Thứ Hai, 17/05/2010 08:50

Cổ phiếu tăng do làm giá: Giải trình kiểu gì?

Mặc dù hành trình tăng giá bất thường của đa số cổ phiếu bị đầu cơ đang đi đến hồi kết, nhưng chưa bao giờ thị trường lại chứng kiến phong trào làm giá cổ phiếu nhỏ sôi động và dài hơi như vậy. Sự mập mờ của thông tin và một phần thiếu trách nhiệm của DN niêm yết đã góp phần không nhỏ cho tình trạng này.

Chóng mặt với giải trình ngược!

Mới tính “sơ sơ” trong hai phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ riêng sàn HoSE đã nhận được đến hơn chục văn bản giải trình biến động giá của các Cty niêm yết. Đa số là các giải trình về nguyên nhân tăng giá kịch trần liên tục quá 5 phiên.

Có thể kể ra một vài trường hợp có tốc độ tăng giá khó tin trong bối cảnh thị trường chung èo uột: ALP tăng giá 21 phiên, trong đó có 11 phiên kịch trần liên tục, mức tăng tối đa tới 130%. SRB tăng 55%, PPG tăng 69%... Đó là chưa kể rất nhiều CP khác tăng giá rất mạnh nhưng không kịch trần liên tục đủ 5 phiên để vào diện phải giải trình.

Điều mà NĐT cảm thấy “tức cười” trong một số giải trình là nguyên nhân đưa ra để lý giải không hề có nội dung, thậm chí chỉ như làm cho có. Chẳng hạn một CP tăng giá “khủng” tới 10 phiên trần liên tục được giải thích là do “tập thể cán bộ công nhân viên quyết tâm lập thành tích kỷ niệm 15 năm thành lập Cty. Cty đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang trên đà tăng trưởng, hoạt động ngày càng hiệu quả và sẽ công bố tầm nhìn 2010-2015!”.

Một bản giải trình khác còn “báo cáo” Cty hoãn tổ chức đại hội cổ đông vì không đạt số lượng biểu quyết theo quy định và cách chức một số nhân sự chủ chốt! Đa số Cty còn lại “khôn khéo” khẳng định tình hình hoạt động hoàn toàn bình thường và đổ lỗi cho thị trường vì “diễn biến giá nằm ngoài tầm kiểm soát”.

Trong số các DN vừa phải giải trình tăng giá kịch trần liên tục đã bắt đầu có trường hợp phải giải trình “nguyên nhân” giảm sàn chóng mặt. MCG là ví dụ đầu tiên. Cty này hôm 21.4 vừa có văn bản giải trình việc tăng giá liên tục 5 phiên tăng trần thì đến ngày 13.5 đã có một văn bản ngược lại: Tìm lý do cho diễn biến 5 phiên giảm sàn liên tục. Tiếp đến trong danh sách có lẽ sẽ là HAS. CP này đã tăng trần 6 phiên liên tục cho đến ngày 7.5 vừa qua. Hiện HAS đã lại có tới 4 phiên giảm sàn liên tục. ICF cũng trong tình trạng tương tự với 3 phiên giảm sàn tuần qua.

Một điểm mâu thuẫn là nếu nguyên nhân tăng giá trần liên tục của CP được cho là do Cty làm ăn tốt, có triển vọng thì vì sao diễn biến giá lại thay đổi chóng mặt, chuyển sang giảm sàn liên tục chỉ trong một thời gian rất ngắn? Các hoạt động cơ bản của Cty niêm yết không thể “đảo chiều” nhanh như vậy. Chủ tịch HĐQT một Cty niêm yết tại HNX trong buổi đại hội cổ đông gần đây than thở “phát mệt” vì phải tính chuyện giải trình. Còn với NĐT, nguyên nhân đơn giản nhất của biến động trên là “làm giá”.

Thay đổi cách nào?

Điều khiến đa số NĐT mất niềm tin vào tính minh bạch của thị trường là trong khi làm giá là chuyện ai cũng biết, thậm chí công khai trên một số diễn đàn, thì việc phát hiện và xử phạt lại hạn chế. Các vụ việc được phát hiện gần đây cũng chỉ đưa ra mức phạt vài chục triệu đồng ngay cả với trường hợp thao túng giá CP. Trong khi đó lợi nhuận có được từ những phi vụ như vậy lên tới nhiều tỉ đồng.

Một trong những thiếu sót trong công tác xử phạt hành vi thao túng, giao dịch nội gián là tịch thu các khoản thu phát sinh từ hành vi vi phạm. Do đó các chế tài chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính theo khung quy định. Mặc dù Nghị định 36 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK đã đề cập nhưng lại thiếu hướng dẫn cách tính nên cơ quan quản lý chưa có đủ căn cứ để xác định khoản tiền bất chính cũng như buộc đối tượng vi phạm nộp khoản tiền này vào ngân sách nhà nước.

Dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 36 đang chuẩn bị ban hành được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi. Mức phạt hành chính cho hành vi thao túng giá được tăng lên 200-300 triệu đồng – một cải tiến lớn từ con số 70 triệu theo quy định cũ – dù theo ý kiến của nhiều NĐT là vẫn còn thấp. Cách tính khoản thu trái pháp luật cũng được hướng dẫn cụ thể. Dự thảo cũng bổ sung những nội dung rất cơ bản liên quan đến việc cưỡng chế thi hành xử phạt bằng cách khấu trừ trực tiếp tại tài khoản và kê biên tài sản, CK tương đương mức phạt để bán đấu giá.

Đối với Cty niêm yết, càng nhiều thông tin mập mờ, càng có nhiều đất cho các hành vi thao túng. DN không thể đổ lỗi cho thị trường khi giá CP được “thổi” lên hay đánh xuống vì đa số các trường hợp tăng giá bất thường vừa qua đều liên quan tới các CP có thông tin đồn thổi về các dự án sắp hoàn thành hoặc khoản thu bất thường.

Tuy nhiên, không phải NĐT nào cũng có thể tìm được cách kiểm chứng mà đa số bị thuyết phục bởi những “bánh vẽ” của các đội đầu cơ. Một nhóm NĐT tại Hà Nội thậm chí còn lên danh sách một loạt CP có thông tin đồn thổi, nhưng không thể liên lạc hay tìm cách xác thực thông tin từ chính DN đó. Đa số những CP này đến nay đã giảm giá liên tục. Nếu Cty niêm yết có thể tạo lập được những kênh thông tin chính thức để NĐT tiếp cận và giải đáp nhu cầu tức thời sẽ hạn chế được tình trạng mập mờ thông tin và cất đi gánh nặng “chạy quanh” tìm lý do giải trình.

Hoàng Nguyên

lao động

Các tin tức khác

>   Standard Chartered hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai (17/05/2010)

>   Cần có cuộc thanh lọc (17/05/2010)

>   Mất tiền vì chạy theo cổ phiếu bị làm giá  (17/05/2010)

>   Kiểm toán trong các DNNVV: Kiểm toán nhỏ, lợi ích lớn (16/05/2010)

>   Habeco vận hành kỹ thuật nhà máy bia Hà Nội-Nghệ An (16/05/2010)

>   Lại bội thực cổ phiếu ngân hàng (16/05/2010)

>   Ông Greg Morris kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của HBS (17/05/2010)

>   Bài 2: Các ngưỡng chống đỡ chưa thể bị phá vỡ (16/05/2010)

>   Sàn chứng khoán vắng bóng doanh nghiệp FDI   (16/05/2010)

>    Kỳ vọng vào đợt tăng giá mới (16/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật