Chủ Nhật, 02/05/2010 14:07

Bò đã mất, chuồng vẫn chưa xong

Cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ ở Mỹ năm 2008 rồi lan ra thành cuộc suy thoái kinh tế toàn thế giới. Từ khủng hoảng ai cũng thấy hệ thống tài chính-ngân hàng của nền kinh tế phát triển nhất thế giới này cần phải được “đại tu”, phải có những luật lệ rõ ràng và chặt chẽ giám sát các hoạt động tài chính nhằm tránh tái diễn một cuộc khủng hoảng mới. Do quy mô và vai trò đặc biệt của hệ thống tài chính Mỹ, những động thái của thị trường này được cả thế giới quan tâm theo dõi.

Tuy nhiên, hơn hai năm qua, các nhà lập pháp Mỹ vẫn chưa thôi tranh cãi về một giải pháp khả dĩ thỏa mãn được quyền lợi của hai đảng đối lập nhau - Dân chủ và Cộng hòa. Sang tuần này, mọi chuyện tưởng sẽ được giải quyết êm đẹp khi Thượng viện Mỹ tổ chức biểu quyết xem có nên đem bản dự thảo luật cải tổ hệ thống tài chính do đảng Dân chủ soạn ra thảo luận tại Thượng viện hay không.

Một lần nữa, kết quả biểu quyết lại rơi vào tình trạng bế tắc: trong 100 nghị sĩ có 57 phiếu thuận, 41 phiếu chống và 2 phiếu trắng. Để dự luật được đưa ra thảo luận cần có ít nhất 60 phiếu thuận.

Đảng Dân chủ cầm quyền hiện chiếm tới 59 ghế tại Thượng viện, song trong cuộc biểu quyết sáng thứ Hai 26-4 vừa qua đã có 2 nghị sĩ Dân chủ “chạy” sang phe Cộng hòa, bỏ phiếu chống và 2 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu trắng.

Nhận định rằng nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua là do thiếu kiểm soát các hoạt động cho vay dưới chuẩn và kinh doanh các sản phẩm tài chính phái sinh (derivatives), dự luật của Thượng viện Mỹ nhằm siết chặt mọi khía cạnh của hệ thống tài chính, kể cả quy mô của các ngân hàng.

Dự luật cho phép Chính phủ Mỹ đóng cửa bất kỳ định chế tài chính nào đe dọa sự ổn định của cả hệ thống. Một quỹ dự phòng 50 tỉ đô la sẽ được hình thành từ đóng góp của các ngân hàng lớn để giúp các ngân hàng bị vỡ nợ đáp ứng những cam kết về tài chính trước khi phá sản.

Dự luật thiết lập một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng chống lại lề lối cho vay “cướp bóc”, theo đó các tổ chức tín dụng bắt buộc phải cung cấp cho người vay những thông tin chi tiết về thế chấp, nợ thẻ tín dụng và các khoản vay khác. Cơ quan này cũng sẽ giám sát các quỹ đầu cơ và áp đặt những luật lệ nghiêm khắc lên việc kinh doanh sản phẩm tài chính phái sinh - những công cụ tài chính không được kiểm soát nằm ở trung tâm cuộc khủng hoảng kinh tế 2008.

Dự luật cũng tổ chức lại hệ thống điều hành ngân hàng ở cấp liên bang, đưa nhiều ngân hàng nhỏ ra khỏi tầm quản lý của Cục Dự trữ liên bang (FED) - tức là ngân hàng trung ương của nước này, đồng thời trao cho cổ đông của các công ty đại chúng nhiều quyền hạn hơn trong việc bầu ban giám đốc cũng như giữ vai trò tư vấn trong việc trả lương thưởng cho đội ngũ quản lý.

Theo Reuters, văn bản dự thảo luật mà hãng này xem được còn bắt buộc các ngân hàng phải tách ra, thành lập riêng các đơn vị kinh doanh sản phẩm phái sinh như CDO và CDS.

Nếu được thực thi những biện pháp này sẽ đe dọa lợi nhuận của các ngân hàng, nhất là thị trường sản phẩm phái sinh, vì thế mấy tháng qua các nhà vận động hành lang đại diện cho các ngân hàng lớn ở Wall Street đã làm việc cật lực để ngăn cản hoặc làm suy yếu nội dung của dự luật này.

Tổng thống Barack Obama và đảng Dân chủ tin rằng, một bộ luật chặt chẽ như vậy sẽ kìm hãm sự tham lam của giới đầu cơ, bảo vệ quyền lợi của người vay mượn và tránh tái diễn việc dùng tiền đóng thuế của người dân để “cứu nguy” các ngân hàng và định chế tài chính thua lỗ. Ông Obama nói ông “bất mãn sâu sắc” với kết quả biểu quyết của Thượng viện và kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa “đặt quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi của đảng, của các tập đoàn tài chính giàu có”.

Về phần mình, đảng Cộng hòa cáo buộc đảng Dân chủ đã quá vội vã trong việc cải tổ hệ thống tài chính và kiên quyết đòi có những sự thay đổi trong dự luật. Theo một số nghị sĩ Cộng hòa, dự luật thiếu những điều khoản cần thiết để xử lý các tập đoàn cho vay bất động sản lớn như Fannie Mae và Freddie Mac, nhưng lại trao quá nhiều quyền hành cho cơ quan bảo vệ người tiêu dùng.

Nghị sĩ Jugg Gregg (Cộng hòa), cho rằng đảng Cộng hòa cũng muốn ngăn ngừa một vụ khủng hoảng giống như năm 2008 song cảnh báo đảng Dân chủ đang bóp nghẹt nền kinh tế bằng sự điều hành quá đáng. “Chúng ta không nên thực thi một cơ chế điều hành quá đáng mà hậu quả sẽ làm giảm đáng kể năng lực xây dựng một thị trường tín dụng, thị trường vốn có sức sống mạnh nhất thế giới”, ông nói.

Đằng sau cuộc tranh cãi quanh dự luật cải tổ tài chính còn có sự mâu thuẫn quan niệm về vai trò điều hành của nhà nước trong hệ thống tài chính và trong nền kinh tế nói chung. Chưa hóa giải được mâu thuẫn này, kinh tế Mỹ chưa thể cải tổ trọn vẹn.

Trong khi các nghị sĩ tranh cãi quyết liệt trên nghị trường thì người dân Mỹ có vẻ ủng hộ việc siết chặt các luật lệ trên thị trường tài chính. Thăm dò của báo Washington Post và ABC News cho thấy hơn hai phần ba số người được hỏi muốn hoạt động kinh doanh của hệ thống tài chính-ngân hàng được giám sát chặt chẽ hơn.

Công chúng Mỹ đang phẫn nộ với Wall Street, nhất là sau khi những vụ lừa đảo của Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs bị phanh phui, và đảng Dân chủ đang lợi dụng hiện trạng để thúc đẩy dự luật này tới cùng, một phần cũng nhằm tăng lợi thế chính trị của đảng này trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 sắp tới.

Trong vài tuần tới, Thượng viện Mỹ phải tìm được một giải pháp thỏa hiệp lưỡng đảng để chấn chỉnh hệ thống tài chính, nếu không muốn lại “mất bò” như vụ sụp đổ Ngân hàng Bear Stearns dẫn tới khủng hoảng hai năm về trước.

Huỳnh Hoa

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Hy Lạp cần bao nhiêu tiền tránh phá sản? (30/04/2010)

>   BOT nâng dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan (30/04/2010)

>   Kinh tế Mỹ tiếp tục quá trình phục hồi từng bước (30/04/2010)

>   Chi tiêu tiêu dùng “dẫn” GDP Mỹ tăng 3.2% (30/04/2010)

>   IMF cảnh báo kinh tế châu Á phát triển quá nóng  (29/04/2010)

>   Kinh tế thế giới tuần từ ngày 26/04-01/05 (26/04/2010)

>   Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 1.8% trong quý I (27/04/2010)

>   4 nước muốn thay đổi trật tự kinh tế thế giới (27/04/2010)

>   Cạnh tranh Nga - Trung mở cơ hội cho Mỹ (26/04/2010)

>   WB nhất trí tăng thêm tiền trợ giúp toàn cầu (26/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật