Cổ phiếu ngân hàng đi về đâu?
Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua 14.5, trong khi nhiều cổ phiếu (CP) đã tăng trở lại sau mấy phiên giảm điểm thì hầu hết CP ngành ngân hàng vẫn tiếp tục giảm.
Càng giữ càng lỗ
Tính từ đầu năm đến nay, nhóm CP ngành ngân hàng đang niêm yết trên hai sàn đều giảm từ 13 - 20% so với mức giá đầu năm, trong khi VN-Index tăng 5,24%. Ví dụ CP của Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB) từ giá 26.100 đồng đầu năm 2010 đến nay còn 21.000 đồng/CP (giảm 19,5%); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (STB) từ giá 26.000 đồng/CP giảm về còn 21.700 đồng/CP (giảm 16,5%); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) từ giá 31.500 đồng/CP nay còn 27.500 đồng/CP (giảm gần 13%); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) từ 49.800 đồng/CP nay còn 41.700 đồng/CP (giảm 16,26%); Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ 38.800 đồng/CP giảm còn 33.000 đồng/CP (giảm gần 15%)...
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có đưa ra quy định hạn chế số CP sở hữu của cá nhân và tổ chức tại một tổ chức tín dụng lần lượt là 5% (quy định hiện hành là 10%) và 10% (quy định hiện hành là 20%). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi nên có thể dung hòa giới hạn sở hữu CP của tổ chức là không quá 15%. Theo TS Lê Thẩm Dương, nếu được thông qua thì quy định này dù ở mức nào cũng sẽ thấp hơn so với quy định hiện hành sẽ càng khiến cho các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn trong việc tăng vốn theo đúng quy định.
Như vậy những nhà đầu tư (NĐT) sở hữu CP ngân hàng trong hơn 4 tháng qua đã bị lỗ khá nặng. Thậm chí trong tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng mạnh, chạm ngưỡng 550 điểm nhưng CP ngân hàng chưa hề có “sóng”. Điều này đã khiến các NĐT cá nhân ngán ngẩm và không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi cơn “sóng” của CP ngân hàng sau nhiều lần dự báo.
Đó là chưa kể hầu hết các NĐT khi nắm giữ CP ngân hàng đều không nhận được cổ tức năm 2009 bằng tiền mặt vì đa số các ngân hàng chỉ chia bằng CP. Ví dụ EIB sẽ phát hành thêm 176 triệu CP để phát hành CP thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 20%; CTG trả cổ tức 6 tháng cuối năm 2009 cho cổ đông bằng CP theo tỷ lệ 6,83%; STB trả cổ tức năm 2009 bằng CP theo tỷ lệ 15% và sẽ tiếp tục trả cổ tức năm 2010 bằng CP theo tỷ lệ 14 - 16%/vốn điều lệ...
Phát hành ồ ạt
Ngày 10.5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 3417/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng chậm nhất ngày 30.6 trình hồ sơ đề nghị chấp thuận tăng vốn. Đối với các đơn vị đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ phải báo cáo việc thực hiện định kỳ hằng tháng. Nếu các tổ chức tín dụng không trình phương án tăng vốn hoặc không được chấp thuận tăng vốn thì chậm nhất đến ngày 30.9 phải có phương án chấm dứt tư cách pháp nhân (gồm sáp nhập, hợp nhất, mua lại, tự giải thể...). Theo ước tính, hiện có khoảng 20 ngân hàng vẫn chưa đảm bảo đủ vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng theo quy định. Do đó, việc chạy đua phát hành thêm CP cho cổ đông và các đối tác bên ngoài của các ngân hàng để tăng vốn là chuyện không tránh khỏi. Trong khi đó, bản thân những ngân hàng lớn đều có kế hoạch tăng vốn. Ví dụ EIB sẽ tăng vốn từ 8.800 tỉ đồng lên 10.560 tỉ đồng; STB sẽ tăng vốn trong năm 2010 lên 9.179,4 tỉ đồng (tăng 37% so với vốn điều lệ cuối năm 2009); ACB sẽ tăng vốn điều lệ từ 7.814 tỉ đồng lên 9.376,9 tỉ đồng...
Theo ông Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính trường ĐH Kinh tế TP.HCM, các ngân hàng có quy mô nhỏ hiện vẫn rất khó khăn để tìm kiếm đối tác chiến lược. Do đó việc tăng vốn điều lệ chủ yếu vẫn là phát hành thêm CP cho cổ đông hiện hữu. Khi đó, một lượng vốn khổng lồ sẽ phải được huy động để góp vốn vào ngân hàng cũng sẽ tác động phần nào đến nguồn vốn trên thị trường chứng khoán nói chung và cả nhóm CP ngành ngân hàng. Khi nguồn vốn càng lớn thì lượng CP càng nhiều và thu nhập trên mỗi CP (EPS) sẽ giảm đi trong thời gian trước mắt.
Còn theo nhận định của TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ngành ngân hàng năm 2010 vẫn đối diện nhiều khó khăn, nhất là về chính sách vĩ mô vì thay đổi khá nhanh chóng. Lợi nhuận của các ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng khi khoảng cách về lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay được quy định kéo sát lại gần nhau hơn. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước cũng khiến cho các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn... Vì vậy CP của ngành ngân hàng trong năm 2010 sẽ khó có đột biến cho dù đôi khi ngành ngân hàng vẫn được ưu ái như cần tăng trưởng tín dụng để đẩy mạnh tăng trưởng GDP. Khi thị trường vẫn còn rộng mở thì ngân hàng vẫn có lợi thế hơn các doanh nghiệp khác. Nhưng với lượng CP phát hành ồ ạt để tăng vốn theo quy định thì lại không hấp dẫn NĐT nên CP ngân hàng không còn ở vị thế "vua" như những năm trước là tất yếu.
Mai Phương
thanh niên
|