Còn nhiều vướng mắc
Nhu cầu về mua bán và sáp nhập (M&A) ngày càng tăng lên, thế nhưng hoạt động này lại đang gặp rất nhiều vướng mắc do hành lang pháp lý còn tản mát, thiếu hụt và không rõ ràng. Luật sư Trần Thanh Tùng, Công ty Luật P&P, đã liệt kê một loạt khó khăn như sau.
Một, là đối tượng M&A bị bó hẹp. Các quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp từ điều 150 đến điều 153, Luật Doanh nghiệp đều được xây dựng theo hướng chỉ có các công ty cùng loại (công ty cổ phần, công ty TNHH) mới được sáp nhập, hợp nhất với nhau và chỉ có thể chia, tách công ty thành các công ty cùng loại. Điều này làm ngăn cản khả năng chia, tách công ty TNHH thành các công ty cổ phần và ngược lại cũng ngăn cản khả năng sáp nhập, hợp nhất giữa các công ty không cùng loại (sáp nhập, hợp nhất công ty TNHH vào công ty cổ phần hoặc ngược lại). Luật Doanh nghiệp cũng không quy định về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập đối với các doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.
Hai, là hạn chế trong việc chuyển đổi doanh nghiệp sau M&A. Luật Doanh nghiệp quy định năm hình thức doanh nghiệp (công ty TNHH một thành viên, công TNHH hai thành viên, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân), và nếu có thể chuyển đổi tự do qua lại giữa các loại hình doanh nghiệp, chúng ta sẽ có 5 x 4 = 20 cách chuyển đổi. Tuy nhiên, các quy định hiện hành chỉ cho phép thực hiện 8/20 cách chuyển đổi (cụ thể là chuyển công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên hoặc công ty cổ phần và ngược lại; công ty TNHH hai thành viên thành công ty TNHH một thành viên hoặc công ty cổ phần và ngược lại; chuyển DNTN thành công ty TNHH một thành viên hoặc công ty TNHH hai thành viên). Sự hạn hẹp đó không đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi của doanh nghiệp và nhiều giao dịch mua bán doanh nghiệp không thể thực hiện do không có cơ sở pháp lý.
Ba, là khó khăn về thủ tục, trong đó rối nhất vẫn là trường hợp công ty trong nước chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Công ty được chuyển nhượng phải làm thủ tục sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư vẫn là vấn đề chưa được quy định rõ ràng và áp dụng thống nhất. Nếu áp dụng theo Luật Doanh nghiệp trong trường hợp vốn nước ngoài dưới 49% thì chỉ cần sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn áp dụng theo Luật Đầu tư và các công văn hướng dẫn của các cơ quan quản lý, chẳng hạn như Bộ Công Thương thì dù có 1% vốn nước ngoài cũng phải làm giấy chứng nhận đầu tư. “Mặc dù hai thủ tục này là hoàn toàn khác nhau nhưng cho đến nay vẫn chưa có quy định thống nhất, mỗi nơi làm một kiểu, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Tùng cho biết. Mặt khác, một số luật khác, chẳng hạn như Luật Cạnh tranh cũng quy định về các hành vi tập trung kinh tế (sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp…). Theo đó, các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30-50% trên thị trường liên quan thì phải làm thủ tục thông báo với cơ quan quản lý cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện cũng chưa có cơ chế để thực hiện việc thông báo tập tung kinh tế và điều khiến các nhà đầu tư thiếu an tâm là không rõ hậu quả pháp lý sẽ ra sao nếu thủ tục này bị bỏ qua.
Ngoài ra, còn vô số khó khăn khác phát sinh trong thực tiễn. Ví dụ, một số cơ quan đăng ký kinh doanh bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng mẫu hợp đồng chuyển nhượng của họ. Hợp đồng này chỉ khoảng vài trang, nội dung rất sơ sài trong khi hợp đồng của doanh nghiệp có thể lên tới hàng chục trang với các điều khoản chi tiết hơn, đầy đủ hơn lại không được chấp nhận. “Để giải quyết vướng mắc, các bên chuyển nhượng đành phải làm theo cách, một mặt buộc phải chấp nhận hợp đồng mẫu của cơ quan đăng ký kinh doanh, một mặt ký riêng với nhau một hợp đồng khác trên cơ sở ý chí của các bên. Tuy nhiên, cách làm này chứa đựng nhiều rủi ro vì hợp đồng thực chất giữa các bên không được Nhà nước công nhận”, ông Tùng phân tích.
Một luật sư của Văn phòng Luật sư Người nghèo cho biết có trường hợp như tại Đồng Tháp, ngân hàng yêu cầu phải có hợp đồng mua bán công ty thì mới cho phép nhà đầu tư mở tài khoản (để chuyển tiền chuyển nhượng) trong khi luật quy định phải dưới hình thức hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (hoặc vốn góp). Hoặc có trường hợp chuyển nhượng toàn bộ công ty, bên nhận chuyển nhượng muốn giữ lại pháp nhân công ty nhưng cơ quan quản lý đầu tư lại không cho mà yêu cầu phải bỏ pháp nhân cũ và lập pháp nhân mới thì mới cho phép chuyển nhượng. Với các trường hợp trên, các nhà đầu tư đành phải ngậm ngùi bỏ cuộc vì không thể chấp nhận những yêu cầu… không khả thi như vậy.
Nguyên Tấn
TBKTSG
|