Vay nợ nước ngoài: Kinh nghiệm từ Iceland và Hy Lạp
Việt Nam nên nghiên cứu một cách nghiêm túc kinh nghiệm từ hai quốc gia châu Âu là Iceland và Hy Lạp, tuy trước mắt, tình hình của chúng ta khả quan hơn nhiều. Chúng ta có các khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) – tức là các khoản vay dài hạn, lãi suất thấp - và tổng dư nợ chưa quá cao.
Một công ty không trả được nợ khi đến hạn sẽ lâm vào trạng thái vỡ nợ. Một quốc gia cũng vậy. Iceland năm ngoái đã rơi vào tình trạng đó. Năm nay Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Một công ty có nguy cơ vỡ nợ nếu không được các chủ nợ, hay các bên thứ ba cứu trợ, thì có thể bị phá sản, phải thanh lý mọi tài sản để trả nợ và bị xóa sổ.
Một quốc gia khó có thể bị xóa sổ, nhưng nguy cơ phải bán tài sản, tô nhượng đất đai hầm mỏ để trả nợ là cao, hay việc các thế hệ tương lai phải còng lưng ra làm việc, chắt bóp chi tiêu để trả nợ là chuyện đương nhiên.
Hội chứng Hy Lạp
Chính phủ Hy Lạp phải đưa ra các chính sách tăng thuế, cắt giảm chi tiêu để có khả năng trả lãi và một phần gốc của món nợ quốc gia hơn 400 tỷ euro. Nhân dân ra đường lên tiếng chống lại chính sách tăng thuế và cắt giảm phúc lợi.
16 bộ trưởng tài chính các nước vùng Euro dường như đã thống nhất kế hoạch giải cứu Hy Lạp trong cuộc họp tại Brussels ngày 15-3 vừa qua, tuy kế hoạch chi tiết chưa được tiết lộ.
Tại sao một quốc gia có thể lâm vào tình trạng vỡ nợ?
Cũng đơn giản như một gia đình hay một công ty, chính phủ phải chi tiêu (nuôi hệ thống cán bộ quản lý, lãnh đạo, đầu tư cho an ninh - quốc phòng, đầu tư phát triển). Cân đối với các khoản chi, chính phủ có các khoản thu. Nếu thu không đủ chi thì phải đi vay trong hay ngoài nước. Còn dùng máy in tiền để chi sẽ gây ra lạm phát khôn lường (thực sự là một loại thuế biến hình đánh vào tất cả mọi người).
Nguồn thu nội địa của chính phủ là thuế, phí, bán tài nguyên (thí dụ, dầu, than đá), các khoản khác, và các khoản vay trong nước (bán trái phiếu, tín phiếu).
Nếu vẫn chưa để ý đến mặt trái của cách nghĩ “chính phủ không dựa vào các tập đoàn thì dựa vào ai?” hay tập đoàn “khỏe” chính phủ “khỏe”, thì hệ lụy của việc vay nợ nước ngoài là điều đáng quan ngại. |
Các khoản thu từ nước ngoài gồm tiền viện trợ không hoàn lại (thường không đáng kể) và các khoản vay nước ngoài (ODA hay vay thương mại, thí dụ phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế như Việt Nam phát hành 1 tỷ USD mới đây).
Nếu sử dụng các khoản vay không hiệu quả, tham nhũng gây thất thoát và thu không nghiêm (trốn thuế) hay thu không đủ, nợ nần có thể chồng chất và rất dễ lâm vào tình trạng vỡ nợ.
Báo chí nêu Hy Lạp vỡ nợ vì tham nhũng và trốn thuế. Xếp hạng tín dụng của Hy Lạp từ mức (A -) bị hạ xuống (BBB+) mức thấp nhất trong các nước châu Âu. Xếp hạng tín dụng thấp càng gây khó khăn cho việc vay mới (khó có thể vay hay phải vay với lãi suất cao).
Bệnh không của riêng ai
Mức tăng dư nợ và hiệu quả sử dụng ở Việt Nam hiện nay, từ câu chuyện của Iceland và Hy Lạp, là điều rất đáng lưu tâm.
Mức xếp hạng tín dụng của Việt Nam vừa bị FITCH* hạ xuống một bậc (xuống mức BB-). Thâm hụt ngân sách của Việt Nam liên tục ở mức cao suốt nhiều năm. Các khoản nợ trong nước và nước ngoài của chính phủ tăng nhanh, tuy được thông báo vẫn ở mức an toàn (mức dưới 40% GDP được gọi là mức an toàn).
Theo Bộ Tài chính, ở thời điểm 30-6-2009, nợ nước ngoài của Việt Nam bằng 29,8% GDP (23,6 tỷ USD). Sau tháng 6-2009, Việt Nam ký thỏa thuận vay và bảo lãnh có giá trị tổng cộng gần 4,5 tỷ USD (1,205 tỷ USD với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), 927 triệu USD với Ngân hàng Thế giới (WB); 1,33 tỷ USD với Nhật Bản (chưa kể khoản 290 triệu USD mà nước này vừa ký cho Việt Nam vay hồi đầu tháng 3-2010); và đã phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế).
Nếu giải ngân hết các khoản này thì nợ nước ngoài của Việt Nam có thể tăng lên khoảng 35% GDP. Đấy là chưa rõ nợ trong nước của Chính phủ là bao nhiêu.
Điều đáng quan tâm là hiệu quả chi tiêu, hiệu quả đầu tư không cao, nạn tham nhũng và xu hướng khát đầu tư của các cơ quan nhà nước vẫn chưa dịu đi và, vì thế, nợ có thể tăng nhanh nếu không được kiểm soát chặt.
Nào là các dự án bauxite, đường sắt cao tốc mà Quốc hội chắc sẽ bàn; nào là dự án điện hạt nhân, và bao nhiêu siêu dự án khác.
Rồi Bộ Tài chính vừa có Quyết định về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với số tiền trên 10.200 tỷ đồng, v.v. Tất cả các siêu dự án đó và việc chi cấp vốn cho các tập đoàn và các đơn vị quốc doanh cần các khoản tiền khổng lồ.
Nhà nước trung ương vay, các tập đoàn vay và các địa phương cũng vay.
Bắt mạch kê toa sớm
Thành phố Hồ Chí Minh vừa thành lập Công ty đầu tư tài chính nhà nước (HFIC) để huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, phát hành trái phiếu, vay vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng; tiếp nhận các nguồn tài trợ, nhận ủy thác các nguồn vốn; v.v
Hà Nội cũng đang đề xuất để được vay nước ngoài hàng tỷ USD. Có lẽ Hà Nội cũng sẽ noi gương TP Hồ Chí Minh để lập ra công ty đầu tư tài chính của mình.
Không rõ các tỉnh thành khác ra sao.
Chưa nói đến chuyện các công ty đầu tư tài chính nhà nước này sẽ chèn ép các ngân hàng trong huy động vốn, tôi chỉ lưu ý, nếu không kiểm soát chặt, các công ty đầu tư tài chính nhà nước địa phương và các tập đoàn, việc vay tràn lan để đầu tư tràn lan (với lãi suất cao hơn nhà nước trung ương vay) có thể đẩy đất nước lâm cảnh nợ nần và có thể dẫn đến nguy cơ vỡ nợ trong tương lai, đẩy con cháu phải còng lưng trả nợ.
Khát đầu tư là căn bệnh của bất cứ nhà nước nào nếu không được giám sát, kiểm soát một cách chặt chẽ. Có quá nhiều cám dỗ và quá nhiều lý do nghe rất chính đáng cho việc vay nợ và chi tiêu, song đừng đổ gánh nặng lên các thế hệ tương lai.
Phải xác định thật rõ các việc nhà nước nhất quyết phải làm, phải đầu tư (chẳng hạn như xây dựng quân đội, làm luật, ép thực thi luật, xây dựng hạ tầng, v.v), nhưng nhà nước đừng đi kinh doanh, đừng đầu tư kinh doanh.
* FITCH là một tổ chức xếp hạng toàn cầu chuyên cung cấp các dữ liệu, nghiên cứu, và các dự đoán về tín dụng một cách độc lập cho các thị trường tín dụng quốc tế.
Nguyễn Quang A
tiền phong
|