Gỡ "nút thắt" huy động vốn
Thống kê sơ bộ từ nghị quyết ĐHCĐ của các DN niêm yết và công ty đại chúng chưa lên sàn cho thấy, hiện có ít nhất 200 DN đặt kế hoạch tăng vốn trong năm 2010. Nhiều DN đã triển khai thực hiện việc phát hành cổ phiếu tăng vốn, nhưng hồ sơ bị ách tại khâu quản lý phát hành, nguyên nhân chủ yếu là do quy định pháp lý chặt chẽ hơn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang kiến nghị sửa đổi để tháo gỡ "nút thắt" này.
Thông tư 112/2008/TT-BTC ngày 26/11/2008 sửa đổi, bổ sung Thông tư 17/2007/TT-BTC ngày 13/3/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng đã "siết" lại hoạt động này bằng quy định, đối với các báo cáo tài chính (BCTC) trong 2 năm gần nhất của tổ chức phát hành thì ý kiến kiểm toán đối với các BCTC năm gần nhất phải thể hiện chấp thuận toàn bộ; trường hợp chấp nhận ngoại trừ thì khoản ngoại trừ phải là không trọng yếu và phải có tài liệu giải thích hợp lý về cơ sở cho việc ngoại trừ đó. Nghĩa là, nếu ý kiến kiểm toán đối BCTC của năm thứ nhất mà có ngoại trừ (không trọng yếu) thì hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng là không hợp lệ. Trong khi quy định cũ tại Thông tư 17/2007/TT-BTC là ý kiến kiểm toán đối với các BCTC dù có ngoại trừ (không trọng yếu) trong cả hai năm thì hồ sơ vẫn hợp lệ nếu DN có giải trình trong cả hai năm.
Quy định trên ra đời trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực chỉ chấp thuận cho các DN huy động vốn khi hoạt động và tình hình quản trị được coi là minh bạch, thể hiện qua việc BCTC sau kiểm toán là báo cáo "sạch". Năm 2009, ngoài nguyên nhân quan trọng là TTCK suy giảm khiến hoạt động phát hành không thuận lợi, thì với điều kiện chặt chẽ nêu trên (theo một quan chức UBCK, có đến 80% hồ sơ DN xin tăng vốn mắc quy định này), khiến chỉ có hơn 20.000 tỷ đồng được huy động qua TTCK. Năm 2010, tính từ đầu năm đến ngày 11/5, lượng vốn huy động của các DN tính theo phương án phát hành nêu trong bản cáo bạch là 14.737 tỷ đồng. Dự báo, số hồ sơ xin tăng vốn nộp về UBCK sẽ tăng mạnh sau mùa ĐHCĐ, khi thống kê sơ bộ đã có 200 nghị quyết ĐHCĐ thông qua phương án tăng vốn.
Để khơi thông kênh huy động vốn qua TTCK, đồng thời gỡ khó cho DN, UBCK đã dự thảo sửa đổi quy định trong Thông tư 112 theo tinh thần trở lại quy định cũ tại Thông tư 17. Việc tăng vốn của DN khi đó dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian thực hiện so với hiện nay.
Một lãnh đạo vụ Tài chính - Kế toán, Bộ Tài chính cho biết, trong báo cáo kiểm toán nếu xuất hiện ngoại trừ xuất phát chủ yếu do những vướng mắc về quy trình thủ tục kế toán hoặc do quy định trong hoạt động liên quan đến DN thì có thể coi là dạng nhẹ, còn ngoại trừ do thuộc về sai sót tài chính thì là trọng yếu và cần xem xét kỹ trong hồ sơ tăng vốn. Trong những thắc mắc của DN niêm yết, công ty đại chúng gửi về Vụ có những khúc mắc liên quan đến "độ sạch" của các BCTC đã kiểm toán. Trường hợp cần khơi thông kênh dẫn vốn này, trong khi DN có vướng mắc, nếu UBCK có kiến nghị xem xét sửa đổi quy định thì Vụ sẽ tham gia đóng góp ý kiến, tổng hợp đề xuất Bộ Tài chính xem xét sửa đổi cho phù hợp.
Lo ngại DN "mập mờ"
Năm 2008, do những khó khăn từ khủng hoảng kinh tế nói chung, báo cáo kiểm toán phát hành năm 2009 của các DN xuất hiện nhiều điểm ngoại trừ, từ dự phòng hàng tồn kho, trích giảm thuế, hạch toán doanh thu, biến động tỷ giá… Muốn tăng vốn, sau khi nộp hồ sơ, DN phải chờ UBCK có công văn yêu cầu giải trình và có ý kiến kiểm toán chấp thuận bổ sung cho các hạng mục bị ngoại trừ đó. Để làm được điều này không đơn giản và khiến DN bị động trong việc chờ đợi hoàn tất thủ tục tăng vốn. Ngay cả trong trường hợp đã có giải trình và có ý kiến kiểm toán chấp nhận bổ sung, thì hồ sơ tăng vốn có được phê duyệt hay không là điều khó dự liệu, khi phụ thuộc rất lớn vào ý chí của cơ quan quản lý (do không có quy định - PV).
Tuy nhiên, việc quay trở lại áp dụng quy định như cũ theo như dự thảo của UBCK khiến không ít ý kiến tỏ ra thận trọng. Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Mazars cho rằng, kiểm toán đã đưa ý kiến ngoại trừ thì đó đều là trọng yếu, trên mức độ đó sẽ là ý kiến không trung thực, không hợp lý. Để được tăng vốn, báo cáo kiểm toán phải không có ngoại trừ, đó không phải là quy định ở mỗi Việt Nam, mà là thông lệ ở nhiều nước trong khu vực. Đặc biệt, quy định như vậy góp phần thúc đẩy các DN niêm yết đã đưa báo cáo kiểm toán ra công chúng thì những báo cáo đó phải được kiểm toán chấp thuận. Theo ông Trung, không phải ai cũng có kiến thức về kế toán, kiểm toán. Đôi khi trong báo cáo kiểm toán có những vấn đề ngoại trừ, về bản chất không đáng ngại, nhưng do chưa hiểu biết đầy đủ, NĐT lại cho là nghiêm trọng và ngược lại. Vì thế, nên trợ giúp những người tham gia thị trường bằng cách đề cao tính minh bạch hơn nữa.
Khi được hỏi ý kiến về vấn đề này, một chuyên viên nhiều kinh nghiệm của Vụ Tài chính - Kế toán (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, nên duy trì quy định như hiện nay để các DN có ý thức hơn trong việc tuân thủ các chuẩn mực kế toán và có BCTC "sạch". Trên thực tế, đã có những DN năm trước sử dụng công ty kiểm toán A. và BCTC có ý kiến ngoại trừ, ngay năm sau DN thay công ty kiểm toán khác; tuy vấn đề cũ chưa được khắc phục, nhưng kiểm toán mới lại cho ý kiến chấp thuận. Ngoài ra, dù mang tính độc lập và luôn được đề cao đạo đức nghề nghiệp, nhưng vẫn tồn tại những trường hợp kiểm toán giúp DN "phù phép" để có BCTC "sạch". Khi chất lượng kiểm toán được nâng lên, mức độ cạnh tranh gay gắt hơn và công chúng đầu tư có nhiều hiểu biết hơn về tài chính, thì tính trung thực và trách nhiệm của kiểm toán sẽ được nâng cao. Áp dụng quy định như hiện tại sẽ là động lực và sức ép để DN và cả kiểm toán ngày càng minh bạch hơn.
Anh Việt
Đầu tư chứng khoán
|