Mua - bán chứng khoán tháng 5: Thời điểm cẩn trọng!
Sau một giai đoạn tăng điểm mạnh mẽ, đầu tháng 5, TTCK đã bắt đầu có những dấu hiệu chững lại. Mặc dù thanh khoản vẫn tăng nhưng nhiều nhà đầu tư đã tăng bán, chốt lời và chuyển sang giai đoạn "nằm chờ" để bảo toàn vốn và đợi thời cơ mới.
Trong bối cảnh đó nguồn tiền đổ vào thị trường vẫn tăng, một số Cty chứng khoán đã nhận định, trong ngắn hạn sẽ là thời điểm mà các nhà đầu tư thận trọng, xem xét bởi tới nay, vẫn rất nhiều DN chưa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2010.
Chậm công bố thông tin
Cho đến cuối tháng 4 - đầu tháng 5 mới có 160/224 Cty niêm yết trên HoSE và 60/285 Cty niêm yết trên HaSTC công bố báo cáo tài chính quý 1/2010. Mặc dù hoạt động theo mô hình Cty mẹ - con với những giao dịch mua bán và quan hệ công nợ đan xen, nhưng không ít Cty mới có báo cáo tài chính quý 1/2010 của Cty mẹ hoặc báo cáo tóm tắt. Chính vì vậy một số chuyên gia chứng khoán cho rằng đã có những hoạt động "tung hứng" trong thời gian vừa qua.
Chậm công bố báo cáo tài chính quý so với quy định bắt buộc vốn là “chuyện thường ngày ở huyện” trên TTCK VN. Thậm chí nhóm phân tích của Cty Chứng khoán Kenanga còn gọi sự chậm trễ của quý 1/2010 này là sự "mập mờ đáng yêu" về tình hình hoạt động và khả năng tạo lợi nhuận của DN khi đã hết tháng 4 mà chỉ có 160/224 Cty niêm yết trên HoSE và 60/285 Cty niêm yết trên HaSTC công bố báo cáo tài chính quý I/2010. Tuy nhiên cũng theo nhóm phân tích của Kenanga, năm nay (là năm khó có sự đột biến trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của các DN do không còn các gói kích thích kinh tế to lớn và trực tiếp của Chính phủ) do đó sự “câu giờ” của các Cty niêm yết trở nên trầm trọng hơn.
Nhiều tín hiệu tích cực
Đặc biệt, hoạt động đăng ký bán của các Cty niêm yết, của các thành viên chủ chốt và của cổ đông lớn cũng đang trở nên nhộn nhịp hơn. Chính vì vậy, nhiều dự đoán cho rằng, tháng 5 sẽ là tháng phân hoá mạnh của các mã cổ phiếu. Tháng 5 cũng sẽ là tháng mà nhà đầu tư phải thường xuyên trăn trở với câu hỏi, mua mã nào? Mua lúc nào và giá bao nhiêu là hợp lý? trong bối cảnh kết quả kinh doanh của các DN đang tiếp tục được công bố dần dần.
Trong khi đó, tính thanh khoản của khu vực các ngân hàng thương mại đã được cải thiện rất rõ rệt. Tốc độ tăng CPI đang tiếp tục chậm lại và thị trường tiền tệ đang ổn định, minh bạch hơn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng và huy động vốn đang tăng trưởng trở lại. Tính đến hết tháng 4/2010, huy động vốn tăng 5,37% và tín dụng tăng 5,5%, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,8% so với cuối năm 2009. Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá được giữ ổn định và trạng thái ngoại hối của hệ thống NHTM đang dần được cải thiện (sau một thời gian dài bị âm, trạng thái ngoại hối của hệ thống NHTM đã chuyển sang trạng thái dương trong tháng 3 và 4 vừa qua).
Mặt khác, những biện pháp của NHNN nhằm ổn định lãi suất thị trường theo xu hướng giảm dần sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu địa phương phát triển. Sau nhiều lần thất bại, đợt phát hành trái phiếu chính phủ gần đây (ngày 15/4/2010) đã kết thúc thành công với 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm ở mức lãi suất 11,3%/năm; 500 tỷ đồng Trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất là 11,4%/năm và 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm với lãi suất là 11,5%.
Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho tới hết tháng 4 đạt xấp xỉ 35.000 tỷ đồng. Giải ngân vốn FDI cũng tăng mạnh. Nếu tháng 1 chỉ có khoảng 500 triệu USD thì tháng 2 là 1 tỷ USD; tháng 3 là 2,5 tỷ USD và tháng 4 là trên 3,5 tỷ USD. Bình quân tốc độ giải ngân FDI năm 2010 tăng hơn năm 2009 khoảng 10%.
Chỉ thị số 494/CT-TTg “về việc sử dụng vật tư hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước” đã được Chính phủ ban hành. Việc ra đời Chỉ thị này (liên quan đến việc phân chia gói thầu, mua sắm hàng hóa và dịch vụ, gói thầu xây lắp,..) cũng được đánh giá là tạo ra cơ hội có một không hai đối với các nhà sản xuất trong nước.
Những thông tin nói trên cho thấy mặc dù các nhà đầu tư cần thận trọng khi quyết định mua - bán trong tháng 5 vì chưa có đầy đủ thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh của một số DN niêm yết. Tuy nhiên về cuối năm, khi tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện thì TTCK có nhiều khả năng còn có những khởi sắc tốt hơn.
Minh Giác
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|