Cổ phiếu ngân hàng chờ thời
Xét trên các khía cạnh cơ bản để đầu tư với chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) khoảng 2.000-4.000 đồng, P/E hiện trung bình 10-12 lần, mức cổ tức 12-30%/năm tùy ngân hàng thì cổ phiếu ngân hàng đang có lợi thế để nắm giữ lâu dài.
Một sức ép lớn đối hệ thống ngân hàng đến cuối năm 2010 là các ngân hàng phải bảo đảm có số vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu tương đương mức vốn pháp định, tương đương 3.000 tỷ đồng nếu không muốn bị "tước" tư cách pháp nhân.
Sức ép
Mặc dù việc tăng vốn giúp các ngân hàng cải thiện được hệ số an toàn vốn trong hoạt động thông qua chỉ số vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro; song trong bối cảnh đó, số vốn điều lệ càng tăng nhanh sẽ càng tạo áp lực lợi nhuận và việc tăng tỷ lệ cổ tức sẽ càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, việc tăng vốn quá nhanh và mạnh sẽ làm thị trường tràn ngập cổ phiếu ngân hàng, trong khi cầu chưa thực sự có sự thay đổi sẽ ảnh hưởng tới giá cổ phiếu ngân hàng. Hiện tượng pha loãng cổ phiếu tạo áp lực lớn về tăng trưởng EPS dẫn đến định giá cổ phiếu ngân hàng kém hấp dẫn trong điều kiện chính sách tiền tệ năm 2010 thắt chặt đáng kể so với năm 2009.
Bên cạnh đó, quý II, lợi nhuận ngân hàng có khả năng bị ảnh hưởng từ việc lãi suất huy động có xu hướng tăng trong khi lãi vay đang dưới áp lực giảm do chính sách can thiệp từ phía NHNN, nguồn thu từ sàn vàng cũng không tồn tại so với cùng kỳ năm 2009.
Trong khi các cổ phiếu pennystocks đang tăng nóng trong những ngày vừa qua thì các cổ phiếu từng mệnh danh là "cổ phiếu vua" vẫn giậm chân tại chỗ. Vào đầu tháng 5, cổ phiếu ngân hàng có tăng mạnh trong 1-2 phiên nhưng sau đó lại giảm xuống và xoay quanh mức giá bình quân thấp hơn so với thị giá chung của thị trường: STB quanh mức 22.000 đồng, ACB 34.000 đồng, VCB 43.000-44.000 đồng, EIB 22.000 đồng...
Sự hậu thuẫn tích cực
Song như nhiều nhận định, với tỷ suất sinh lời cao và vai trò quan trọng trong nền kinh tế, cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ vẫn là lựa chọn tốt cho chiến lược đầu tư dài hạn.
Theo thông tin công bố của quý 1/2010, tuy không có sự đột biến so với kế hoạch lợi nhuận năm công bố trước đó song lợi nhuận của các ngân hàng lớn đều khá tốt: ACB là 560 tỷ đồng, STB là 510 tỷ đồng, EIB là 415,3 tỷ đồng... Kết thúc "mùa" đại hội cổ đông năm nay, mức chia cổ tức năm 2009 và cam kết cho năm 2010 ở mức 10-30%/năm. Phần đông các NHTM cổ phần có quy mô nhỏ và vừa phải giữ tỷ lệ chia ở mức vừa phải ở mức 10-16% như SacomBank, HabuBank, OCB, NaviBank hay HDBank, một vài NHTM thực sự gây chú ý lớn khi thông qua tỷ lệ chia cổ tức năm nay lên tới 30% như TechcomBank.
Báo cáo tháng 5 của CTCK Âu Việt nhận định, theo phân tích kỹ thuật hiện tại các cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường đang ở vùng đáy, rất thích hợp cho các nhà đầu tư trung và dài hạn. Dự báo trong tháng 5, các cổ phiếu này tiếp tục chuyển động theo hướng đi lên nhưng với tốc độ chậm hơn, loại trừ một số cổ phiếu có tin chia thưởng hấp dẫn sẽ tạo ra những đột phá mới. Cổ phiếu ngành tài chính và ngân hàng dần dần sẽ lấy lại vị thế của mình, nhất là từ nửa cuối tháng 5 khi các tin tức về ngành tài chính ngân hàng dự báo là khả quan.
Các chỉ báo kỹ thuật cũng cho thấy cổ phiếu ngành tài chính và ngân hàng đã có sự tích lũy khá lâu, dao động xung quanh vùng đáy một thời gian dài, chỉ cần dòng tiền đủ mạnh vào thị trường kèm thông tin hỗ trợ là có khả năng tăng trở lại, tuy mức độ tăng không mạnh.
“Chắc chắn các nhà đầu tư không dành hết số vốn cho cổ phiếu nhỏ và vừa, bởi việc này đồng nghĩa với mức rủi ro rất lớn. Các mã bluechips trong đó có các mã cổ phiếu ngân hàng vẫn là những mã có hệ số an toàn cao, có sức hấp dẫn riêng cho các nhà đầu tư, các tổ chức hay nhóm đầu cơ” - một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán nhận xét.
Nam Phương
diễn đàn doanh nghiệp
|