Thứ Tư, 12/05/2010 19:25

Câu chuyện sáp nhập của Kinh Đô

KDC bành trướng trong ngành thực phẩm

* Doanh thu hậu sáp nhập về thực phẩm đạt hơn 3,000 tỷ năm 2010

Dây chuyền Cup Cake hiện đại của Kinh Đô.

(Vietstock) – Trong buổi tiếp xúc với báo chí sáng ngày 12/05, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc CTCP Kinh Đô (HOSE: KDC) cho biết mục tiêu nhắm đến của công ty là tiếp tục sáp nhập (M&A) với các đơn vị trong ngành hàng thiết yếu có mức tăng trưởng tốt để tăng cường vị thế, hiệu quả quản trị, kinh doanh. Năm nay sau khi sáp nhập NKD và Kido thì KDC dự kiến doanh thu đạt mức hơn 3,000 tỷ đồng chỉ riêng trong mảng hàng thực phẩm.

Ông Nguyên cho biết, hai năm trước Kinh Đô đã nung nấu ý định sáp nhập CTCP Chế biến thực phẩm Kinh Đô miền Bắc (NKD) và CTCP Kido vào nhưng do giá cổ phiếu của các công ty thời điểm đó có sự chênh lệch khá lớn nên vướng phải khó khăn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này là chín muồi và việc sáp nhập là sự khởi đầu cho Kinh Đô. Trong ngành thực phẩm công ty sẽ không chỉ dừng lại ở mảng bánh kẹo mà vươn xa hơn đến kem, sữa chua, dầu ăn, nước chấm và những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khác... Quanh kế hoạch sáp nhập hiện nay, ông Nguyên có thêm những chia sẻ với Vietstock:

1. Trái với dự đoán của nhiều chuyên gia, việc sáp nhập NKD và Kido vào KDC đạt được sự đồng thuận cao giữa cổ đông các bên liên quan. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Kinh Đô đã tạo sự yên tâm và niềm tin cho giới đầu tư với tâm lý là việc sáp nhập cần có một lộ trình phù hợp và HĐQT đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. KDC đã tách cổ phiếu 2 lần để thị giá xuống gần tương đồng với NKD. Sau khi chia thưởng 40% năm 2009 thì đầu năm nay khi đến gần ngày sáp nhập, HĐQT thấy giá vẫn còn khá chênh lệch nên đã tách tiếp bằng cách thưởng thêm 25% để rút ngắn sự chênh lệch về giá.

Ngoài ra, cổ đông các bên liên quan cũng thấy được lợi ích thiết thực từ việc sáp nhập. Chẳng hạn như với Kido, công ty có vốn điều lệ 69 tỷ đồng nên nếu với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1.1 thì KDC chỉ cần bỏ ra khoảng 62-63 tỷ đồng là có thể sáp nhập. Với kế hoạch kinh doanh năm nay của Kido là 70 tỷ đồng thì KDC chỉ cần một năm là có thể thu hồi vốn, chưa tính đến khoảng thặng dư 109 tỷ đồng của Kido. Đây là lợi ích thật sự cụ thể để thuyết phục giới đầu tư.

Về phía Kido, nếu công ty tự lên sàn chắc chắn sẽ không có giá tốt khoảng 5 chấm, tính thanh khoản cũng kém hơn. Bên cạnh đó, công ty năm nay đang cần vốn để đầu tư dây chuyền hơn trăm tỷ đồng, nên nếu họ muốn phát hành thêm cũng không thể có giá tốt đến thế. Nhờ KDC, Kido có thể tiếp tục thực hiện các dự án của mình.

Đối với NKD, công ty này có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, nếu tách 1.1 thì KDC phát hành 130 tỷ đồng là có thể mua công ty. Trong khi kế hoạch kinh doanh của NKD là 142 tỷ đồng thì cũng chỉ 1 năm là thu hồi vốn.

Bên cạnh đó, nếu trước đây KDC hàng năm khai thác những sản phẩm cho miền Nam trước miền Bắc sau thì hậu sáp nhập việc này được tiến hành đồng thời, giảm được chi phí, nhân lực quản trị. Ngoài ra còn một số lợi ích khác như tiết giảm chi phí kiểm toán, PR, nguyên vật liệu, in ấn…

2. Những thuận lợi và khó khăn trong tiến trình thực hiện sáp nhập NKD, Kido và sắp tới là Vinabico? Công ty có những thay đổi trong công tác điều hành, quản trị, định hướng kinh doanh, thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp?

Như tôi đã nêu, thuận lợi trong tiến trình vừa qua nhờ sự chuẩn bị và kế hoạch đã lâu của cả 3 công ty. Bên cạnh đó là do việc sáp nhập đem đến nhiều lợi ích nên nhận được sự đồng thuận của cổ đông. Tuy nhiên, khó khăn nhất là hậu sáp nhập khi mỗi đơn vị đều phải thực hiện đúng theo định hướng của KDC, nếu thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng đến các bên sáp nhập.

Công tác quản trị theo tôi sẽ không có gì thay đổi do thương hiệu cũng là của từng đơn vị, vì mỗi thương hiệu đã xâm nhập vào người tiêu dùng. Chỉ duy nhất là sự đổi chủ về tài chính và đối ngoại. Trước đây, NKD và Kido là CTCP, giờ chuyển thành Công ty TNHH. Các Tổng giám đốc vẫn điều hành công ty như cũ nhưng trực thuộc KDC.

Nhìn chung, yếu tố thuận lợi nhiều hơn khó khăn và Kinh Đô sẽ phát triển mạnh hơn sau khi sáp nhập. Dự kiến năm 2010, doanh thu của công ty sẽ tăng lên khoảng hơn 3,000 tỷ đồng, chưa tính doanh thu từ bất động sản.

3. Trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận trong vòng 3 năm tới, tỷ trọng bất động sản còn chiếm ở mức cao? Với 2 thành viên mới sáp nhập chuyên hẳn về thực phẩm, tỷ trọng ngành thực phẩm sau sáp nhập chiếm bao nhiêu % trong công ty?

KDC trước đây có tỷ trọng bất động sản cao (chiếm gần 60%). Sau sáp nhập, công ty nâng tỷ trọng ngành thực phẩm lên mức cân bằng vì hai thành viên kia không có đầu tư bất động sản. Cụ thể, thực phẩm sẽ chiếm tỷ trọng 50% và sẽ được duy trì, tăng trưởng dần lên do ngành này vẫn là ngành chính, có tính ổn định và không rủi ro.

Hiệp Bình Phước là một dự án có tính cạnh tranh cao

Với giá thành tương đối hợp lý: căn hộ diện tích 70m2, có hai phòng ngủ, một phòng khách, nếu tính 12 triệu/m2 thì căn hộ này khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra ngân hàng cũng hỗ trợ đến 70% vốn. Dự án hoàn tất sẽ đem đến nguồn tài chính ổn định cho KDC từ giá trị thực và cả đất đai.

Tuy nhiên, KDC vẫn đầu tư vào ngành bất động sản theo hướng chọn lọc những dự án có tiềm năng. Hiện công ty có 2 dự án bất động sản đang làm thủ tục. Trong đó, dự án Hiệp Bình Phước thu hút rất nhiều đối tác muốn hợp tác và gợi ý mua vì quy mô của dự án lớn (hơn 1000 căn hộ) với vốn vài ngàn tỷ đồng. Dự án này sẽ được bán sỉ và lẻ song song tùy theo chiến lược lưu chuyển tiền mặt của công ty. Nếu muốn có đồng vốn nhanh thì bán sỉ, ngược lại thì bán lẻ.

Thêm vào đó, dự kiến quý 3, KDC sẽ động thổ dự án Tân An Phước, cuối năm nay bắt đầu có lợi nhuận từ việc thu tiền đất và kinh doanh địa ốc. Tuy nhiên phải đến năm 2011, lợi nhuận từ dự án mới gia tăng đáng kể.

4. Ông có thể cho biết KDC sẽ sáp nhập thêm với những công ty nào nữa? Sau sáp nhập, tỷ lệ sở hữu của ông và những ngưới có liên quan có thay đổi không?

Sắp tới, nếu việc sáp nhập tiến triển tốt thì Kinh Đô sẽ tiến hành tiếp đối với Vinabico và một số công ty khác. Tôi cho rằng sẽ không có sự thay đổi trong tỷ lệ sở hữu của gia đình tôi tại công ty vì hiện tôi cũng đang nắm khá nhiều cổ phiếu NKD và Kido. Tuy nhiên theo tôi, vấn đề không phải là sở hữu cổ phần nhiều hay ít mà là cách thức quản lý có hiệu quả hay không. Với góc nhìn này, M&A là công cụ để Kinh Đô hướng đến một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực hàng thực phẩm thiết yếu.

Ông Nguyên lý giải nguyên nhân nhà đầu tư yêu thích cổ phiếu VNM hơn là KDC vì Vinamilk hoạt động trong ngành hàng thiết yếu. Do đó, Kinh Đô cũng muốn lèo lái công ty tập trung vào các ngành thực phẩm thiết yếu để gia tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu KDC

Bội Mẫn

Các tin tức khác

>   Nhà đầu tư bị tác động mạnh về tâm lý (12/05/2010)

>   Thiếu chế tài cho sự trung thực (12/05/2010)

>   TTCK Việt Nam nằm ở đâu trong cơn bão khủng hoảng nợ Châu Âu? (12/05/2010)

>   Vafi đề xuất nâng cao chất lượng hàng hoá niêm yết (12/05/2010)

>   Mua - bán chứng khoán tháng 5: Thời điểm cẩn trọng! (12/05/2010)

>   Hai công ty bị phạt 105 triệu đồng (12/05/2010)

>   Chờ... blue-chips (12/05/2010)

>   “Quả bom nổ chậm” trong chứng khoán  (12/05/2010)

>   Có thể thông qua Luật CK (sửa đổi) vào đầu năm 2011 (11/05/2010)

>   VSP chốt quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2010 (11/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật