Thứ Hai, 01/03/2010 08:59

Chính sách tiền tệ 2010:

Mục tiêu tăng trưởng sẽ chiếm ưu thế?

Trước những thành quả, cũng như những thách thức mà NHNN đang phải đối phó, TS Nguyễn Trí Hiếu có nhiều suy nghĩ về vị thế và vai trò của NHTƯ Việt Nam. Lao Động có cuộc trò chuyện với ông về vấn đề này.

TS Nguyễn Trí Hiếu là chuyên gia có hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng  tại Đức và Hoa Kỳ. Ông đã từng làm luận án tiến sĩ tại University of Munich (Đức) về sự vận hành và tiến trình quyết định của các ngân hàng trung ương (NHTƯ) tại Nam và Đông Nam Châu Á.

- NHNN tuyên bố sẽ điều hành CSTT trong năm 2010 đáp ứng hai mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát. Với hai mục tiêu có phần trái ngược nhau như vậy NHNN có thể đạt được không?

- Mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát là hai mục tiêu phải được thực hiện song hành về lâu dài. Tuy nhiên, trong ngắn hạn và đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế còn bị đe doạ bởi những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính, hai mục tiêu này có khả năng xung đột nhau vì kích thích tăng trưởng là phải tăng cung tiền và dễ đưa đến tỉ lệ lạm phát cao. Và ngược lại, để kiềm chế lạm phát, cung tiền phải được kiểm soát chặt chẽ đưa đến sự suy giảm mức tăng trưởng kinh tế.

Trong năm 2009, NHNN đã thành công trong việc kích thích tăng trưởng ở mức 5,3%, trong khi kiềm chế lạm phát ở mức 6,5%. Sang năm 2010, NHNN có khả năng đáp ứng cả hai mục tiêu, nhưng mục tiêu tăng trưởng có thể sẽ chiếm ưu thế vì tình hình kinh tế thế giới sẽ biến chuyển thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho VN tăng trưởng nhanh hơn so với năm ngoái. Để đạt mức tăng trưởng 6,5% cho 2010, có lẽ chúng ta phải chấp nhận một mức độ lạm phát cao hơn 7%. Một mức lạm phát 7-9% có thể chấp nhận được.

- Có một số ý kiến cho rằng thời gian qua, đặc biệt từ cuối năm 2008 đến nay, NHNN đã sử dụng nhiều biện pháp hành chính trong điều hành. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Nền kinh tế nào cũng phải có  vai trò điều tiết của nhà nước, nhất là trong bối cảnh của VN - một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh năm 2009, khi kinh tế VN nói chung, hệ thống NH nói riêng phải đương đầu nhiều khó khăn, thách thức gay gắt do tác động khủng hoảng tài chính và suy thoái của kinh tế thế giới.

Trong một số tình huống có nguy cơ dẫn đến tính khủng hoảng, NHNN cần mạnh tay can  thiệp bằng những biện pháp hành chính. Tuy nhiên, sau cơn khủng hoảng, NHNN nên nới lỏng và sử dụng cơ chế thị trường để điều tiết thị trường.

Biện pháp hành chính tăng LSCB từ 7% lên 8% vào tháng 11 năm ngoái và giữ đến nay bị coi như là một trong những nguyên nhân làm suy giảm khả năng huy động vốn của các NHTM và do đó suy giảm tính thanh khoản trên toàn thị trường tài chính.

Thay vì sử dụng LSCB, NHNN có thể điều tiết lãi suất qua nghiệp vụ thị trường mở qua việc bán ra hay mua vào những chứng từ có giá và do đó rút vào hay bơm ra một lượng tiền cần thiết để điều chỉnh cung tiền và cùng với đó đạt được mức lãi suất chỉ đạo.

Trong năm 2010 nếu nền kinh tế càng ngày càng ổn định hơn thì NHNN cần sử dụng nhiều hơn những công cụ của CSTT thay vì những biện pháp hành chính, như nghiệp vụ thị trường mở, chiết khấu, tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc để điều tiết cung tiền.

- Các quyết định của NHNN sẽ tác động đến giá cả. Vì vậy, quá trình ra quyết định thường được giữ bí mật. Thị trường trông đợi gì ở NHNN?

- NHNN VN đang tiến dần đến một mô hình một NHTƯ của một nền kinh tế trưởng thành.  Ngày trước một số chỉ tiêu tài chính được xem là bí mật quốc gia, thì ngày nay đã được công khai hóa. Tuy nhiên, thị trường tài chính chờ đợi ở NHNN một sự trong suốt hơn trong CSTT qua việc công bố những chỉ tiêu như: Chỉ tiêu về cung tiền, mức lãi suất, tỉ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối.  Việc công khai hoá những chỉ tiêu này không những tạo sự an tâm của thị trường về CSTT của NHNN mà còn giúp thị trường dự đoán chính xác hơn những biện pháp của NHNN.

- Những khó khăn, thách thức nào mà NHNN sẽ phải đương đầu năm 2010. Theo ông, vấn đề gì cần phải được xử lý ngay để hỗ trợ NHNN thực hiện tốt được vai trò của mình với nền kinh tế?

- Sang năm 2010, chúng ta đã vượt qua khỏi đáy của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vẫn chưa chấm dứt, nhiều quốc gia vẫn có độ tăng trưởng âm hoặc rất thấp và nhiều quốc gia đã trở lại chế độ bảo hộ mậu dịch, tiếp tục gây khó khăn cho hàng xuất khẩu VN. Nhiều DN trong nước tiếp tục gặp khó khăn, doanh thu suy giảm, hàng tồn kho ứ đọng, hạn chế hay mất khả năng trả nợ NH.

Chính vì những rủi ro tiếm ẩn đó, NHNN nên tăng cường giám sát chất lượng tài sản cho vay của các tổ chức tín dụng, để giúp các ngân hàng kịp thời phát hiện rủi ro tín dụng và có những biện pháp thích hợp để kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh.

P.M.T

lao động

Các tin tức khác

>   Năm 2010, thị trường tài chính vận động theo hướng nào? (26/02/2010)

>   Chính sách tiền tệ 2010: Nhiều thách thức và biến động (25/02/2010)

>   Maritime Bank cung cấp dịch vụ tài chính cho VEC (23/02/2010)

>   Sử dụng hiệu quả các khoản vốn vay (22/02/2010)

>   Quy định việc sáp nhập, mua lại tổ chức tín dụng (11/02/2010)

>   Doanh nghiệp, ngân hàng cùng “kẹt” vốn (09/02/2010)

>   Gửi tiết kiệm là thượng sách (10/02/2010)

>   Đối mặt thách thức và nhìn ra cơ hội (09/02/2010)

>   Công tác giám sát vĩ mô giúp ổn định thị trường tài chính (08/02/2010)

>   IMF: Việt Nam ngày càng có vị trí quan trọng trong khu vực (08/02/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật