Thứ Năm, 25/03/2010 07:25

Chính sách tiền tệ: Không để bị ru ngủ

Theo chuyên viên tài chính Lê Hồng Giang, bài thuốc chuẩn của IMF luôn là thắt chặt tài khóa song song với thắt chặt tiền tệ (tăng thuế và giảm chi ngân sách song song với tăng lãi suất, phá giá nội tệ). Thuốc hay nhưng đắng. Các nền kinh tế phải uống nó sẽ trải qua khủng hoảng trong ngắn hạn.

LTS: Hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên hay không nên bỏ trần lãi suất huy động, và rộng hơn là nên thị trường hóa toàn bộ lãi suất. Giữa lúc đó, phát biểu của các quan chức Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về chính sách tiền tệ hiện nay của Việt Nam có thể "ru ngủ" các nhà quản lý chính sách tiền tệ trong nước. Tuần Việt Nam đã  phỏng vấn thạc sỹ Lê Hồng Giang, chuyên viên tư vấn về Tài chính và Tiền tệ về vấn đề này.

- Thưa ông, hiện đang có tranh luận xung quanh quan hệ cung cầu và duy trì ổn định trên thị trường tiền tệ liên quan đến lãi suất tín dụng. Vậy, theo ông, nên hay không nên bỏ trần lãi suất huy động?

Ông Lê Hồng Giang: Trước khi trả lời câu hỏi này tôi xin đưa ra 4 câu hỏi cho các nhà làm chính sách Việt Nam:

1. Mục tiêu chính sách trần lãi suất là gì?

2. Mục tiêu này có đạt được không trong thời gian qua?

3. Cái giá phải trả cho chính sách này là gì?

4. Rủi ro nào VN sẽ đối mặt khi bỏ chính sách này vào thời điểm hiện tại?

Câu 1 có lẽ NHNN lo ngại một cuộc chạy đua lãi suất như năm 2008. Câu 4 đã có một phân tích rất kỹ lưỡng về rủi ro một cuộc chạy đua lãi suất mới trên Tuần Việt Nam cách đây mấy ngày. Câu 2 chính xác nhất phải để giới ngân hàng và doanh nghiệp đi vay ngân hàng trả lời. Dẫu sao tôi cho rằng các ngân hàng không ít thì nhiều cũng có cách lách luật.

Câu 3, tôi có thể trả lời được. Về mặt vi mô, lãi suất trần (hay bất kỳ loại giá trần nào) cũng gây ra tình trạng dư cầu thiếu cung. Lãi suất trần cho vay trước đây dẫn đến tiếp cận tín dụng, các doanh nghiệp cần vốn phải chạy vạy, thậm chí đút lót cho cán bộ ngân hàng (như vụ BIDV vừa rồi), để được vay vốn. Với trần lãi suất huy động, các ngân hàng phải tìm mọi cách khuyến mãi, chèo kéo người dân gửi tiền vào ngân hàng mình. Những méo mó này gây ra tổn thất nguồn lực cho xã hội (deadweight loss), đáng ra phải được sử dụng vào những mục đích có ích hơn.

Về mặt vĩ mô, cố gắng duy trì lãi suất thấp trong hoàn cảnh nền kinh tế đang có nguy cơ lạm phát cao và cán cân thanh toán thâm hụt (sức ép phá giá lên nội tệ) là một chính sách sai lầm.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng nguyên nhân của tình trạng lạm phát cao hiện tại là: (i) dư chấn của chính sách kích cầu trong năm 2009, (ii) giá thế giới của nhiều mặt hàng (xăng, dầu, sắt, thép) gia tăng, (iii) các chính sách cải cách giá của một số mặt hàng thiết yếu cuả VN (điện, than), (iv) thâm hụt ngân sách gia tăng.

Thực ra (iii) và (iv) bù trừ cho nhau, nếu tiếp tục trợ giá điện, than thì ngân sách sẽ thâm hụt nặng hơn. Do vậy cải cách giá, dù trực tiếp gây ra lạm phát nhưng gián tiếp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, nghĩa là gián tiếp giảm sức ép lạm phát trên tổng thể nền kinh tế. Trong khi đó (i) và (iv) lại song hành với nhau. Chính vì kích cầu nên phát sinh thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng. Do vậy giảm bớt hoặc chấm dứt kích cầu, thậm chí thắt chặt tài khóa sẽ vừa giải quyết (i) vừa giúp cho (iv).

Riêng với (ii), vì nền kinh tế VN có độ mở khá cao nên giá cả thế giới sẽ có ảnh hưởng lớn lên mặt bằng giá trong nước. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào mức độ mềm dẻo (flexibility) và khả năng hấp thụ các cú sốc bên ngoài của nền kinh tế.

Tất nhiên chính sách tiền tệ một mình không giải quyết được cả 4 nguyên nhân nói trên. Bài thuốc chuẩn của IMF trong trường hợp này luôn là thắt chặt tài khóa song song với thắt chặt tiền tệ. Thắt chặt tài khóa thông qua tăng thuế và giảm chi ngân sách, thắt chặt tiền tệ thông qua tăng lãi suất đồng thời phá giá nội tệ.

Đây là bài thuốc có tác dụng kép vào tổng cầu nội địa, kéo mạnh tổng cầu xuống để vừa giải quyết thâm hụt ngân sách vừa giải quyết thâm hụt thương mại. Kết quả là sức ép lạm phát qua (i) và (iv) sẽ giảm, không chỉ trực tiếp mà còn gián tiếp qua tiêu dùng cá nhân và đầu tư giảm. Tuy (ii) không thể giải quyết triệt để bằng các biện pháp trong nước, việc giải phóng giá cả và gia tăng lãi suất sẽ giúp nền kinh tế mềm dẻo hơn. Điều này đạt được thông qua một môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng hơn, cuộc cạnh tranh sẽ sàng lọc bớt những doanh nghiệp thiếu tiềm lực và khả năng xoay chuyển (adapt) cũng như có năng suất kép (low productivity).

Tuy nhiên bài thuốc của IMF rất đắng, các nền kinh tế phải uống nó đều trải qua suy thoái trong ngắn hạn, cái giá phải trả cho những sai lầm trước đó.

- Mới đây, ông John Lipsky, Phó Tổng Giám đốc điều hành IMF cho rằng: Đồng Việt Nam hiện nay, xét về trung hạn, là không có vấn đề gì. Việc bỏ trần lãi suất huy chẳng lẽ lại không có nguy hiểm gì với VNĐ?

Không phải bây giờ mà ngay cả trong những thời điểm căng thẳng nhất trong năm 2008, khả năng VNĐ bị tấn công và sụp đổ rất nhỏ. Đơn giản vì tài khoản vốn (capital account) của Việt Nam vẫn đóng.

Thực ra có thể coi phát biểu của John Lipsky là một câu nói có tính ngoại giao hơn là một lời khuyên chính sách. Ngay cả nếu Lipsky thực sự tin rằng tỷ giá USD/VNĐ hiện tại đang nằm đúng mức cân bằng trung hạn (medium term equilibrium), điều đó không có nghĩa Lipsky loại bỏ khả năng phá giá sâu hơn VNĐ sẽ có lợi cho kinh tế Việt Nam.

Tất nhiên ở vị trí Phó giám đốc IMF hiện tại, Lipsky không thể khuyên Việt Nam phá giá VNĐ được trong khi cả thế giới đang gây sức ép lên Trung Quốc nâng giá đồng Nhân dân tệ của họ.

- Ông John Lipsky cũng khuyên Chính phủ Việt Nam nên tập trung điều hành chính sách để củng cố niềm tin vào ổn định vĩ mô. Theo ông, điều ông John Lipsky muốn nói sau đó là gì?

Trong bản tin của Reuters, John Lipsky nói rõ đó là các chính sách tài khóa nhắm vào giảm thâm hụt ngân sách và thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.

Như đã nói ở trên, phá giá nội tệ phải song hành với chính sách thắt chặt tiền tệ. Mặc dù Lipsky không nói rõ ra, liều thuốc của IMF cho Việt Nam cũng giống như cho Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc năm 1997. Niềm tin vĩ mô chỉ có thể đạt được khi các mất cân dối (imbalances) trong nền kinh tế như thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại được xóa bỏ hoặc giữ ở mức có thể kiểm soát được.

Nên nhớ các nước nói trên đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng hơn 10 năm trước bằng liều thuốc chuẩn của IMF, sau đó họ đã giữ đồng nội tệ thấp hơn giá trị (undervalued) cho đến tận bây giờ. Chắc chắn những đồng tiền đó đã nằm dưới mức cân bằng trung hạn.

Thuận Hải

Tuần Việt Nam

Các tin tức khác

>   Quỹ đầu tư: Cửa thoát cho DN đói vốn (25/03/2010)

>   120 tỷ USD giải bài toán thanh khoản khu vực ASEAN + 3 (24/03/2010)

>   Tăng lương không làm tăng mức bội chi ngân sách (24/03/2010)

>   Chính sách tiền tệ tháng 4 thay đổi theo hướng nào? (24/03/2010)

>   Tiền đầu tư chờ thời (24/03/2010)

>   Việt Nam chưa sử dụng nguồn vốn từ IMF (23/03/2010)

>   IMF đánh giá đồng tiền Việt Nam ở mức ổn định (23/03/2010)

>   Đánh giá về báo cáo của Fitch Ratings (23/03/2010)

>   Từng bước cơ cấu lại thị trường tài chính (22/03/2010)

>   Vay nợ nước ngoài: Kinh nghiệm từ Iceland và Hy Lạp (21/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật