Khuôn mặt thị trường chứng khoán
Khuôn mặt thị trường chứng khoán ở nước ta phần nào hiện ra qua vụ gia đình ông Hoàng Kiều mua đứt Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang (CTCPDLTG).
Cụ thể là mua 30% vốn Công ty này, của Nhà nước, do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. SCIC bán thông qua Công ty Chứng khoán An Bình vào tháng 3-2009, được 7,56 tỷ đồng.
30% vốn tại Cty này quy thành tiền là 7,56 tỷ đồng, vậy cả 100% là 25,2 tỷ đồng. Trong lúc, tài sản của Công ty này, chỉ tính những khối lớn, gồm 10 công trình hoành tráng nằm trên 21,6 ha đất ở những vị trí đẹp nhất tỉnh Tiền Giang.
Chẳng hạn, khách sạn Sông Tiền cao 7 tầng, trên diện tích đất 2.278 m2, có hai mặt tiền đường phố ở trung tâm thành phố Mỹ Tho. Rõ ràng, trị giá khối tài sản thực của CTCPDLTG lớn hơn rất nhiều lần cái giá được đem ra bán.
Những con số vừa nêu cũng gần đây dư luận mới biết qua một cuộc họp của HĐND tỉnh Tiền Giang, nhiều đại biểu chất vấn và lãnh đạo tỉnh không trả lời được. Vấn đề đặt ra ở đây, trên thị trường chứng khoán nước ta những cổ phiếu được rao bán giá khác quá xa thực tế.
Cổ phiếu là những giấy tờ có giá và như diễn ra, trị giá ấy không sát thực với trị giá thực của doanh nghiệp. Theo phép suy luận, trên thị trường chứng khoán, xuất hiện được những cổ phiếu có trị giá thấp hơn nhiều lần trị giá thực, thì cũng xuất hiện những cổ phiếu có trị giá cao hơn rất nhiều lần trị giá thực.
Nên có ý kiến đã phát biểu công khai, nước ta chưa có thị trường chứng khoán đúng nghĩa, nơi gọi là thị trường chứng khoán ấy mới là nơi của không ít đầu cơ, trục lợi, láu cá. Thị trường chứng khoán đúng nghĩa phải bán mua những cổ phiếu, trái phiếu… có giá trị thật.
Giá trị thật trước tiên được xác định bởi những cơ quan có trách nhiệm và uy tín, trước hết đó là các cơ quan kiểm toán. Cơ quan này đưa ra được những báo cáo tài chính có chất lượng, đảm bảo minh bạch của thị trường chứng khoán.
Việc định giá CTCPDLTG được thực hiện bởi một nhóm quan chức ở địa phương và bằng mắt thường, thiếu tính chuyên nghiệp và không đủ độ tin cậy, bởi nhóm quan chức ấy không phải chịu trách nhiệm về việc định giá của mình. Nhưng SCIC cũng theo đó mà bán tiếp tài sản nhà nước (của dân) với giá rẻ là điều đáng quan tâm.
Phải chăng thị trường chứng khoán nước ta đang bán nhiều hàng giả, hàng thật giả lẫn lộn. Như thế, mục tiêu thu hút vốn trong xã hội cho phát triển rất khó thực hiện được, bởi không phải nhà đầu tư nào cũng dám mạo hiểm bỏ vốn vào nơi mập mờ, không tin cậy.
Tất cả những điều đó dẫn tới vụ gia đình ông Hoàng Kiều mua được món hời. Mà biết đâu, ở cái nơi tranh tối tranh sáng ấy, không chỉ có vụ này mua hời? Dư luận xôn xao về vụ này, có lẽ bởi gia đình ông Hoàng Kiều từng đứng ra tổ chức cuộc thi người đẹp đình đám, với mong muốn kinh doanh cũng đẹp như những lời có cánh ở cuộc thi sắc đẹp.
Tuy nhiên, có thể mong muốn nhưng không thể chê trách một người kinh doanh khôn ngoan, chỉ có thể chê trách những người có trách nhiệm mà chưa tạo ra được môi trường kinh doanh đẹp. Đó là môi trường minh bạch, tạo điều kiện bình đẳng cho mọi sự khôn ngoan kinh doanh được thi thố. Không phải dành sự khôn ngoan cho một ít người.
Vấn đề quan trọng nhất bây giờ, làm sao đừng để xảy ra những vụ bán tài sản của nhà nước rẻ mạt nữa, ở những người có trách nhiệm quản lý nhiều tài sản của dân.
Sáu Nghệ
tiền phong
|