Thứ Năm, 13/05/2010 13:52

"Cổ phiếu ngoại" đuối sức, vì sao?

Nếu như thời điểm mới chào sàn cách đây vài năm, nhóm cổ phiếu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là "hàng hot", được NĐT săn lùng, thì nay đang ở thái cực ngược lại, bởi so với mức giá ngày chào sàn, thị giá 100% cổ phiếu ngoại đã có sự sụt giảm mạnh, giá nhiều cổ phiếu thấp hơn mệnh giá và dưới giá trị sổ sách. Kèm theo đó, khối lượng và giá trị giao dịch cũng ở mức rất thấp so với mặt bằng chung. Những người trong cuộc lý giải ra sao về tình trạng này?

Sau khi CTCK Mirae Fiber (KMF) sáp nhập vào CTCP Mirae (KMR), hiện trên TTCK Việt Nam có 9 DN FDI niêm yết là: CTCP Mirae (KMR), CTCP Gạch men Chang Yih (CYC), CTCP Full Power (FPC), CTCP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (TYA), CTCP Quốc tế Hoàng Gia (RIC), CTCP Công nghiệp gốm sứ Taicera (TCR), CTCP Bourbon Tây Ninh (SBT), CTCP Thực phẩm quốc tế (IFS) và CTCP Công nghiệp Tung Kuang (TKU). Nếu như thời điểm lên sàn cách đây 3 - 4 năm, giá các loại cổ phiếu này dao động khá vững ở mức 3 hoặc 4 "chấm", thì đa phần nay lùi về 1 "chấm", thậm chí có cổ phiếu dưới mệnh giá.

Thị giá các cổ phiếu FDI đang niêm yết (ĐVT: đồng)

Làm ăn thua lỗ là nguyên nhân được các DN thừa nhận là lý do chủ yếu khiến giá nhiều cổ phiếu ngoại liên tục giảm. Ông Linh Thin Pau, người công bố thông tin của TYA cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, quý I/2010, Công ty có mức tăng trưởng doanh thu 66%, nhưng do VND tăng giá so với USD, nên khiến giá thành tăng 3,9%, nên TYA bị lỗ hơn 132 triệu đồng. Dự phòng chênh lệch tỷ giá USD/VND, Công ty đã thực hiện trong quý I/2010 là 14 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận luỹ kế năm 2008 - 2009 của TYA đều âm. Bởi vậy, ĐHCĐ thường niên năm 2010 của Công ty vừa nhất trí thông qua không chi trả cổ tức năm 2009.

Trả lời câu hỏi mà nhiều NĐT quan tâm là có điều gì "bất thường" trong kết quả làm ăn kém hiệu quả kéo dài của TYA, ông Linh Thin Pau lý giải, liên tiếp trong các năm 2008 - 2009, giá đồng, nguyên liệu sản xuất chính của Công ty tăng cao, nên đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh. Việc cải thiện tình trạng này, theo ông Pau, phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều hành của công ty mẹ…

Rơi vào hoàn cảnh bi đát hơn, cổ phiếu FPC vừa bị Sở GDCK TP. HCM ra quyết định tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 6/5/2010, vì hoạt động kinh doanh bị thua lỗ 2 năm liên tiếp (2008 - 2009). Nhìn vào diễn biến này,  ít NĐT nào hình dung được ở thời hoàng kim, giá FPC đã từng chạm 4 "chấm" (giá trước thời điểm bị tạm ngừng giao dịch là 7.200 đồng/CP).

Một lý do nữa khiến các cổ phiếu FDI đuối sức, theo các DN, là do quy định pháp lý hiện hành đang hạn chế số lượng cổ phiếu niêm yết của các DN FDI, nên ảnh hưởng tiêu cực đến tính thanh khoản của nhiều cổ phiếu. Theo KMR, đầu năm 2009, Công ty nộp hồ sơ niêm yết tại HOSE và đề nghị Sở cho niêm yết toàn bộ vốn điều lệ. Tuy nhiên, HOSE chỉ đồng ý cho Công ty niêm yết 7.236.850 cổ phiếu phát hành thêm khi chuyển đổi, còn 6.050.216 cổ phiếu của các cổ đông sáng lập nước ngoài thì không được niêm yết. Vừa qua, sau khi có Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, Công ty dự định xin niêm yết nốt số cổ phiếu còn lại, nhưng khi xin ý kiến của HOSE thì được trả lời: một số DN có vốn đầu tư nước ngoài như KMR đã chính thức gửi đơn xin niêm yết, nhưng UBCK đã có công văn không chấp thuận với lý do phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính. Điều này, theo CTCP Mirae, đang ảnh hưởng bất lợi đến tính thanh khoản, cũng như sức hấp dẫn của cổ phiếu KMR.

Bức tranh thị giá cổ phiếu ngoại đang khiến NĐT đặt câu hỏi, phải chăng những thế mạnh về công nghệ, kỹ năng quản trị, thị trường… không được các DN FDI niêm yết phát huy hiệu quả, hay vì những lý do nào khác khiến kết quả kinh doanh của các DN này trong nhiều năm liên tiếp "xấu"? Giám đốc khối Phân tích Đầu tư một CTCK nhìn nhận, kết quả làm ăn yếu kém của các DN FDI niêm yết trong nhiều năm thực sự là một ẩn số đối với NĐT. Điều không bình thường là dù thua lỗ, hoặc lãi không đáng kể, nhưng nhiều DN vẫn tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất với quy mô hoành tráng. Năm 2009, dù chỉ đạt lợi nhuận sau thuế hơn 4,1 tỷ đồng và quý I/2010 đạt trên 556 triệu đồng (cùng kỳ năm 2009 lỗ hơn 9,6 tỷ đồng), nhưng theo Nghị quyết ĐHCĐ của TCR, trong năm nay, Công ty dự kiến góp 1 triệu USD để cùng với Công ty Keraben thành lập công ty liên doanh, đồng thời TCR có kế hoạch đầu tư 2 triệu USD vào một số ngành nghề khác…

Dưới góc nhìn của NĐT, cung cách công bố thông tin của các DN FDI niêm yết đang khiến họ e ngại về tính minh bạch của nhóm cổ phiếu ngoại. Đến thời điểm này, nhiều DN như: CYC, KMR, TYA… vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2010. Hầu hết website của các DN này đều không có mục thông tin dành cho cổ đông như các DN "nội". Khi muốn tìm hiểu hoạt động của DN , NĐT phải đỏ mắt tìm kiếm may ra mới có được một vài thông tin, nhưng đa phần trong số đó là thông tin "nguội".

Hữu Hòe

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Dịch vụ kiểm toán không thể nhanh, nhiều, tốt, rẻ (13/05/2010)

>   Chất lượng công bố thông tin: Nhiều DN còn đối phó (13/05/2010)

>   Cổ phiếu ngân hàng chờ thời (13/05/2010)

>   Giá trị lâu dài của quan hệ nhà đầu tư (13/05/2010)

>   Khuôn mặt thị trường chứng khoán (13/05/2010)

>   IFC đầu tư 40 triệu đô la vào MSN (13/05/2010)

>   Giải mã cổ phiếu lỗ liên tục tăng giá (13/05/2010)

>   Chơi chứng khoán theo 'đội lái' (13/05/2010)

>   Nội dung và Chương trình hội thảo (13/05/2010)

>   KDC bành trướng trong ngành thực phẩm (12/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật