Thứ Tư, 10/03/2010 18:22

Tín dụng hướng tới “Bát cơm châu Á”

Ngày 10/3, Ngân hàng Liên Việt phối hợp với báo Nông thôn ngày nay, Bản tin Tài chính tổ chức buổi tọa đàm “Tín dụng hướng tới Bát cơm châu Á”. Buổi tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, Hiệp hội lương thực và các doanh nghiệp đến từ đồng bằng sông Cửu Long.

Nông dân và doanh nghiệp đều khát vốn

Năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được hơn 6 triệu tấn gạo, tương đương 3 tỷ USD. Trong đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất được mệnh danh “bát cơm châu Á” đóng góp tới 95% lượng gạo hàng hóa xuất khẩu cả nước. Điều đó cho thấy sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long có một vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối phó với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về vốn cho mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo thống kê, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của cả nước đến nay vào khoảng 231 ngàn tỷ đồng; riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 71 ngàn tỷ (chiếm 30,6% dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn cả nước và 40,8% tổng dư nợ toàn khu vực), trong khi huy động vốn của cả khu vực chỉ đạt xấp xỉ 115 ngàn tỷ đồng, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn tại chỗ đang ngày một tăng.

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, nhu cầu vốn của người nông dân và các doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Nhưng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của nông dân bị hạn chế do lãi suất và cơ chế vay vốn còn có nhiều điểm chưa phù hợp với đặc điểm nông thôn, nông dân.

Hiện tại, các doanh nghiệp cũng đang đứng trước khó khăn lớn về vốn cho thu mua lúa gạo tạm trữ cho xuất khẩu. Do hầu hết doanh nghiệp chưa ký kết được hợp đồng với đối tác nước ngoài nên đều chưa thể vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp mới chỉ tiến hành thu mua được 500 nghìn tấn trong tổng số 1 triệu tấn gạo theo kế hoạch; cùng với việc phát triển hệ thống kho chứa lên 4 triệu tấn vào cuối 2010 đầu 2011 sẽ đặt ra nhu cầu bức thiết về vốn cho các doanh nghiệp.

“Phú tam nông” với sự góp mặt của 5 nhà

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Liên Việt cho biết, để giải quyết những khó khăn về vốn cho khu vực nông nghiệp nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, thì sự tham gia của ngân hàng trong liên kết 4 nhà (Nhà nước- Nhà nông- Nhà khoa học- Nhà doanh nghiệp) sẽ giúp khắc phục những hạn chế trong mô hình cũ. Theo ông Hưởng, một trong những điểm bất cập của mô hình liên kết 4 nhà là việc doanh nghiệp thiếu vốn và phải chịu rủi ro cao khi ứng vốn cho nông dân dẫn đến liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo. Trong trường hợp xảy ra thiên tai hay các nguyên nhân bất khả kháng không trả được nợ, doanh nghiệp phải kéo dài thời gian nợ ngân hàng làm tăng vốn vay, giá thành sản phẩm tăng ảnh hưởng đến hoạt động tài chính.

Với mô hình mới có sự tham gia của ngân hàng trong vai trò trung gian, cho vay thu nợ khép kín “cho vay tay phải, thu nợ tay trái”, làm tốt công tác thanh toán công nợ giữa các nhà. Đồng thời, với vai trò trung gian, ngân hàng sẽ đóng vai trò triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc cung ứng vốn trực tiếp và gián tiếp đối với “nhà nông”. Các biện pháp hỗ trợ gián tiếp như: hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, kết hợp xây dựng đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ vốn cho nhà khoa học và thẩm định chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thông qua hỗ trợ vốn vật tư nông nghiệp.

Cùng với mô hình “Phú Tam nông”, Liên Việt sẽ triển khai đề án “Đầu tư phát triển tín dụng nông nghiệp nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long” với việc dành ra một khoản tín dụng từ 3.000- 5.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2010-2013, trong đó riêng năm 2010, sẽ triển khai đề án với vốn lên đến 1.200 tỷ đồng. Các đối tượng được vay vốn gồm: hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại; các hợp tác xã ở nông thôn, các tổ chức kinh tế và cá nhân cung ứng dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp; các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

SBV

Các tin tức khác

>   Kiểm toán độc lập: Băn khoăn cấp phép chứng chỉ hành nghề  (09/03/2010)

>   Nở rộ dịch vụ vay nóng qua mạng (06/03/2010)

>   Bộ Tài chính không nên quản lý DN kiểm toán (05/03/2010)

>   Khơi thông thị trường tiền tệ (05/03/2010)

>   Mua bán doanh nghiệp: Hy vọng mùa gặt 2010 (04/03/2010)

>   Còn nhiều vướng mắc (04/03/2010)

>   M&A không phải là mua tài sản giá rẻ (04/03/2010)

>   "Cân bằng" lãi suất góp phần kiểm soát lạm phát (04/03/2010)

>   ADB hỗ trợ Việt Nam kỹ năng đảm bảo ổn định tài chính (01/03/2010)

>   Mục tiêu tăng trưởng sẽ chiếm ưu thế? (01/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật