Kornai János trả lời phỏng vấn tạp chí Kinh Tài
Nan giải việc phân chia niềm vui và nỗi khổ đau
Kinh Tài (Caijing) là tạp chí kinh tế tài chính có nhiều người đọc nhất Trung Quốc, trực thuộc uỷ ban Chứng khoán nhà nước, do bà Hồ Thư Lập làm tổng biên tập từ năm 1998 đến 2009. Tạp chí ra một tháng hai kỳ với 220.000 bản in mỗi kỳ. Kinh Tài đã gửi các câu hỏi phỏng vấn đến nhà kinh tế học nổi tiếng, giáo sư đại học Harvard, Kornai János. Bài trả lời phỏng vấn đã được Kinh Tài đăng và gây tiếng vang lớn tại Trung Quốc. Bản dịch dưới đây của tiến sĩ Nguyễn Quang A từ nguyên bản tiếng Hung, có tham khảo bản tiếng Anh, cả hai bản do giáo sư Kornai János gửi cho tiến sĩ Quang A.
Kỳ 1: Thế hệ hiện tại hy sinh cho thế hệ tương lai
Có nhiều con đường khác nhau dẫn đến tăng trưởng. Con đường “chi phí thấp” chỉ đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những bế tắc chiến lược.
Ông giữ quan điểm rằng các cuộc cải cách hệ thống trong chuyển đổi có nhiều hình thức, một số hình thức với chi phí thấp, một số với chi phí cao. Trung Quốc chọn các cuộc cải cách chi phí thấp để đột phá cho nên đã có một sự chuyển đổi tương đối ổn định. Theo quan điểm của ông, cách tiếp cận Trung Quốc về cải cách từng bước có thành công? Ông nghĩ có “mô hình Trung Quốc” nào đó trong các cuộc cải cách và chuyển đổi hay không? Nếu có, ông bình luận gì về mô hình này?
Bạn đặt câu hỏi khó và phức tạp. Rõ ràng bạn sử dụng từ “mô hình” với ý nghĩa là một quá trình lịch sử thực, mà nó có thể được dùng như hình mẫu, như tấm gương cho các nước khác. Thế nhưng Trung Quốc là độc nhất vô nhị và không thể bắt chước được! Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới, với quá khứ lịch sử dài và truyền thống văn hóa không thể so sánh được. Đối với tôi, ý tưởng về “mô hình Trung Quốc” là không thể cắt nghĩa được.
Thay vào đó tôi đề nghị, hãy phân tích các đặc điểm quan trọng nhất của sự phát triển Trung Quốc trong các thập kỷ vừa qua, phân tích từng đặc điểm một và chung trong quan hệ với nhau của chúng, và chúng ta thử xác định: chúng là thuận lợi hay bất lợi? Và nếu là thuận lợi, chúng có được thực hiện chỉ riêng ở Trung Quốc hay cũng có thể được thực hiện ở nơi khác nữa?
Còn hai từ trong câu hỏi của bạn, mà theo quan niệm của tôi là mơ hồ, cần sự giải thích và định nghĩa rõ ràng.
Thứ nhất là từ “ổn định”. Có phải bạn hiểu là: sản xuất của Trung Quốc từ sau cái chết của Mao liên tục tăng, về tốc độ có thể có lúc tăng lúc giảm, nhưng giảm sút tuyệt đối thì không? Đây là một đặc điểm hấp dẫn nhất của sự phát triển của Trung Quốc, đặc điểm gây ấn tượng lớn cho toàn thế giới.
Thứ hai, “chi phí thấp” trong câu hỏi của bạn có nghĩa là gì? Ai là người trả giá thấp? Đối với người tiêu dùng Âu – Mỹ, đúng là “chi phí thấp” nếu mua hàng Trung Quốc giá rẻ. Nhiều nhân tố có vai trò trong thành công của Trung Quốc bán được hàng hoá giá rẻ vào thị trường các nước giàu. Nhưng có lẽ nhân tố quan trọng nhất là lương thấp của công nhân Trung Quốc. Ở đây không chỉ phải để ý đến số tiền mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, mà cả các khoản thuế và đóng góp xã hội trên lương, tỷ lệ với lương, kể cả các khoản đóng góp để tài trợ cho hưu bổng và dịch vụ y tế. Chưa kể, phúc lợi, chăm sóc xã hội rộng rãi, gánh nặng lên chi phí lao động ở Bắc Mỹ và châu Âu, làm giảm tính cạnh tranh của nhiều ngành trong cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc.
Cái mà chúng ta đi đến ở đây, không phải là vấn đề kinh tế theo nghĩa hẹp, mà là các vấn đề đạo đức căn bản. Tốc độ tăng trưởng vũ bão của Trung Quốc có thể đạt được là do – bên cạnh nhiều yếu tố khác – tỷ lệ đầu tư rất cao và tương ứng là tỷ lệ tiêu dùng thấp trong sử dụng GDP. Các thế hệ hiện thời chịu sự hy sinh – một sự hy sinh to lớn – cho các thế hệ tương lai. Đây là một giải pháp khả dĩ, có thể thực hiện được về mặt lịch sử, của vấn đề phân chia giữa các thế hệ “hiện tại – tương lai” – nhưng tôi muốn nhắc nhở rằng cũng có thể có các con đường khác. Nếu chúng ta suy ngẫm lịch sử kinh tế thế giới ở tầm thế kỷ, hiện lên trước mắt chúng ta con đường của Mỹ, của các nước Bắc Âu, hay của Úc. Họ chẳng bao giờ tăng trưởng nhanh như Trung Quốc ngày nay, nhưng họ vẫn đạt đến đỉnh của sự phát triển kinh tế. Và trong quá trình phát triển, tăng tiêu dùng đã tiến bước hài hoà với tăng sản xuất.
“Chi phí thấp”, một thuật ngữ khá phổ biến trong cách nói của Trung Quốc ngày nay, chỉ đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những vấn đề chiến lược nan giải thực sự quan trọng mà thôi.
Nguyễn Quang A (dịch)
Sài Gòn Tiếp thị
|