Kỳ vọng vào đợt tăng giá mới
Thị trường chứng khoán mở đầu mùa hè bằng sáu phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5 đầy ấn tượng khi tổng giá trị giao dịch của hai sàn lên tới hơn 31.000 tỉ đồng.
Trong tháng 4-2010 giới quan sát ước tính thị trường cần 7-8 phiên giao dịch với tổng trị giá khoảng 30.000 tỉ đồng để những nhà đầu tư giải ngân ở thời điểm VN-Index trên 540 điểm từ năm ngoái có thể “thoát” ra và lớp nhà đầu tư mới vào thay thế. Nay sự tính toán trên đã thành hiện thực. Và VN-Index đang hướng tới chuyển động tăng giá không phải chỉ của các cổ phiếu thị giá nhỏ, mà cả của những blue-chips.
Hiện tại sự vận động của dòng tiền vào chứng khoán khác hẳn mọi năm. Khảo sát của TBKTSG với các ngân hàng cho thấy dư nợ cho vay chứng khoán của hầu hết các tổ chức tín dụng đều khá thấp.
“Không phải chúng tôi đóng cửa, mà là nhà đầu tư không muốn vay” - phó tổng giám đốc một ngân hàng nói. Đơn cử Eximbank còn thừa chỉ tiêu cho vay cầm cố cổ phiếu và mức lãi suất cũng không quá cao so với cho vay với các đối tượng khác, 1,3%/tháng, tức 15,6%/năm, nhưng nhân viên tín dụng phàn nàn lâu lâu mới ký được một hợp đồng nhỏ. Hỗ trợ cho nhà đầu tư bây giờ chủ yếu là tiền của các công ty chứng khoán
Tuy nhiên, vốn của công ty chứng khoán đa số cũng chỉ tầm dưới 500 tỉ đồng/công ty, nên khi vay nhà đầu tư phải quay vòng nhanh. Có lời một vài phần trăm là người vay sẵn sàng bán cổ phiếu. Muốn giá trị giao dịch tăng, vòng quay tiền phải càng nhanh, thời gian nắm giữ cổ phiếu càng ngắn lại. Những tay đầu cơ sử dụng tiền tự có để mua một lượng cổ phiếu làm vốn, sau đó dùng tiền vay, mua tiếp cổ phiếu đó, bán ngay trong phiên hoặc ngày hôm sau, hoặc cùng lắm là T+2.
Vì thế liên tục trong bốn tháng liền VN-Index dao động trong biên độ hẹp. Ngoài ra, dòng tiền hạn chế cũng khiến nhà đầu tư tìm đến cổ phiếu thị giá nhỏ và khối lượng lưu hành thấp vì với những chứng khoán đó, người sở hữu có thể kiểm soát khối lượng và giá trị mua bán. Đây là xuất phát điểm sự lên ngôi của cổ phiếu giá thấp và xu hướng này có thể thay đổi một khi dòng tiền vào chứng khoán được mở rộng từ nhiều nguồn khác.
Vậy bao giờ thì dòng tiền mở rộng? Đáp án của câu hỏi này nằm ở tăng trưởng tín dụng. Không nghi ngờ từ tháng 11-2009 đến nay, tăng trưởng tín dụng là một trong những chỉ số được giới đầu tư chứng khoán quan tâm thường trực nhất. Vì sao? Vì tín dụng tăng nghĩa là doanh nghiệp “chịu” vay thêm tiền đưa vào sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, lợi nhuận các công ty niêm yết sẽ nhiều hơn. Lúc ấy, nếu VN-Index vẫn đi ngang, giá cổ phiếu so với tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ rẻ đi. Sự rẻ đó là động lực hút công chúng đầu tư vào cổ phiếu và VN-Index sẽ leo dốc.
Tín dụng tháng 4-2010, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ước tăng 1,73% so với tháng 3 và mức tăng của bốn tháng đầu năm so với cuối năm 2009 ước 5,58%. Có sự so lệch. Cũng theo NHNN, tăng trưởng tín dụng quí 1-2010 là 3,34%. Nếu lấy số này cộng thêm mức tăng của tháng 4, thì bốn tháng tín dụng chỉ tăng 5,07% chứ không phải 5,58%. Dù lấy số nào, mức tăng trưởng tín dụng trên cũng là thấp. Trong tám tháng còn lại của năm, tín dụng có thể tăng thêm gần 20%, tương ứng 2,5%/tháng, mới chạm hạn mức Chính phủ cho phép. Dư địa cho tín dụng còn nhiều, quan trọng là làm thế nào kích thích doanh nghiệp vay. Cách hiệu quả nhất là giảm lãi suất.
Trong phiên họp cuối tháng 4, Chính phủ đã chính thức yêu cầu NHNN hạ mặt bằng lãi suất. Khi lãi suất đầu ra hạ, lãi suất đầu vào cũng phải hạ. Lãi suất huy động của ngân hàng sẽ không thể đứng mãi ở mức cao. Lãi suất tiết kiệm giảm, thay vì gửi tiền ở ngân hàng, người ta có thể đầu tư cổ phiếu. Chứng khoán được hưởng lợi từ điểm này.
Nhưng trên hết tín dụng phải được khơi thông mạnh mẽ để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng. Tăng trưởng GDP quí 1-2010 đạt 5,8%, không thấp, nhưng quí 2 phải cao hơn nhằm tạo đà cho cả năm. Chính sách kích cầu năm ngoái có độ trễ của nó và tăng trưởng kinh tế quí 1-2010 được hưởng lợi từ độ trễ này. Sang quí 2, độ trễ đó không còn, trong khi tăng trưởng tín dụng quí 1 thấp. Trong trường hợp tín dụng quí 2 không tăng đạt chỉ tiêu cho phép, tăng trưởng GDP tất yếu bị ảnh hưởng.
Kỳ vọng tín dụng từ tháng 5-2010 trở đi sẽ tăng từ 2% trở lên có thể không quá hão huyền. Các tổ chức và các quỹ đã nhìn ra điều đó và họ kiên nhẫn “gom” cổ phiếu blue-chips từ nhiều tuần nay. Nền tảng vật chất là dòng tiền vào chứng khoán đã có, đang có và sẽ được tiếp sức trong những tháng tới khi kinh tế vĩ mô chuyển động về phía trước theo hướng được cải thiện dần. Cái thị trường cần còn lại là một que diêm, bật lên ngọn lửa để tạo bước ngoặt trong tâm lý nhà đầu tư: niềm tin vào sự phục hồi của VN-Index cuối cùng sẽ đến.
Lưu Hảo
TBKTSG
|