Dịch vụ kiểm toán không thể nhanh, nhiều, tốt, rẻ
Có sai sót trong hoạt động nhưng không điều chỉnh, một số DN kinh doanh bị lỗ, nhiều kiểm toán viên bị xử lý do vi phạm quy định hành nghề… là những vấn đề nổi cộm trong hoạt động của các công ty kiểm toán thời gian qua. ĐTCK đã phỏng vấn ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) trước đợt kiểm tra hoạt động các DN kiểm toán năm 2010.
Qua kiểm tra các hội viên năm 2009, VACPA phát hiện thấy những vi phạm nào là phổ biến, thưa ông?
Từ năm 2006, VACPA đã phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức nhiều cuộc kiểm soát chất lượng DN kiểm toán hàng năm cũng như kiểm tra bất thường. Việc kiểm tra chỉ mới tập trung vào quy trình, thủ tục kiểm toán, hệ thống kiểm soát nội bộ để điều hành công ty như cơ cấu, bộ máy, quản lý, cơ cấu nhân viên, quy trình tuyển dụng, đào tạo nhân viên kiểm toán, kiểm tra các thủ tục khác xem họ có đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và chuẩn mực kiểm toán hay không.
Qua quá trình kiểm tra, các vi phạm chủ yếu là DN kiểm toán không tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục kiểm toán, tình trạng cho mượn, thuê nhân viên kiểm toán có chứng chỉ hành nghề còn xảy ra. Một vấn đề khá nhức nhối hiện nay là cạnh tranh bằng hạ phí kiểm toán làm ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán.
Thưa ông, mặc dù sau khi có kết quả kiểm tra, VACPA và Bộ Tài chính đã có yêu cầu chỉnh sửa khắc phục nhưng vẫn có những DN không làm. Phải chăng vẫn còn thiếu các chế tài để xử lý?
Kết thúc đợt kiểm tra năm 2009, chúng tôi đã lập biên bản và giao cho từng DN xử lý, đồng thời tổng hợp kết quả kiểm tra hàng năm đã phổ biến cho tất cả các công ty biết để rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, đến nay nhiều công ty chưa nghiêm túc sửa chữa.
Mục đích của các đợt kiểm tra định kỳ là để tư vấn cho các đơn vị có sai sót gì thì hướng dẫn họ hơn là xử lý kỷ luật. Đúng là hiện chưa có cơ chế hành chính bắt buộc các DN kiểm toán phải làm và còn thiếu các chế tài để xử lý. Tuy nhiên, tới đây chúng tôi cùng với Bộ Tài chính sẽ có các hình thức xử lý nghiêm khắc hơn. Đơn cử như năm 2009, VACPA và Bộ Tài chính đã phối hợp xử lý một số sai phạm liên quan đến đăng ký hành nghề (cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề) của kiểm toán viên, đến nay tình trạng này đã giảm đi rất đáng kể.
Hiện Việt Nam có 131 công ty kiểm toán đang hoạt động, có 5 DN nước ngoài (4 công ty thuộc nhóm Big Four). Riêng 4 công ty kiểm toán quốc tế chiếm 55% thị phần. 20 DN Việt Nam tương đối lớn (từ 150 - 300 nhân viên) chiếm 35% thị phần. 10% còn lại thuộc về các công ty quy mô nhỏ thực hiện kiểm toán DN mức độ đại chúng thấp, ảnh hưởng không nhiều.
Nguồn: VACPA |
Năm 2010, chúng tôi chủ trương kiểm tra ít DN hơn (khoảng 20 DN), để dành thời gian kiểm tra chuyên sâu chất lượng BCTC kiểm toán. Khi kiểm tra một BCTC, chúng tôi phải kiểm tra cả số liệu của báo cáo. Sau đó, xem xét những vấn đề kiểm toán viên nêu ra trong quá trình kiểm toán và xử lý, đặc biệt là xem xét ý kiến của kiểm toán viên có đúng không trong điều kiện của DN đó.
Mục đích của đợt kiểm tra năm 2010 là nhằm tăng chất lượng của BCTC và báo cáo kiểm toán, nhất là báo cáo của công ty đại chúng, niêm yết.
Vừa qua một số DN kiểm toán công khai bị lỗ trong hoạt động. Điều này liệu có ảnh hưởng đến chất lượng BCTC kiểm toán?
Thu nhập của DN kiểm toán chủ yếu là từ sức lao động chứ không phải là đầu tư. Một số công ty lỗ trong năm 2009 có nhiều lý do. Có thể do DN muốn gia tăng thị phần nên phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư phần mềm kiểm toán..., hoặc tăng chi phí đào tạo, nâng lương, thậm chí có thể giảm phí một phần để tăng khách hàng.
Việc công ty kiểm toán lỗ có ảnh hưởng đến chất lượng BCTC kiểm toán hay không thì phải xem xét cụ thể. Nếu công ty tuân thủ đầy đủ các quy trình, thủ tục kiểm toán thì việc lỗ, lãi không ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. Nếu giảm phí đồng thời với giảm thủ tục sẽ dẫn đến lỗ và giảm chất lượng kiểm toán.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói rằng, mức phí kiểm toán hiện nay nói chung còn thấp, chưa đủ để thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán. Trong hoạt động kiểm toán, không thể có khái niệm “nhiều, nhanh, tốt, rẻ” được.
Đã xuất hiện không ít DN có số liệu tại BCTC và báo cáo kiểm toán vênh nhau khá lớn. Ông giải thích thế nào về việc này?
Việc BCTC sau kiểm toán “loại ra” ngoài các khoản lợi nhuận hoặc doanh thu có thể do cách hiểu khác nhau về cùng vấn đề. Hoặc kiểm toán phát hiện các khoản chi phí tăng, doanh thu giảm dẫn đến lợi nhuận của DN giảm.
Đơn cử như về trích lập dự phòng mà không ít DN gặp phải khi TTCK suy giảm. Nếu DN không trích lập thì có thể lợi nhuận tăng, nhưng khi kiểm toán vào làm theo nguyên tắc thận trọng, yêu cầu trích lập thì lợi nhuận sẽ giảm xuống. Thông thường, nếu DN nhất trí với đề nghị điều chỉnh thì báo cáo kiểm toán thông qua. Nếu không thống nhất, trong báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên sẽ phải ngoại trừ điểm này. Do đó, khi đánh giá BCTC chưa kiểm toán, NĐT nên thận trọng.
Đầu tư chứng khoán
|