Hàng “nóng” đã... nguội ngắt
Trong xu thế điều chỉnh 2 phiên gần đây, dấu hiệu dòng tiền thoát ra khỏi những mã tăng nóng có tính chất đầu cơ khá rõ ràng. Nếu như các CP nhỏ suốt tháng 4 được xem là mỏ vàng và tạo ra xu hướng đầu cơ "thời thượng", thì nay đang bị xả không thương tiếc trong bối cảnh trắng bên mua.
Mất thanh khoản
Trong xu hướng giảm chung của hai sàn ngày 13.5, nhóm CP nhỏ gây chú ý nhiều nhất khi xuất hiện tình trạng dư bán sàn hàng triệu đơn vị. Điểm mặt một số CP nóng được chú ý nhất thời gian qua như PVA, PVX, VSP, VMG, PVC... gần như trong toàn bộ thời gian giao dịch của phiên, sức cầu không đủ đẩy giá vượt lên khỏi mức sàn.
Khối lượng chờ bán xếp hàng từ đầu giờ với những mã này đã vượt con số hàng triệu. PVX mới bước sang phiên giảm đầu tiên kể từ khi đạt đỉnh, nhưng áp lực bán đã tăng vọt.
“Dường như có hiện tượng “đánh xuống” CP này” - anh Tuấn - một NĐT tại sàn HBBS - nhận xét. PVX đã từng làm hoa mắt cả thị trường khi tăng trần 8 phiên liên tục, từ mức 23.500đ/CP lên cao nhất 36.900đ/CP.
“PVX từng điều chỉnh giảm giá ngày 21.4 vừa qua để phát hành thêm, từ 28.500đ/CP xuống còn 22.800đ/CP. Như vậy đợt tăng giá này đã khiến giá PVX cao hơn cả thời điểm trước khi điều chỉnh. NĐT nào nắm giữ để nhận CP thưởng đã lãi toàn bộ số CP được nhận thêm, thậm chí còn lãi ròng thêm hơn 14.000đ cho mỗi CP. NĐT mua được từ đáy hoàn toàn có thể rút ra phần vốn ban đầu và số CP còn lại có giá bằng 0đ. Dù giá PVX có giảm đến đâu thì họ vẫn lãi to. Nếu thực hiện đánh xuống để mua lại rẻ hơn thì lợi nhuận được quay vòng càng lớn”.
PVX đóng cửa phiên ngày 13.5 vẫn còn dư bán sàn gần 1,74 triệu CP. VSP cũng đã tăng 170%, từ đáy 23.400đ lên 64.000đ trong tháng 4 và đặc biệt là 7 phiên tăng kịch trần liên tục tính đến ngày 11.5. VSP cuối giờ dư bán sàn 1,62 triệu CP. PVC đã tăng 158% và giảm trở lại 4 phiên, dư bán sàn 930.000 CP. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với PVC, VMG và rất nhiều mã khác.
Học mãi bài "chuyền bom"!
Giới đầu tư ví cách “chơi” hàng nóng như một trò chơi chuyền bom: Quả bom được chuyền tay từ người này sang người khác và không biết đã xì khói từ lúc nào. Người cẩn thận thấy khói thì không nhận nữa, nhưng lòng tham khiến nhiều người khác nghĩ rằng đến lượt mình chắc gì đã nổ và hy vọng kịp đẩy quả bom ấy cho người khác.
Rất nhiều NĐT đạt lợi nhuận cao, thậm chí tính bằng lần trong trò chơi này. Nhưng nếu họ thắng, thì ắt có người mất tiền. Chỉ tính sơ sơ một vài mã: PVA phân phối tại đỉnh trong 5 phiên với 3,94 triệu CP, giá từ 108.000đ-119.900đ, hiện chỉ còn 86.300đ/CP; PVX trong 2 phiên đạt đỉnh từ 32.300đ-36.900đ khớp lệnh 11,9 triệu đơn vị, giá hiện tại 32.200đ/CP; VSP phân phối 4 phiên từ giá 55.200đ lên 64.000đ với 7,53 triệu đơn vị, giá còn 56.000đ/CP; MAC xả tại vùng đỉnh tới 10 phiên, khối lượng 3,59 triệu đơn vị...
Theo lời một NĐT, đã chơi hàng nóng thì đầu phải lạnh. “Đa số NĐT “chết” vì tham. Thông thường sau khi tăng nóng một chặng dài, giá CP sẽ điều chỉnh giảm nhẹ. Người khôn sẽ thoát ra luôn hoặc thoát một phần để giảm rủi ro. Rất hiếm khi CP nóng sẽ lao dốc ngay mà lại tăng tiếp một đoạn nữa. Người tham vừa bán sẽ tiếc và nhảy vào mua lại, cộng với người chưa mua nhịn không nổi khi bỏ lỡ vài chục phần trăm. Lượng tiền này tiếp tục đẩy giá lên, nhưng là cơ hội cho những NĐT khác bán ra. Giá càng lên cao thì chi phí vốn càng lớn và đến lúc cạn tiền, CP sẽ đương nhiên lao dốc”.
Điều nguy hiểm trong trò chơi đầu cơ hàng nóng là rủi ro thanh khoản. Lúc lên CP nóng rất khó mua do bị chặn mua trần khối lượng cực lớn từ sớm. Mua mãi không được trong khi giá tăng kịch biên độ từng ngày khiến nhiều người càng sốt ruột. Ngược lại, khi giảm, lượng hàng bị xả thường cực lớn trong khi bên mua rất yếu. Do đó người muốn thoát ra cũng không thoát được và đành nhìn tài khoản lỗ từng ngày.
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng mất thanh khoản của một số CP bị đầu cơ quá mức thời gian qua. Thứ nhất, NĐT chấp nhận thoát ra một cách dứt khoát ngay khi CP giảm giá. Biểu hiện là trong tình trạng mất thanh khoản bên mua, mỗi khi có khối lượng mua ở giá thấp, thậm chí mức sàn, bên bán cũng chấp nhận bán ra mà không chờ giá tốt nữa. Hành động bán này thường xuất hiện trong thời kỳ đầu của chu kỳ giảm.
Thông thường với những người bị lỗ, không phải NĐT nào cũng chấp nhận cắt lỗ một cách kiên quyết. Họ thường hy vọng vào cơ hội phục hồi lại để bán ra. Tuy nhiên, trong số những người “kẹp”, không ít NĐT có giá vốn rất thấp nên dù bán giá sàn liên tục, lợi nhuận vẫn còn đủ lớn.
Trường hợp thứ hai - được nhiều CTCK khẳng định hơn - bắt nguồn từ sự thiếu hụt tiền cầm cố (margin). Dòng tiền chảy vào tạo sóng CP nhỏ từ tháng 4 được cho là có tính vay mượn cao. “Một số tổ chức đã cho phép dùng đòn bẩy đối với một số CP penny trong thời gian gần đây và khi hoạt động chốt lời ở một số CP nói trên diễn ra mạnh như trong phiên 12.5 thì việc bán ra CP ký quỹ sẽ khiến mức độ điều chỉnh diễn ra mạnh mẽ hơn” - CTCK HSC nhận xét.
Áp lực giải chấp với CP nhỏ có thể dễ được chấp nhận nhằm giải thích khối lượng đè bán sàn rất sớm lên tới hàng triệu đơn vị. Cơn hoảng loạn của hoạt động giải chấp đã từng xảy ra và rất ít người muốn nằm trong vòng xoáy đó nếu chậm chân.
Hoàng Nguyên
lao động
|