Chất lượng công bố thông tin: Nhiều DN còn đối phó
Minh bạch thông tin trên TTCK là điều mà NĐT dễ cảm nhận nhất trong các năm gần đây. Mặc dù có nhiều cải thiện, nhưng NĐT vẫn chưa thể yên tâm về tính tự giác và chất lượng của việc công bố thông tin (CBTT) của DN, nhất là khi nhiều DN CBTT?trọng yếu theo kiểu… nửa vời.
Từ câu chuyện PDC
Ngày 12/4/2010, CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông (mã PDC) công bố BCTC kiểm toán năm 2009 với kết quả lợi nhuận sau thuế là âm 59,75 tỷ đồng. Một con số quá khác biệt so với mức lợi nhuận trong BCTC quý IV công bố ngày 26/1 trên Sở GDCK Hà Nội là lãi 2,99 tỷ đồng.
Thống kê lịch sử giá của PDC cho thấy, từ ngày 26/1/2010 đến ngày 12/4/2010, giá cổ phiếu PDC đã tăng từ mức 11.300 đồng lên 13.800 đồng/CP, tương đương mức tăng 22,12%. Điều đáng chú ý hơn cả là, ngay sau ngày công bố BCTC kiểm toán năm 2009, giá cổ phiếu PDC tiếp tục tăng giá lên mức cao nhất là 27.200 đồng (ngày 7/5/2010), ngay trước khi thông tin về mức lỗ của PDC được báo chí đưa chi tiết!
Trong báo cáo giải trình và bổ sung thông tin BCTC năm 2009 của PDC đăng trên website Công ty (www.phuongdongpv.com.vn) ngày 22/4 (ký ngày 20/4), PDC cho biết, khoản lỗ 59,75 tỷ đồng có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do PDC phải trích lập dự phòng nợ khó đòi tổng cộng tới 46,167 tỷ đồng (gồm 2 khoản là tạm ứng cho khách hàng và phải thu của khách hàng là Công ty Thương mại và Dịch vụ Đức Thuận TNHH, tỉnh Kon Tum), do Công ty này đã nộp đơn phá sản.
Vấn đề sẽ không có gì đáng nói, nếu số tiền có nguy cơ bị mất này không phải là 46,167 tỷ đồng, tương đương gần 30,78% vốn điều lệ của PDC. Thêm vào đó, từ ngày 18/1, Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đã mở thủ tục phá sản Công ty Thương mại và Dịch vụ Đức Thuận TNHH và PDC đã nhận được thông báo về sự việc này từ ngày 25/1/2010. Điều này có nghĩa là trong khoảng thời gian từ ngày 25/1/2010 đến ngày 22/4/2010, PDC đã không thực hiện công bố thông tin bất thường, dù trong quy định về CBTT của Bộ Tài chính, những thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NĐT phải được DN công bố trong vòng 24h. Liệu có phải trong trường hợp này, DN coi việc đối tác nộp đơn phá sản và việc đối mặt với khả năng mất 46,167 tỷ đồng không phải là việc lớn? Một dấu hỏi tiếp theo nữa là, dù trong văn bản giải trình của PDC về khoản lỗ hơn 59 tỷ đồng có đề gửi UBCK và Sở GDCK Hà Nội, song, đến tận hôm nay (gần hết nửa đầu tháng 5) mà vẫn không thấy được công bố trên Sở GDCK Hà Nội.
Trường hợp của PDC cho thấy, NĐT, nếu không có quan hệ thân thiết với DN thì rất khó có thể biết được tình trạng thực sự của DN như thế nào? Vậy thì, liệu có thể hy vọng một sự minh bạch thực sự, khả năng định giá DN chuẩn xác, nếu chỉ nhìn vào các BCTC công bố định kỳ?
Đến câu chuyện của SDU
Ngày 9/12/2009, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 348 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cổ và dừng xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm. Sau đó, ngày 31/12/2009, UBND TP. Hà Nội có Công văn số 12421 chỉ đạo dừng ngay việc cấp giấy phép xây dựng các tòa nhà cao tầng tại bốn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Tới ngày 4/2/2010, Sở Xây dựng Hà Nội đã cụ thể hóa chỉ đạo này bằng Thông báo số 980 về việc dừng cấp phép xây dựng cho các tòa nhà có chiều cao trên 9 tầng tại bốn quận nêu trên.
Trên thực tế, những chính sách này đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động đầu tư của một số DN ngành bất động sản, trong đó có CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát riển Đô thị Sông Đà (mã SDU), do liên quan đến 4 dự án bị dừng thuộc 2 khu tập thể Phương Mai và Giảng Võ, Hà Nội. Trả lời phỏng vấn báo ĐTCK, ông Hoàng Văn Anh, Tổng giám đốc Công ty cho biết, việc dừng triển khai 4 dự án này làm giảm khoảng 20% doanh thu và lợi nhuận của Công ty. Tuy nhiên, cũng theo ông Anh, để bù đắp khoản hụt này và hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2010, SDU đã triển khai các dự án mới tại Hòa Bình, TP. HCM… Vậy nhưng, chỉ đến khi ĐTCK trao đổi trực tiếp thì thông tin này mới được công bố, còn trước đó, rất nhiều NĐT vẫn cho rằng, hoạt động của DN đang diễn ra hết sức bình thường.
Câu chuyện về PDC, SDU đã cho thấy một thực trạng, DN vẫn lơ là với việc công bố các thông tin liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh của mình cho NĐT. Có lẽ, đã đến lúc không thể chỉ trông đợi vào sự tự giác của Ban lãnh đạo, mà cần có thêm tiếng nói từ chính các NĐT, cơ quan quản lý… để giúp thị trường minh bạch hơn, tránh những cú sốc như PDC…
Bùi Sưởng
Đầu tư chứng khoán
|