Chủ Nhật, 16/05/2010 14:46

Sàn chứng khoán vắng bóng doanh nghiệp FDI  

Kể từ khi Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 55) ngày 15/4/2009 thay thế Quyết định 238/2005/QĐ-TTg có hiệu lực thì việc niêm yết của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã chuyển đổi thành công ty cổ phần gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tính đến thời điểm này, Quyết định 55 đã có hiệu lực được hơn 1 năm, nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định 55 được niêm yết…

Làm khó doanh nghiệp

Hiện có hơn 400 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn chứng khoán Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong số này, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp. Gần đây, một số doanh nghiệp FDI có đủ điều kiện để niêm yết, nhưng chưa thể niêm yết cổ phiếu trên sàn do vướng mắc về khung pháp lý. Cụ thể, trước đây, các doanh nghiệp FDI khi chuyển sang hình thức công ty cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán thì thực hiện theo Nghị định 38/2003/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thí điểm việc chuyển đổi doanh nghiệp FDI sang công ty cổ phần và theo Quyết định 238/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhưng từ khi Quyết định 55 ra đời, điểm mới là không bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu xuống dưới 49% trước khi niêm yết, mà cho phép họ vẫn nắm giữ cổ phiếu trên tỷ lệ 49%. Nhưng khi cổ phiếu được niêm yết thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép bán ra cho đến khi đạt tỷ lệ tối đa 49% (không được phép mua vào khi tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài vẫn cao hơn tỷ lệ trên). Chính vì điểm đổi mới đó, nên việc niêm yết của các doanh nghiệp FDI đã chuyển thành công ty cổ phần gặp khó khăn, bởi về vấn đề này chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính.

Một ví dụ điển hình cho việc phải chờ đợi hướng dẫn là trường hợp của Công ty Cổ phần Everpia Việt Nam. Mặc dù có kế hoạch niêm yết trên HOSE từ quý III/2009, nhưng đến nay vẫn “tắc” do UBCK Nhà nước và Sở GDCK Tp. Hồ Chí Minh đều trả lời: Chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Điều khiến Everpia, cũng như nhiều doanh nghiệp FDI khác đang có ý định niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam bức xúc là kế hoạch niêm yết đã có, hồ sơ cũng đã hoàn chỉnh, nhưng không thể nào niêm yết được do lý do khách quan như đã nêu trên. Bên cạnh đó, nhiều cổ đông sáng lập của doanh nghiệp FDI đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng phần cổ phiếu nắm giữ của họ lại chưa được niêm yết, cũng chưa thể chuyển nhượng... Một giám đốc doanh nghiệp FDI đang chờ niêm yết trên sàn Hà Nội bức xúc: Không niêm yết được cổ phiếu khiến kế hoạch hoạt động SXKD của doanh nghiệp bị đảo lộn trong thời gian qua, tâm lý người lao động, cổ đông lớn cũng bị dao động.

Cần sớm giải quyết dứt điểm

Để giải quyết những bất cập cho việc niêm yết của doanh nghiệp FDI, TS Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, UBCK Nhà nước cho biết, hiện nay Bộ Tài chính đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng: Đối với các doanh nghiệp FDI chuyển đổi sang công ty cổ phần sẽ không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài (ngoại trừ các lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành, hoặc theo danh mục quy định của Thủ tướng Chính phủ - ví dụ ngân hàng là 30%). Ngoài ra, khi niêm yết doanh nghiệp FDI chuyển đổi sẽ phải niêm yết toàn bộ cổ phiếu theo vốn điều lệ; số cổ phiếu nếu bị hạn chế chuyển nhượng (để hưởng ưu đãi đầu tư) sẽ được hạch toán vào tài khoản lưu ký hạn chế chuyển nhượng. Khi phát hành tăng vốn điều lệ, doanh nghiệp FDI cũng không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Tuy nhiên, các vấn đề này cần phải có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó Bộ Tài chính mới đưa vào thông tư hướng dẫn Quyết định 55. TS. Nguyễn Sơn cũng khẳng định: Việc sớm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp FDI niêm yết sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của thị trường chứng khoán, bởi số lượng doanh nghiệp FDI có nhu cầu niêm yết khá lớn. Mặt khác, việc tham gia niêm yết của các doanh nghiệp này không những sẽ góp phần gia tăng mức vốn hoá cho thị trường chứng khoán, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu của các doanh nghiệp mà còn tạo cơ hội để thu hút các dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài qua thị trường chứng khoán.

Nhật Quang

Báo công thương

Các tin tức khác

>    Kỳ vọng vào đợt tăng giá mới (16/05/2010)

>   Đại gia chứng khoán cũng 'vỡ mặt' (16/05/2010)

>   Đại gia hoa hậu bị nghi thâu tóm công ty cổ phần trái luật (15/05/2010)

>   Nở rộ mua bán sáp nhập doanh nghiệp (15/05/2010)

>   Bài 1: PTKT giúp thu hẹp khoảng cách giữa phân tích và hành động (15/05/2010)

>   Tháng 6, HOSE có kéo dài thời gian giao dịch? (15/05/2010)

>   Gỡ "nút thắt" huy động vốn (15/05/2010)

>   Lương, thưởng HĐQT qua "lăng kính" chỉ tiêu kinh doanh (15/05/2010)

>   Làm thật, nói thật (15/05/2010)

>   Bắt cơ hội với hội thảo về ứng dụng PTKT (15/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật