Thứ Hai, 17/05/2010 06:45

Mất tiền vì chạy theo cổ phiếu bị làm giá 

Nhà đầu tư (NĐT) "non" kinh nghiệm chạy theo những cổ phiếu (CP) đang bị làm giá nhưng không biết. Lại có những NĐT cố tình tìm kiếm lợi nhuận bằng cách đua theo các CP có khả năng bị làm giá... và sập bẫy.

Tuần này có CP nào “hot” không?

Theo thống kê, từ đầu tháng 4 đến nay VN-Index chỉ tăng 4,3% (VN-Index từ mức 499,24 điểm đến hết ngày 14.5 đạt 520,72 điểm) nhưng có nhiều CP đã tăng mạnh 70 - 80%, thậm chí tăng hơn 100%.

Đứng đầu danh sách có thể kể đến là HCT (CTCP thương mại dịch vụ vận tải xi măng Hải Phòng) từ giá 18.100 đồng/CP tăng lên 50.900 đồng/CP (tương ứng tăng 181,2%). Cùng thời gian trên, mã PVC (Tổng CTCP dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí) cũng đã tăng từ 25.000 đồng/CP lên 63.700 đồng/CP (tương ứng mức tăng 154,8%); mã PVA (CTCP xây dựng dầu khí Nghệ An) từ giá 57.400 đồng/CP vào ngày đầu tháng 4 đã tăng mạnh lên mức 119.400 đồng/CP vào ngày 6.5 (tương ứng tăng 108%)... Những CP này luôn được NĐT lao theo.

Tình trạng “cháy hàng” cũng xảy ra đối với một số CP có thị giá thấp trong thời gian qua như ALP (CTCP Alphanam), MTG (CTCP MT Gas), TIE (CTCP TIE)... trên sàn TP.HCM hay PVE (CTCP tư vấn đầu tư và thiết kế dầu khí), TLC (CTCP viễn thông Thăng Long)... trên sàn Hà Nội. Mức lợi nhuận hấp dẫn từ các CP này đã lôi cuốn khá nhiều NĐT trên sàn chứng khoán.

Vân - nhân viên môi giới của một công ty chứng khoán tại TP.HCM, cho biết khá nhiều NĐT đã hỏi cô những câu hỏi giống nhau: Tuần này có CP nào “hot” không? Có nhóm nào sắp “đánh” CP đó lên không?... Chỉ cần có một vài thông tin vu vơ cũng khiến cho NĐT mua vào CP đó mà không cần thời gian để kiểm tra lại độ chính xác của thông tin hay tìm hiểu tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, nếu CP đó bắt đầu tăng giá mạnh, khối lượng dư mua nhiều thì các NĐT càng đưa lệnh mua mạnh hơn.

Còn theo lý giải của nhiều NĐT cá nhân, với mức lợi nhuận chỉ cần từ 20% trong vòng một tháng cũng khiến họ sẵn sàng lao vào mua. Trong khi đó, những CP trên đã cho các NĐT sở hữu nó một mức lợi nhuận mà không kênh đầu tư nào mang lại được. Vì vậy nhiều NĐT vẫn chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra vì “không liều làm sao có lợi nhuận cao?”.

Sụp bẫy

Hiện nay đa số những CP “nóng” kể trên đã có nhiều phiên giảm sàn và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm.

Như PVA đã giảm từ 119.400 đồng/CP về còn 83.200 đồng/CP (giảm 30,3%); PVC từ giá 63.700 đồng/CP giảm về giá 45.800 đồng/CP (giảm 28,1%); TLC từ giá 18.800 đồng/CP giảm về còn 13.600 đồng/CP (giảm 27,6%)...

Vậy những NĐT đã mua vào ở mức giá cao vừa qua phải lo cắt lỗ ngay sau khi CP mua về đến tài khoản. Càng để lâu sẽ càng bị lỗ nhiều hơn. Bài học từ các NĐT chạy đua mua CP “nóng” VTV (CTCP vật tư vận tải xi măng Hà Nội) là một đòn đau nhớ đời. Đó là chuyện bà Nguyễn Kim Phượng - cổ đông lớn của VTV đã bán toàn bộ 557.800 CP vào ngày 24.3 mà không hề đăng ký thông tin về giao dịch như quy định. Trong khi chính bà Phượng đăng ký mua vào 1,3 triệu CP của VTV với giá 40.000 đồng/CP trước đó và thông tin này đã góp phần đưa giá VTV tăng từ 39.000 đồng/CP từ ngày 8.2 lên đỉnh cao 66.000 đồng/CP vào ngày 19.3. Những NĐT đã lỡ chạy mua VTV từ giữa tháng 3 đến gần cuối tháng 3 với giá từ 50.000 đồng - 62.800 đồng/CP đang than khóc vì sau khi thông tin bà Phượng bán hết toàn bộ CP được công bố, giá của VTV đã rớt không phanh. Đến nay chỉ còn 32.500 đồng/CP. Như vậy nếu một NĐT cá nhân mua 10.000 CP VTV ở giá 55.000 đồng/CP sẽ bị mất 225 triệu đồng tính đến thời điểm hiện tại (mất 41% trên số vốn bỏ ra), nếu nhanh tay cắt lỗ thì số tiền mất đi sẽ thấp hơn nhưng cũng không ít hơn 10% so với vốn bỏ ra.

Ông Phạm Linh, Giám đốc Công ty chứng khoán quốc tế Việt Nam (VISE) cho rằng khó có thể nói chính xác khi CP tăng giá là do bị một nhóm NĐT nào đó cố tình đẩy lên hay không. Nhưng nếu lượng mua được đặt vào liên tục và cuối phiên dư mua lớn thì sẽ tác động đến tâm lý của những NĐT khác khiến họ dễ dàng chạy theo đua lệnh mua. Tuy nhiên kể cả những nhóm NĐT chủ động làm giá CP hay nhiều NĐT a dua chạy theo cũng bị thua lỗ lớn nếu thị trường có những diễn biến bất ngờ.

Theo TS Lê Thẩm Dương (trường ĐH Ngân hàng TP.HCM), với mức siêu lợi nhuận của những CP bị làm giá thì nhiều NĐT sẵn sàng chạy theo. “Với nhiều NĐT, một đợt thua lỗ với VTV chỉ giúp họ tránh xa hay cảnh giác với VTV mà thôi. Những trường hợp tương tự vẫn có thể xảy ra đối với nhiều CP khác trên sàn nhưng vì lợi nhuận, họ vẫn sẵn sàng đua theo và bỏ qua mọi lời cảnh báo rủi ro. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động thao túng, làm giá CP trên sàn chứng khoán tồn tại”, ông Dương nói.

Mai Phương

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Kiểm toán trong các DNNVV: Kiểm toán nhỏ, lợi ích lớn (16/05/2010)

>   Habeco vận hành kỹ thuật nhà máy bia Hà Nội-Nghệ An (16/05/2010)

>   Lại bội thực cổ phiếu ngân hàng (16/05/2010)

>   Ông Greg Morris kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của HBS (17/05/2010)

>   Bài 2: Các ngưỡng chống đỡ chưa thể bị phá vỡ (16/05/2010)

>   Sàn chứng khoán vắng bóng doanh nghiệp FDI   (16/05/2010)

>    Kỳ vọng vào đợt tăng giá mới (16/05/2010)

>   Đại gia chứng khoán cũng 'vỡ mặt' (16/05/2010)

>   Đại gia hoa hậu bị nghi thâu tóm công ty cổ phần trái luật (15/05/2010)

>   Nở rộ mua bán sáp nhập doanh nghiệp (15/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật