn 100 tỷ Euro (132 tỷ USD). Do vậy, gói cứu trợ dành cho Hy Lạp thực tế ít hơn nhiều so với những gì chúng ta đã từng nếm trải”, ông Walter cho biết thêm.

Vậy cần bao nhiêu tiền để giải cứu nền kinh tế Hy Lạp?

Piero Ghezzi một nhà kinh tế thuộc Quỹ Barclays Capital có trụ sở ở London, cho rằng con số ấn tượng có thể là 140 tỷ USD. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Xanh ở Đức, Juergen Trittin, nói rằng gói cứu trợ có thể phải lên ới 160 tỷ USD. Kinh tế trưởng phụ trách châu Âu của Goldman Sachs, ông Erik Nielsen tính toán gói cứu trợ trong ba năm cho Hy Lạp có thể khoảng 200 tỷ USD. Những tổ chức khác đưa ra cảnh báo về “viễn cảnh” vỡ nợ của Hy Lạp hay đề xuất các giải pháp khác như tái cơ cấu các khoản nợ.

Tuy nhiên, các quan chức EU bác bỏ đề xuất về cơ cấu lại các khoản nợ của Hy Lạp, lên đến 115% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2009, đồng thời kêu gọi Athens đáp ứng yêu cầu về tăng cường các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" cho dù phải đối mặt với những bất ổn xã hội ở trong nước.

Tuy nhiên, ngay cả khi các chính trị gia đang cố giải quyết cuộc khủng hoảng, thì những vấn đề liên quan tới nợ công ở châu Âu vẫn đang cháy bùng ở khắp nơi.

“Đám cháy” Hy Lạp đang lan khắp châu Âu

Hôm 28/4, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor đã hạ mức tín nhiệm nợ của Tây Ban Nha từ AA+ xuống AA. Tổ chức này cho rằng, triển vọng tăng trưởng của Tây Ban Nha rất thấp, sau những đổ vỡ của bong bóng thị trường nhà đất và xây dựng.

“Chúng ta cần khôi phục niềm tin… Tôi tin rằng vấn đề sẽ được giải quyết. Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề ở Hy Lạp, thì có thể sẽ có rất nhiều tác động xấu đối với Liên minh châu Âu”, Tổng giám đốc điều hành IMF Dominiqueông Strauss-Kahn quả quyết.

Ông Strauss-Kahn cùng với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet đã ở Berlin hôm 28/4 để thúc giục các nhà lãnh đạo Đức đồng ý thông qua gói cứu trợ trị giá hàng tỷ Euro dành cho Hy Lạp.

Bộ trưởng Tài chính Đức W. Schaeuble nhấn mạnh quyết định “kích hoạt” gói cứu trợ EU/IMF phụ thuộc vào việc Hy Lạp có quyết tâm theo đuổi đến cùng các kế hoạch cải cách kinh tế đã công bố hay không. Bề ngoài thì như vậy, còn thực chất bên trong Đức ủng hộ quan điểm người nộp thuế EU không phải chịu trách nhiệm về những sai sót trong công tác quản lý của bất kỳ chính phủ nước thành viên EU nào.

Quan điểm của Đức không phải không có lý. Đang gặp khó khăn nhưng người Hy Lạp lại không mấy ủng hộ kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ. Thậm chí, phản ứng trước quyết định của chính phủ giảm lương đối với khoảng 600 nghìn lao động trong lĩnh vực công, đóng băng tiền lương hưu và tăng thuế để giảm nợ công xuống mức bằng 1/3 so với hiện nay, người Hy Lạp đã xuống đường biểu tình khiến nhiều dịch vụ công bị tê liệt. Đáng ra khó khăn thì phải cầu cạnh, ấy thế mà theo một cuộc thăm dò dư luận, 7/10 người Hy Lạp lại cho rằng nếu Hy Lạp chấp nhận kế hoạch hỗ trợ của EU thì đời sống của họ sẽ còn tệ hại hơn.

Trước thái độ như vậy của Hy Lạp, đại đa số dân chúng Đức không muốn chính phủ của mình tham gia cứu giúp Hy Lạp. Bộ trưởng Ngoại giao Đức G. Westerwelle đã tuyên bố thẳng Đức không sẵn sàng viết “séc khống” cho Hy Lạp. Còn Thủ tướng Đức A. Merkel thì cho rằng, gói cứu trợ dành cho Hy Lạp sẽ không được “kích hoạt tự động” mà phụ thuộc vào độ tin cậy của kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” của Hy Lạp và bằng chứng về sự bất ổn định kinh tế trong khu vực đồng euro.

EU dự định triệu tập cuộc họp thượng đỉnh bất thường vào ngày 10/5 tới để thống nhất mức độ hỗ trợ Hy Lạp.

Ba kịch bản đối với Hy Lạp

Trong trường hợp các cuộc đàm phán sắp tới thất bại thì sẽ có hai khả năng. Một là vẫn cứ tiếp tục như từ trước tới nay và hai là Hy Lạp bị đẩy đến chỗ phải tuyên bố không có khả năng trả nợ. Trong trường hợp đàm phán thành công, có nghĩa là Hy Lạp sẽ nhận được viện trợ tài chính để trả nợ, thì điều đáng được quan tâm là Hy Lạp phải trả giá như thế nào. Cả hai kịch bản đầu tiên nói trên đều là thảm họa đối với cả Hy Lạp lẫn EU. Vì không còn sự lựa chọn nào khác và không thể chịu đựng được lâu hơn nữa nên chính phủ Hy Lạp mới phải chính thức nói lời cầu xin hỗ trợ tài chính, có nghĩa là nếu cứ tiếp tục như từ trước tới nay thì cam kết hỗ trợ tài chính của EU và IMF chẳng có tác dụng gì, có cũng như không đối với Hy Lạp. Nếu như vậy thì Hy Lạp sớm hay muộn cũng không tránh khỏi cái kịch bản bị vỡ nợ. Khi đó, cả EU lẫn IMF đều bị mất mặt và đồng euro, kể cả trong trường hợp Hy Lạp buộc phải rút tư cách thành viên EU tham gia đồng tiền chung này, sẽ bị ảnh hưởng từ mức độ bị phá giá đến tan vỡ trên danh nghĩa.

Cũng chính vì thế mà cả Hy Lạp lẫn EU và IMF đều sẽ phải cố gắng bằng mọi giá tránh để hai kịch bản đó xảy ra. Hy Lạp sẽ buộc phải chấp nhận những điều kiện của EU và IMF về tài chính và ngân sách, sẽ không được vay nợ thêm nữa, phải cải cách triệt để và thực hiện quyết liệt chính sách tăng thu giảm chi. EU và IMF sẽ phải chấp nhận  xóa nợ, hoãn nợ và hỗ trợ cho các chủ nợ của Hy Lạp cũng như chuẩn bị giải cứu một vài thành viên khác nữa. Tạo tiền lệ mới khó, chứ từ tiền lệ thành thông lệ lại rất dễ./.

Khánh An (Theo Time, Reuters, BBC)

TỔ QUỐC

Các tin tức khác

>   BOT nâng dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan (30/04/2010)

>   Kinh tế Mỹ tiếp tục quá trình phục hồi từng bước (30/04/2010)

>   Chi tiêu tiêu dùng “dẫn” GDP Mỹ tăng 3.2% (30/04/2010)

>   IMF cảnh báo kinh tế châu Á phát triển quá nóng  (29/04/2010)

>   Kinh tế thế giới tuần từ ngày 26/04-01/05 (26/04/2010)

>   Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 1.8% trong quý I (27/04/2010)

>   4 nước muốn thay đổi trật tự kinh tế thế giới (27/04/2010)

>   Cạnh tranh Nga - Trung mở cơ hội cho Mỹ (26/04/2010)

>   WB nhất trí tăng thêm tiền trợ giúp toàn cầu (26/04/2010)

>   Bài học từ khủng hoảng (25/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật