Nhìn từ "rổ hàng" trên thị trường chứng khoán:
Cần có cuộc thanh lọc
Thời gian qua, thị trường chứng khoán (TTCK) đã xảy ra tình trạng nhiều loại cổ phiếu nhỏ (penny) của các doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ hoặc không hiệu quả bị làm giá. Giá cổ phiếu ảo nhưng nhiều nhà đầu tư (NĐT), hầu hết là NĐT cá nhân, thiệt hại nặng. Đã đến lúc cần "siết" lại các tiêu chuẩn niêm yết trên TTCK để giảm rủi ro cho NĐT cũng như tạo ra một cú hích buộc DN phải nâng cao khả năng quản trị, đồng thời bảo đảm cho TTCK phát triển thuận lợi...
"Cung" - không thiếu
Hiện tại, hai sàn CK TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có tổng số 519 DN niêm yết (sàn Hose có 229 DN, sàn Hastc có 290 DN), chưa kể sàn thứ cấp (Upcom). "Rổ hàng hóa" trên TTCK Việt Nam không nhỏ so với nhiều thị trường khác. Đã có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng tham gia niêm yết trên hai sàn.
Tuy nhiên, nhiều "đại gia" của nền kinh tế vẫn chưa góp mặt. Trong khu vực Nhà nước, ngành viễn thông chưa có đại diện lớn tham gia; trong lĩnh vực khai khoáng, việc cổ phần hóa tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã không diễn ra nhanh như mong đợi. Thậm chí, trong tương lai gần, các nhà đầu tư cũng ít có hy vọng TKV sẽ góp mặt trên TTCK, chưa nói đến chuyện đóng vai trò là 1 doanh nghiệp niêm yết nòng cốt; tình trạng tương tự xảy ra với Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Xăng dầu... Trong khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), những DN FDI lớn thuộc các tập đoàn đa quốc gia cũng ít tham gia cổ phần hóa và niêm yết tại TTCK Việt Nam. Đây là điều tất yếu vì TTCK Việt Nam còn kém phát triển. Những DN FDI được thành lập tại Việt Nam trên cơ sở góp vốn của các thể nhân hay các DN nhỏ của nước ngoài lại thường không phải là những DN kinh doanh hiệu quả trong khi một số hoạt động hiệu quả lại lựa chọn niêm yết tại nước... nhà do thuận lợi trong huy động vốn hơn. Riêng khu vực tư nhân (không tính lĩnh vực ngân hàng), hiện không còn nhiều DN lớn kinh doanh hiệu quả mà chưa niêm yết.
Câu hỏi đặt ra ở đây là hiện nay TTCK Việt Nam có cần thêm nguồn cung hay không? Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), TTCK Việt Nam vẫn cần thêm "hàng hóa" nhưng là "hàng chất lượng cao".
Sắp qua thời... "cơm thừa canh cặn"
Theo VAFI, muốn có thêm nhiều "hàng chất lượng cao", phải nâng cao tiêu chuẩn niêm yết. Phân tích của VAFI cho thấy nhiều điểm trong Nghị định 14/2007/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán đã không còn phù hợp. Chẳng hạn, theo NĐ 14/2007/NĐ-CP, tại sàn Hose, DN xin niêm yết phải có vốn điều lệ trên 80 tỷ đồng, có lãi hai năm trước thời điểm niêm yết... (Điều 8); tại sàn Hastc, DN xin niêm yết phải có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng, có lãi một năm trước khi niêm yết (Điều 9)... Bên cạnh đó, DN sẽ bị hủy niêm yết khi không đáp ứng được yêu cầu về vốn điều lệ, kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ ba năm liên tiếp và lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu (Điều 14).
Trên thực tế, đến thời điểm này, một số không nhỏ DN tuy đã niêm yết nhưng không có cải thiện trong quản trị, thậm chí huy động được vốn nhưng kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ liên tục... Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, chính tiêu chuẩn niêm yết thấp (như trên - PV) đã dẫn tới tình trạng DN làm ăn không hiệu quả được "góp mặt", không chỉ tạo ra nhiều rủi ro cho các NĐT mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư. Trong khi đó, các NĐT cá nhân hiện chiếm khoảng 80% tổng giao dịch hằng ngày lại chủ yếu "trông giỏ, bỏ thóc"... theo phong trào… Thời gian qua, đã xảy ra tình trạng nhiều loại cổ phiếu nhỏ (penny), kinh doanh thua lỗ hoặc không hiệu quả bị làm giá.
Giá cổ phiếu bị đẩy lên giời còn NĐT thì cắm mặt trong thiệt hại.
Nhiều chuyên gia tài chính thừa nhận NĐ 14/2007/NĐ-CP đã tạo ra nhiều thuận lợi cho TTCK phát triển song đã đến lúc phải sửa đổi nhiều điểm không còn phù hợp nhằm loại bỏ những "mặt hàng" kém chất lượng, tiến tới nâng cao tiêu chuẩn niêm yết trên TTCK. Việc "thanh lọc" sẽ đẩy nhanh quá trình cải thiện quản trị DN và sẽ không còn thời mà... "cả nhà cùng vui" trên TTCK - thực trạng khiến nhiều NĐT húp phải... "cơm thừa canh cặn".
"Thanh lọc" như thế nào?
VAFI kiến nghị, để niêm yết tại sàn Hose, DN phải có vốn điều lệ trên 120 tỷ đồng, có lợi nhuận bình quân sau thuế trên vốn điều lệ trong ba năm trước khi niêm yết khoảng 20-25%. Trong trường hợp DN thua lỗ ba năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết, kể cả trong trường hợp nguồn vốn chủ sở hữu vẫn lớn hơn 120 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ (tại thời điểm niêm yết) trong 5 năm góp mặt trên TTCK phải đạt trên 15%. Tại sàn Hastc, DN phải hội đủ vốn điều lệ khoảng 40 - 50 tỷ đồng trở lên, tỷ suất lợi nhuận bình quân sau thuế trên vốn điều lệ ba năm trước khi niêm yết phải đạt từ 10% trở lên. DN thua lỗ trong ba năm liên tục hoặc mức bình quân của tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ trong 5 năm niêm yết liên tục dưới 10% cũng bị hủy niêm yết... Riêng các quỹ đầu tư chứng khoán sẽ phải xem xét kết quả của công ty quản lý quỹ và các NĐT tổ chức phải chiếm tỷ trọng 30% quỹ đầu tư công chúng trở lên.
Nếu như những "cú siết" này được thông qua và thực hiện, theo đánh giá sẽ có một nhóm "xuống hạng" - phải chuyển niêm yết từ sàn Hose sang sàn Hastc, số khác phải chuyển từ sàn Hastc xuống... sàn Upcom.
Hiện dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đang được xem xét, lấy ý kiến. Việc nâng cao chất lượng "hàng hóa" niêm yết theo hướng ở trên là cần thiết bởi không chỉ tạo sự hấp dẫn cho TTCK, giảm thiểu rủi ro cho các NĐT, nhất là các NĐT cá nhân mà còn tạo điều kiện cho DN làm ăn hiệu quả, dễ dàng thu hút vốn và loại trừ những DN "làm chơi (hoặc làm giả) ăn thật".
Bắc Hà
HÀ NỘI MỚI
|