Thứ Hai, 22/03/2010 11:46

Từng bước cơ cấu lại thị trường tài chính

Nhiệm vụ chính sách tài chính- tiền tệ năm 2010 cần phải lồng ghép những chính sách nhằm từng bước cơ cấu lại thị trường tài chính, tạo điều kiện để phát triển bền vững, loại dần những nguy cơ tiềm ẩn gây bất ổn kinh tế vĩ mô, phục hồi niềm tin của nhà đầu tư hướng vào các hoạt động dài hạn.

Diễn biến tình hình thị trường trong những tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010 có những dấu hiệu đáng lo ngại như áp lực tái lạm phát cao, biến động tỷ giá, lãi suất... tạo nên tâm lý lo lắng về sự bất ổn kinh tế vĩ mô năm 2010. Tuy nhiên, tình hình 2 tuần lễ gần đây cho thấy những vấn đề trên đang có dấu hiệu dần đi vào ổn định và khả năng phục hồi tốc độ tăng GDP khoảng 6,5% và đồng thời kiểm soát CPI dưới 1 con số là tương đối khả thi. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính sách tài chính- tiền tệ năm 2010 không chỉ hướng vào các giải pháp tình thế phục vụ 2 mục tiêu nói trên cho năm 2010 mà cần phải lồng ghép những chính sách nhằm từng bước cơ cấu lại thị trường tài chính, tạo điều kiện để phát triển bền vững, loại dần những nguy cơ tiềm ẩn gây bất ổn kinh tế vĩ mô, phục hồi niềm tin của nhà đầu tư hướng vào các hoạt động dài hạn.

Từ cách nhìn vấn đề như vậy, tôi đề xuất 2 nội dung nhằm giải quyết các vấn đề trước mắt, nhưng cũng hướng đến mục tiêu lâu dài như sau:

Phát triển thị trường vốn, giám áp lực tín dụng cho hệ thống ngân hàng thương mại, tạo điều kiện để từng bước phát triển thị trường tài chính bền vững.

Giai đoạn 2001-2005, nền kinh tế Việt Nam phục hồi sau tác động của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, tốc độ tăng GDP bình quân 7,5%/năm. Trong giai đoạn này tổng dư nợ tín dụng NH tăng trung bình 23-24%/năm. Tình hình diễn ra tương đối bình thường trong năm 2006 (GDP tăng 8,3%; dư nợ tín dụng tăng 24%). Nhưng từ 2007, hiện tượng bất thường đã xảy ra: Tín dụng của hệ thống NH tăng đột biến và thậm chí ngược chiều với tốc độ tăng GDP. Năm 2007: GDP tăng 8,6%, tín dụng tăng 53,4%; Năm 2008: GDP tăng 6,4%, tín dụng tăng 27,6%; Năm 2009: GDP tăng 5,3%, tín dụng tăng 37,3%.Tại sao có hiện tượng trên cần được phân tích cho rõ để làm cơ sở cho việc định hình chính sách tài chính-tiền tệ sắp đến. Qua quan sát thực tiễn tình hình tôi nhận xét có những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, bong bóng của TTCK và thị trường BĐS từ cuối năm 2006 đến cuối năm 2007 đã gây đột biến thị trường tín dụng và khiến hình thành lượng tài sản ảo so với nền kinh tế thực (sự chênh lệch giữa tài sản tài chính với tài sản thực) mà lạm phát trong 2 năm 2007-2008 đã san bằng khoảng chênh lệch đó bằng một mặt bằng giá mới. Mức tăng tín dụng các năm đó không tạo tăng tài sản thực tương ứng của nền kinh tế mà chỉ biểu hiện ở GDP danh nghĩa. Mặt khác, nhập siêu tăng đột biến trong 3 năm qua cũng làm tăng tổng cung tiền (quan hệ hàng-tiền) nhưng do nền kinh tế gia công, tỷ trọng giá trị giá tăng trong cơ cấu giá trị hàng hóa thấp nên dù tăng khối lượng tiền tệ nhưng không làm tăng GDP (ước khoảng 70-80% giá trị nhập siêu vật tư, nguyên liệu, máy móc thiết bị chỉ chuyển hóa vào giá trị xuất khẩu, chứ không làm tăng trực tiếp GDP).

Thứ hai, 3 năm qua, đặc biệt là trong 2 năm 2008-2009, TTCK chủ yếu hoạt động thứ cấp, vốn hoạt động của hầu hết doanh nghiệp dựa vào hệ thống NHTM. Giai đoạn mất cân đối cung-cầu vốn này cũng là thời kỳ một số NHTM cổ phần nhỏ đua tranh làm bùng nổ tín dụng, làm rối thị trường tín dụng khiến cho chính sách tiền tệ phải liên tục đối phó ngắn hạn, nguy cơ bất ổn tăng cao. Trong bối cảnh đó, cộng thêm tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến sự mất niềm tin của NĐT nên cả CK vốn lẫn CK nợ trên TTCK đều bế tắc. NHTM “một mình một chợ”. Lợi nhuận NHTM tăng, nhưng rủi ro của cả hệ thống và yếu tố bất ổn kinh tế vĩ mô không giảm mà chỉ chuyển hóa hình thức mà thôi.

Thứ ba, để thúc đẩy tăng GDP khu vực đầu tư công bao gồm đầu tư ngân sách nhà nước (NSNN) và DNNN tăng nhanh, thu hút một khối lượng tín dụng khá lớn. Trong đó một phần bội chi ngân sách dựa vào tín dụng và của NHNN. Ngay cả trái phiếu của Chính phủ cũng dựa chủ yếu vào NHTM, phần huy động trực tiếp từ công chúng chiếm tỷ trọng nhỏ. Nhìn chung, từ mọi thành phần kinh tế lẫn NSNN đều dựa chủ yếu vào hệ thống NHTM. Một khối lượng tiền khá lớn dựa vào khu vực này, nhưng do tiến độ đầu tư kéo dài, thiếu đồng bộ nên không tạo ra khối lượng tài sản tương ứng, kéo chậm vòng quay của đồng tiền.

Ba nguyên nhân trên có thể giải thích hiện tượng tăng tín dụng bất thường 3 năm qua và sự mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu của thị trường tài chính, Do đó, vấn đề đang đặt ra là: Phải sử dụng cả chính sách tài chính và tiền tệ để định hướng cho thị trường tài chính cấu trúc lại; Buộc các DN thuộc mọi thành phần kinh tế phải tái cơ cấu tài chính; Phải giảm “nhiệt” của hệ thống NHTM trong cơn lốc tăng huy động vốn, tăng tín dụng; Phát huy chức năng huy động vốn trực tiếp của TTCK.

Theo tôi Chính phủ nên quan tâm và thực hiện một số vấn đề sau:

- Chỉ đạo nghiên cứu đầy đủ cấu trúc và động thái của thị trường tài chính nước ta trong giai đoạn từ 2006 đến nay, bao gồm: Nghiên cứu cấu trúc tài chính DN (đặc biệt DNNN), cấu trúc nguồn vốn đầu tư của NSNN để qua đó xây dựng chính sách tài chính-tiền tệ theo hướng chuyển dần chức năng cung cấp nguồn vốn trung-dài hạn từ hệ thống NHTM sang các định chế tài chính-tín dụng phi ngân hàng; Tạo điều kiện để phát triển thị trường sơ cấp trong hoạt động của TTCK; Chính sách tài chính-tiền tệ cần đi vào mục tiêu từng bước giải quyết vấn đề căn bản nói trên, hạn chế dần các biện pháp tình thế mang tính chất ứng phó.

-Hạn chế thấp nhất việc bảo lãnh tín dụng, cho vay lại từ nguồn vay của ngân sách đối các dự án đầu tư kinh doanh. Buộc DN tư huy động vốn bằng chính năng lực của mình. Chúng ta cần giảm việc đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án bằng sự nhận xét chủ quan của mình mà để chức năng đó cho thị trường. Đối với các dự án đầu tư cần thiết cho nền kinh tế nhưng hiệu quả tài chính thấp, thì Nhà nước hỗ trợ theo phương thức tài trợ một phần dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng chịu trách nhiệm huy động vốn là của chính doanh nghiệp (Thành phố Hồ Chí Minh đã làm cách này đối với các dự án xã hội hóa ý tế, giáo dục, di dời ô nhiễm... từ năm 2000 đến năm 2006).

- Nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN cho các DN tăng vốn thông qua việc phát hành chứng khoán trên thị trường và các DN mua bán-sáp nhập (M&A) để cấu trúc lại tài chinh; chuyển dần chức năng tài trợ tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo mục tiêu hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, DN bắt đầu khởi nghiệp, các dự án đầu tư mạo hiểm.

- Nghiên cứu chứng khoán hóa một số sản phẩm của thị trường BĐS, tạo kênh dẫn giữa thị trường vốn với thị trường BĐS. Một khi các dự án BĐS được minh bạch hóa trên TTCK, thì tự nó sẽ đảm bảo tính hiệu quả. Nghiên cứu thí điểm cho ra đời định chế “Quỹ dầu tư tín thác BĐS” (REIT) để chuyển dần sự đầu tư cá nhân thị trường BĐS sang đầu tư của tổ chức và minh bạch hóa sự đầu này.

- Sử dụng chính sách thuế như là công cụ để khuyến khích sự ra đời và mở rộng tầm hoạt động của các định chế tài chính-tín dụng phi ngân hàng; vai trò của các quỹ đầu tư, công ty đầu tư, công ty tài chính...đối với hoạt động của thị trường vốn (trung-dài hạn).

- NHNN cần áp dụng các biện pháp mạnh thuộc chức năng của mình để kiềm chế sự phát triển thái quá của các NHTM cổ phần, bao gồm việc huy động tiền gửi, tăng lượng cho vay, cơ cấu cho vay, chất lượng tín dụng...

Vấn đề quản lý trần lãi suất huy động vốn tín dụng của hệ thống NHTM bằng quy định cứng của NHNN, đồng thời định hướng lãi suất cho vay thông qua việc công bố lãi suất cơ bản.

Mặc dù trong những ngày gần đây áp lực tăng LS huy động và lãi suất cho vay có giảm, nhưng tình hình chung cho thấy việc định hướng chính sách LS trong năm 2010 như thế nào chưa thật rõ nét để phục vụ cả hai mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, vừa bảo đảm thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế. Do đó, để ổn định tâm lý, thể hiện quyết tâm kiểm soát lạm phát, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh cho hệ thống NHTM, trong năm 2010 tôi đề nghị Chính phủ thống nhất giao NHNN kiểm soát LS bằng “biện pháp kép” như sau: (1) Ngân hàng Nhà nước quy định trần LS huy động VNĐ cho từng 3 tháng một lần ở mức bảo đảm LS dương khoảng lớn. LSCB chỉ có ý nghĩa định hướng thị trường với mức dao động từ 2-3%, trên cơ sở dự báo chỉ số CPI của quý tiếp theo. Cấm tất cả TCTD vi phạm mức trần này dưới mọi hình thức (như thưởng, ưu đãi khách hàng VIP…). Đây là biện pháp hành chính cần thiết để ổn định và thiết lập trật tự thị trường LS. (2) Hàng tháng, NHNN vẫn công bố LSCB (LSCB) để định hướng cho vay trên cơ sở LS cho vay bình quân của các NHTM có tỷ trọng khoảng cộng trừ % nhất định so với mức biến động hàng ngày trên thị trường. NHNN sử dụng các công cụ và nghiệp vụ của mình để điều chỉnh trong giới hạn biến động đó. Các NHTM sẽ cạnh tranh tạo ra mặt bằng LS kinh doanh. Việc công bố LSCB, tuy về hình thức mang tính hành chính nhưng bản chất “chỉ là tín hiệu của NHTW” về việc sẽ sử dụng các công cụ tiền tệ điều chỉnh mức LS theo ý muốn của NHTW. Cách làm này sẽ từng bước tiến tới sự hình thành LS dựa theo quan hệ thị trường và NHNN không còn phải sử dụng biện pháp hành chính trong điều hành lãi suất thị trường nữa. Đồng thời, khi thực hiện hai biện pháp trên thì vấn đề cho vay thoả thuận không còn ý nghĩa nữa và trần LS cho vay theo Bộ Luật Dân sự cũng không ai vi phạm được (nên không đặt ra).

Nếu áp dụng các giải pháp trên có thể có những vấn đề phát sinh như những tình huống sau:(1) Việc bỏ trần cho vay có đẩy LS thị trường lên vô giới hạn không? Về khả năng này, trước hết là tuỳ thuộc vào yếu tố cung-cầu của thị trường và khả năng điều tiết bằng các công cụ tiền tệ của NHTW. Có thể trước mắt có những doanh nghiệp do nhu cầu bức xúc về vốn nhất thời, chấp nhận khoảng tín dụng LS quá cao của một NHTM nào đó (thoát ly quá xa LSCB), nhưng hiện tượng này không thể thành tình trạng phổ biến, nếu việc ấn định LSCB của NHTW phù hợp với thực trạng thị trường. Mặt khác cũng để cho người đi vay tự lượng định mức LS có thể chấp nhận được dựa vào hiệu quả kinh doanh mà Nhà nước không thể tính toán thay cho họ. Trong kinh tế thị trường có một “cái trần vô hình” là lợi nhuận kinh doanh sẽ khống chế trần LS vay củaDN, nên thị trường sẽ tự điều tiết. (2) Liệu các NHTM có đồng loạt đẩy LS cho vay, theo kiểu ép doanh nghiệp phải chấp nhận mức lãi vay cao vì không có sự lựa chọn không? Tôi nghĩ là không vì NHNN còn có công cụ để điều chỉnh cung-cầu tín dụng thông qua việc tăng giảm cung tiền và các nghiệp vụ ở thị trường mở và đặc biệt là quyền tăng dự trữ bắt buộc nếu NHTM “phớt lờ” ý muốn của NHNN. Mặt khác Chính phủ còn có trong tay hệ thống NHTM của mình (là các NHTMNN, Vietcombank, Vietinbank), hiện đang chiếm tỷ trọng áp đảo trong thị trường tín dụng. (3) Liệu định trần LS có làm giảm lượng vốn huy động của các NHTM không? Vấn đề này theo nguyên tắc: nếu các điều kiện khác không thay đổi thì một khi LS dương 2-3% đã đủ hấp dẫn để huy động nguồn tiết kiệm và tiền nhàn rỗi. Còn nếu NHTM giảm lượng vốn huy động, nhưng tổng đầu tư xã hội tăng lại là tín hiệu tốt (nguồn vốn huy động trực tiếp tăng). (4) Vấn đề cuối cùng là khi không còn khống chế trần LS cho vay thì Nhà nước làm cách nào để có thể bảo vệ người sản xuất nếu chi phí tài chính quá cao. Vấn đề này cần giải quyết bằng nhiều chính sách chứ không thể chỉ bằng cách định LS cho vay thấp hơn “giá vốn” trên thị trường được.

Giải pháp nêu trên trước mắt giải quyết ngay tình trạng 2 loại LS đang tồn tại: LS theo trần 150% LSCB và LS thoả thuận vượt trần (đây là bước lùi trong tiến trình phát triển thị trường tài chính-tiền tệ của nước ta và đang là cơ hội cho các hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong hoạt động tín dụng). Tình trạng này sẽ chấm dứt khi áp dụng biện pháp nêu trên.Nếu giải pháp trên được chấp thuận thì chúng ta có thể tính toán ngay trần LS huy động áp dụng từ quý 2/2010 và LSCB tháng 4.2010 dựa trên cơ sở dự báo chỉ số CPI và mặt bằng LS của thị trường trong tháng 3.

Ts.Trần Du Lịch - Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

SBV

Các tin tức khác

>   Vay nợ nước ngoài: Kinh nghiệm từ Iceland và Hy Lạp (21/03/2010)

>   Vụ SCIC: Chưa nhận được phản hồi từ Bộ Tài chính (19/03/2010)

>   Tâm điểm kiểm toán năm nay: Vì sao không có Vinashin? (18/03/2010)

>   Bài 2: Giải pháp chính sách tài khoá và tiền tệ (18/03/2010)

>   Kiểm toán có thể bị kiện nếu không tròn trách nhiệm (18/03/2010)

>   Thành lập Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (16/03/2010)

>   Việt Nam vay Kuwait 14 triệu đô la Mỹ  (12/03/2010)

>   Tín dụng tăng trưởng chậm (12/03/2010)

>   Tín dụng hướng tới “Bát cơm châu Á” (10/03/2010)

>   Kiểm toán độc lập: Băn khoăn cấp phép chứng chỉ hành nghề  (09/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật