Lương, thưởng HĐQT qua "lăng kính" chỉ tiêu kinh doanh
Chỉ tiêu lợi nhuận có ảnh hưởng qua lại giữa lợi ích cổ đông và ban điều hành. Nếu gia tăng lợi ích thực sự cho cổ đông bằng sự năng động, sáng tạo, thì các khoản lương, thưởng của HĐQT nhận được mới thực sự xứng đáng.
Lương, thưởng ban điều hành: Bên cao bên thấp
Tại ĐHCĐ CTCP Chế biến gỗ Đức Thành (GDT), trước khi biểu quyết tờ trình tăng thù lao của HĐQT thêm 20% và Ban kiểm soát thêm 200%, bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc phân trần: "So với nhiều DN niêm yết khác, HĐQT Gỗ Đức Thành có lẽ nhận được thù lao thấp kỷ lục, khi 7 thành viên chỉ nhận thù lao với tổng số tiền là 100 triệu đồng/năm. 3 thành viên Ban kiểm soát chỉ nhận được thù lao 10 triệu đồng/năm. Mức tăng thêm có lẽ chỉ mang ý nghĩa động viên tinh thần cho Ban lãnh đạo Công ty nhiệt tình và hăng hái hơn là lợi ích kinh tế thực sự". Thật vậy, năm 2009, tính trung bình mỗi thành viên HĐQT GDT chỉ nhận được khoản thù lao khoảng 1,2 triệu/tháng và 256.000 đồng/tháng với mỗi thành viên Ban kiểm soát. Sang năm 2010, thù lao cho mỗi thành viên HĐQT là 2 triệu đồng/tháng (do số thành viên giảm từ 7 xuống 5) và mỗi thành viên Ban kiểm soát là hơn 800.000 đồng/tháng - thấp hơn so với nhiều DN khác.
Thông thường, khi vượt kế hoạch lợi nhuận, HĐQT các DN niêm yết luôn đề nghị các cổ đông cho được hưởng tỷ lệ nhất định trên lợi nhuận đã vượt. Tuy nhiên, điều này không xảy ra tại ĐHCĐ GDT. Năm 2010, HĐQT GDT không xin cổ đông thưởng thêm, dù mức lợi nhuận kế hoạch chỉ tương đương năm 2009 và nhiều khả năng Công ty sẽ vượt xa kế hoạch, do để ngỏ việc chuyển nhượng khu đất Mỹ Phước 2 (Bình Dương). Hiện tại, việc chuyển nhượng về cơ bản đã thành hiện thực, ước tính mang lại cho Công ty khoản lợi nhuận vài chục tỷ đồng.
CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) cũng có xuất phát điểm như GDT, tiền thân là công ty gia đình, sau đó đại chúng hóa và niêm yết. ĐHCĐ HLA cuối tháng 4 vừa qua đưa ra kế hoạch lợi nhuận khá ấn tượng: Năm 2010, Công ty đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 160 tỷ đồng, tăng 142% so với mức thực hiện năm 2009. Tuy nhiên, HĐQT HLA cũng chỉ đề nghị một mức thưởng 2,4 tỷ đồng, tương đương 2% lợi nhuận sau thuế nếu Công ty đạt hoặc vượt kế hoạch. Thù lao cho các thành viên cao cấp HĐQT HLA ở mức trung bình so với các DN khác, từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, tại các DN niêm yết, mức trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi phổ biến là 5% lợi nhuận sau thuế. Đây là khoản tiền sau khi được ĐHCĐ nhất trí trích lập sẽ được sử dụng theo quy chế riêng của DN và không thuộc thẩm quyền giám sát của cổ đông. Với các công ty niêm yết lớn, có lợi nhuận sau thuế lên đến cả ngàn tỷ đồng, thì mức trích lập 5% sẽ cho một con số có giá trị tuyệt đối rất cao.
Chẳng hạn, tại Đạm Phú Mỹ (DPM), với lợi nhuận sau thuế thực hiện năm 2009 là 1.338 tỷ đồng, theo phương án phân phối lợi nhuận năm 2009 được ĐHCĐ phê duyệt, DPM trích lập gần 67 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi. Trong ĐHCĐ, DPM đưa ra phương án phân phối lợi nhuận năm 2010 như sau: Quỹ lương, thù lao ban điều hành là 3,8 tỷ đồng/năm và mức thưởng 0,1% lợi nhuận sau thuế. Trường hợp vượt kế hoạch lợi nhuận, HĐQT trích thêm quỹ khen thưởng theo các mức lũy tiến. Cụ thể, vượt kế hoạch từ 0 - 10% sẽ trích 5% trên số lợi nhuận vượt, từ 10 - 20% sẽ trích 10% và vượt trên 20% sẽ trích 15%.
Một số cổ đông DPM nêu ý kiến, HĐQT đưa ra các con số khen thưởng và kế hoạch kinh doanh không "thuận chiều": lợi nhuận sau thuế 1.007 tỷ đồng, giảm 35% so với mức thực hiện năm 2009, nhưng thù lao HĐQT tăng thêm 300 triệu đồng. Khi biểu quyết tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm 2009 và kế hoạch lợi nhuận năm 2010, có tương ứng 87,7% và 84% số cổ phần đồng ý. (Tại ĐHCĐ, đại diện nhà nước sở hữu 60% vốn và các cổ đông bên ngoài có mặt đại diện cho 21% cổ phần).
Xét về tỷ lệ phần trăm, kỷ lục về mức thưởng năm 2010 có lẽ sẽ thuộc về CTCP Gạch men Vilacera Thăng Long (TLT), khi ĐHCĐ thông qua tờ trình cho phép HDQT được hưởng 50% lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch.
Kế hoạch kinh doanh, lương thưởng và tỷ lệ sở hữu
Mùa ĐHCĐ năm ngoái, câu chuyện lương, thưởng HĐQT của các DN niêm yết khá thú vị nếu nhìn vào mối liên quan giữa lợi nhuận thực hiện năm 2009, kế hoạch lợi nhuận năm 2010 với tỷ lệ sở hữu cổ phần của ban lãnh đạo. Theo đó, các DN có tiền thân là công ty nhà nước, HĐQT chỉ là các cá nhân đại diện phần sở hữu vốn của nhà nước, sở hữu ít cổ phiếu có khuynh hướng xây dựng kế hoạch kinh doanh thận trọng, thậm chí khá thấp so với mức thực hiện năm ngoái. Có thể thấy "hiện tượng" này ở một số công ty niêm yết mà Nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu cao như CTCP Gas Petrolimex đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2010 bằng 71% so với mức thực hiện năm 2009; CTCP Vận tải Hà Tiên đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2010 bằng 72,6% mức thực hiện năm 2009. Tỷ lệ sở hữu nhà nước tại hai DN này hiện tại là 52,36% và 50,08%.
Ở phía đối lập, các DN mà ban điều hành nắm tỷ lệ cổ phần lớn thì các khoản lương, thưởng của ban lãnh đạo ở mức vừa phải, đôi khi mang tính chất tượng trưng. Kế hoạch kinh doanh năm 2010 của các DN này cũng được xây dựng sát với mức thực hiện năm trước hoặc hướng tới sự tăng trưởng. Chẳng hạn, tại GDT và HLA, riêng sở hữu cá nhân của chủ tịch HĐQT đã chiếm lần lượt 37,5% và 26,3% cổ phần.
Thực tế, HĐQT là những người định vị, định hướng, vạch ra chiến lược phát triển của công ty. Trách nhiệm này tỏ ra nặng nề hơn đối với lãnh đạo các DN niêm yết, khi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cổ đông luôn giám sát hoạt động của công ty, tạo ra áp lực lớn. Bù lại, ngoài việc nhận được thù lao định kỳ, cuối năm, ban điều hành sẽ nhận được tiền thưởng nếu lợi nhuận đạt hoặc vượt kế hoạch. Nhưng ở phía cổ đông, kế hoạch kinh doanh và mức lợi nhuận thực hiện là căn cứ quan trọng để định giá cổ phiếu. Bởi vậy, chỉ tiêu lợi nhuận có ảnh hưởng qua lại giữa lợi ích cổ đông và ban điều hành. Nếu gia tăng lợi ích thực sự cho cổ đông bằng sự năng động, sáng tạo, thì các khoản lương, thưởng của HĐQT nhận được mới thực sự xứng đáng.
Giang Thanh
Đầu tư chứng khoán
|