Thứ Bảy, 15/05/2010 06:11

"Hàng" trên TTCK: Ít hay nhiều ?

Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) thì con số DN niêm yết trên hai sàn chứng khoán VN hiện nay không hề nhỏ so với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, thị trường vẫn thiếu hàng, nhưng cái thiếu thực sự không phải là ở "lượng" mà ở những cổ phiếu đạt chất lượng cao.

Theo thống kê của UBCK, trên TTCK VN hiện nay có 612 mã đang giao dịch, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, các chứng chỉ quỹ và vẫn còn đến 959 Cty đại chúng đăng ký chưa niêm yết với UBCK NN. Tổng giá trị vốn hóa trên thị trường, tính đến ngày 4/5/2010, đạt 740.433 tỷ đồng, chiếm 45% GDP năm 2009, và 37,78% GDP ước tính năm 2010. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tính đến ngày 31/3/2010, là 879.730 tài khoản.

Mỏi mắt chờ hàng

Trong tổng số những DN niêm yết trên cả hai sàn HoSE và HaSTC có thể điểm mặt không ít những tên tuổi lớn như SacomBank, VietcomBank, ABC, Vinaconex, Hoàng Anh Gia Lai, Vincom... Những thương hiệu này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo sức hấp dẫn cho TTCK VN. Trong một nhận xét mới đây, VAFI cho rằng, nhìn ở góc độ tổng quan, thị trường vẫn còn vắng bóng đại diện của một số ngành, trong đó có những ngành, khu vực thực sự có thể tạo ra những "hứng khởi" cho thị trường như Viễn thông, Dầu khí, Xăng dầu, FDI... Như vậy, về mặt nào đó, điều này sẽ hạn chế khả năng lựa chọn của nhà đầu tư cũng như việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài. Dù vậy, sự kỳ vọng của nhà đầu tư cũng khó có thể đáp ứng được trong một sớm một chiều. Và, cho đến thời điểm các DN lớn của ngành hoàn thành cổ phần hóa (CPH) thì sức hấp dẫn cũng khó được như mong muốn.

Trước tiên, đối với ngành viễn thông, kế hoạch CPH của hai đại gia hàng đầu trong lĩnh vực này là MobiFone và VinaPhone vẫn tiếp tục trễ hẹn. Theo VAFI, sự chậm trễ này có thể làm mất tính thời điểm của các DN này khi chào sàn. Trong mấy năm tới, thị trường cung ứng dịch vụ viễn thông đã gần tới điểm bão hòa, tốc độ tăng trưởng của ngành chậm cộng với vốn điều lệ lớn khi thực hiện CPH. Do đó, khi hoàn thành CPH những DN này khó gây được sự chú ý cho giới đầu tư. Vấn đề chậm trễ tiếp tục trở thành chủ đề "nóng" trong việc CPH những DN thuộc các hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, dầu khí và xăng dầu. Nguyên nhân chính là do những DN này khá lớn, phía VAFI nhấn mạnh "việc CPH cả tập đoàn không thể diễn ra nhanh với tốc độ đổi mới DN như hiện nay". Việc CPH cả một tập đoàn lớn với rất nhiều đơn vị thành viên không thể kỳ vọng sự thay đổi nhanh về tốc độ quản trị DN, cho nên trong trung hạn, TTCK khó có thể mong đợi TKV hay PVN đóng vai trò là một DN niêm yết nòng cốt.

Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân trong nước, nếu không kể các DN thuộc lĩnh vực ngân hàng, thì hiện nay không còn nhiều DN lớn, có hoạt động kinh doanh hiệu quả mà chưa niêm yết. Đối với khu vực FDI, nhà đầu tư khó trông chờ nhiều. Thông thường những DN FDI hoạt động hiệu quả sẽ chọn niêm yết tại niêm yết tại chính nước họ. Điều này sẽ giúp họ thuận lợi hơn trong kế hoạch thu hút vốn đầu tư. Đối với bộ phận các DN thuộc các tập đoàn đa quốc gia, theo thông lệ, những đối tượng này thường ít tham gia CPH và niêm yết tại thị trường bản địa, nhất là những thị trường còn kém phát triển như VN.

Chú trọng "chất"

Nếu như trước đây, nhà đầu tư rất háo hức chờ đợi những tên tuổi lớn chào sàn với kỳ vọng tiềm năng của những cổ phiếu này không những tạo thêm sức hấp dẫn cho thi trường nhờ tiềm lực vững, tiềm năng sinh lời cũng như khả năng bảo an cho đồng vốn trong thị trường biến động thì trong bối cảnh kinh tế hiện nay, có vẻ như nhà đầu tư đang mặn mà hơn với những mã cổ phiếu có thị giá thấp nhờ sự linh hoạt của nó. Thống kê cho thấy từ đầu năm 2010 đến nay, số phận của buechips cũng khá "long đong" so với các mã cổ phiếu nhỏ và vừa.

Đối với những mã cổ phiếu của DN FDI, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Nếu như cách đây vài năm phần đa đều trở thành hàng "nóng" được giới đầu tư săn lùng thì cũng những mã này lại đang trở thành nỗi "ám ảnh" của nhà đầu tư khi liên tục giao dịch dưới mệnh giá. Nguyên nhân chính là do làm ăn thua lỗ cũng như quy định pháp lý hiện hành đang hạn chế số lượng cổ phiếu niêm yết của các DN FDI, nên ảnh hưởng tiêu cực đến tính thanh khoản của nhiều cổ phiếu.

Trước thực tế này, VAFI cho rằng, đối với việc CPH các tập đoàn kinh tế nhà nước là việc phải làm để cho các tập đoàn kinh tế hoạt động hiệu quả hơn, vấn đề đặt ra là cần phải xác định một mức giá hợp lý.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng hàng hóa đang niêm yết bằng nhiều giải pháp, cụ thể như: Nâng cao tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HoSE, sàn HaSTC, như vậy sẽ có một bộ phận DN niêm yết từ sàn HoSE không đủ tiêu chuẩn phải được chuyển sang sàn HaSTC, một bộ phận DN đang niêm yết tại sàn HaSTC chuyển sang sàn Upcom; Đẩy nhanh việc bán bớt cổ phần nhà nước tại nhiều DN niêm yết bằng nhiều hình thức: Bán dần theo lộ trình, bán toàn bộ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc thực hiện phương án hợp nhất sáp nhập với những DN mạnh... Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm  nhà nước cần  có chính sách không cho phép thành lập các DN mới, đồng thời nâng tiêu chuẩn vốn điều lệ tại các tổ chức tài chính trên để giảm đáng kể số tổ chức tài chính, tập trung nguồn lực, giảm thiểu tình trạng cạnh tranh gay gắt và không lành mạnh...

Việc nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết bằng nhiều giải pháp nhằm tạo sự hấp dẫn cho TTCK, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân, đồng thời tạo nhiều điều kiện cho các DN kinh doanh hiệu quả dễ dàng thu hút vốn. Đây có lẽ là 1 chiến lược mới mà UBCKNN và các cơ quan hữu quan cần đúc kết để hoạch định các chính sách phát triển thị trường trong giai đoạn 2010 - 2020.

Thủy Nguyên

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Dragon Capital, Masan và “canh bạc” Núi Pháo (14/05/2010)

>   Ông Greg Morris thăm và làm việc với Chứng khoán Mê Kông (14/05/2010)

>   Nghi án đại gia chứng khoán phản đòn nhau (14/05/2010)

>   VCR hợp tác Belt Collins Hawaii quy hoạch dự án Cát Bà Amatina (14/05/2010)

>   BLF chốt danh sách họp ĐHĐCĐ thường niên 2010 (14/05/2010)

>   Sẽ có thị trường giao dịch cổ phiếu thứ 4? (14/05/2010)

>   Chứng khoán Artex tài trợ cho Gameshow I-Invest (14/05/2010)

>   Hàng “nóng” đã... nguội ngắt (14/05/2010)

>   Chứng khoán Thăng Long tăng mức đầu tư vào MB Capital (14/05/2010)

>   Vafi kiến nghị nâng tiêu chuẩn lên sàn (14/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật