Thứ Năm, 25/03/2010 06:38

Quỹ đầu tư: Cửa thoát cho DN đói vốn

Gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, các doanh nghiệp có thể đến các quỹ đầu tư? Ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc phân tích kinh tế của Quỹ đầu tư Sài Gòn – Hà Nội đã có buổi trao đổi sâu thêm về vấn đề này.

- Thời kỳ khủng hoảng đáng ra là cơ hội để tìm kiếm các công ty tư nhân tốt và hiện thực hóa các khoản đầu tư. Nhưng từ giữa năm 2008 đến hết năm 2009, thị trường đầu tư vào các công ty tư nhân (PE) ở Việt Nam lại trầm lắng hơn so với vài năm trước. Liệu đây có là nghịch lý, thưa ông?

Điều này có lý do của nó. Tại Việt Nam, nếu xét về nguồn vốn thì vốn đầu tư chủ yếu đến từ các quỹ nước ngoài mà nổi bật là Dragon Capital, Vina Capital và Mekong Capital. Sự tham gia của các quỹ trong nước là hạn chế và chủ yếu ở giai đoạn cuối, khi công ty chuẩn bị niêm yết. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế đã khiến cho việc huy động các quỹ đóng mới của các công ty quản lý quỹ nước ngoài rất khó khăn. Một điểm khác là giá chứng chỉ quỹ đang giao dịch với mức chiết khấu lớn từ 30% đến 50% so với giá trị tài sản ròng (NAV), khiến cho rủi ro khi đầu tư vào quỹ đóng lớn hơn. Việc Indochina Capital đóng quỹ đầu tư khi bị các quỹ đầu cơ đánh sập cũng là một bài học đối với những quỹ đầu tư đang có ý định góp vốn vào các quỹ PE tại Việt Nam trong giai đoạn trước.

Còn tại các nước phát triển, nguyên nhân chính làm giảm sút dòng vốn đầu tư vào các công ty tư nhân trong giai đoạn khủng hoảng là do các quỹ đầu tư không còn nhiều tiền mặt, nhiều quỹ chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Hơn nữa, tỷ trọng đầu tư vào PE trong danh mục đầu tư đã lớn hơn mức cho phép. Bên cạnh đó, khả năng các nước phát triển sẽ phục hồi ổn định hơn sau khủng hoảng nên đầu tư vào cổ phiếu ở các nước phát triển sẽ thu được lợi nhuận tương đối cao hơn. Cuối cùng, đầu tư vào PE tại các nước đang phát triển có rủi ro cao trong thời gian trước mắt, đặc biệt là rủi ro thoái vốn do thời gian thoái vốn sẽ kéo dài hơn dự kiến.

- Vậy, sang năm 2010, có thực sự là “thiên thời” cho các quỹ đầu tư vào các công ty tư nhân tại Việt Nam không thưa ông?

Trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều thuận lợi cho các quỹ đầu tư gọi vốn và xem xét việc đầu tư PE. Theo điều tra của Tổ chức đầu tư tư nhân vào các nước đang phát triển, nhân tố được đánh giá quan trọng nhất đến thành công của các quỹ đầu tư vào công ty tư nhân là tốc độ phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn trong 2 năm vừa qua khiến cho hoạt động sản xuất của phần lớn các công ty bị co lại, tốc độ tăng trưởng chậm hơn và trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các quỹ đầu tư. Các công ty tư nhân phần lớn ở giai đoạn đầu hoạt động với thị trường nhỏ bé, lợi nhuận nhiều trường hợp không đáng kể. Trong điều kiện kinh tế khó khăn (thắt chặt tiền tệ) các công ty nhà nước, các công ty lớn sẽ có tiềm lực để trụ lại thị trường cũng như thâu tóm các công ty khác. Thực tế cho thấy những chính sách hỗ trợ thực hiện trong năm 2009 vừa qua đã đưa dòng vốn đến chủ yếu với khu vực kinh tế nhà nước (do tiền xuất phát từ ngân sách quốc gia), còn các công ty tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn ưu đãi. Vì thế đây sẽ là cơ hội cho các quỹ đầu tư lựa chọn những công ty tiềm năng để đầu tư.

Ngoài ra, tính minh bạch và quản trị của các công ty trên sàn ngày càng được cải thiện, làm giảm bớt nhu cầu tham gia sâu vào các công ty. Bản thân các công ty niêm yết cũng cởi mở hơn trong việc cung cấp thông tin cho nhà đầu tư và áp dụng nguyên tắc quản trị hiện đại. Ngày càng nhiều quỹ có vị trí trong hội đồng quản trị của các công ty lớn và có thể theo sát hoạt động của các công ty này.

Trong khi đó, một vấn đề nhà đầu tư nhận ra khi tham gia đầu tư vào công ty tư nhân ở các nước đang phát triển là công ty thực hiện nhiều chế độ sổ sách kế toán khác nhau để tránh thuế gây rất nhiều khó khăn cho quá trình định giá công ty. Mặt khác, dù quỹ đầu tư có vị trí trong HĐQT hay ban lãnh đạo nhưng thực quyền vẫn thuộc về chủ công ty tư nhân. Lợi ích giữa chủ công ty và nhà đầu tư lớn là không đồng nhất, đặc biệt nếu nhà đầu tư là người nước ngoài thì sẽ còn dẫn tới xung đột về văn hóa khiến cho hoạt động của công ty không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư.

- Gần đây nhiều quỹ đầu tư như Mekong Capital, Dragon Capital… thậm chí cả những quỹ trước đây chủ yếu đầu tư vào thị trường niêm yết lại lên kế hoạch huy động vốn để đầu tư vào các công ty tư nhân. Ông nhìn nhận hiện tượng này như thế nào?

Khi các quỹ đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào một quỹ đầu tư PE thì họ sẽ nhìn vào 2 nhân tố chính: Thứ nhất là tiềm năng tăng trưởng ổn định của nền kinh tế; Thứ hai là hiệu quả hoạt động của các quỹ PE trong quá khứ. Hiện chứng chỉ của phần lớn các quỹ có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang giao dịch ở mức chiết khấu so với NAV. Điều này cho thấy nhà đầu tư không đánh giá cao hiệu quả hoạt động trong quá khứ của các quỹ này.

Gần đây, Mekong Capital đã có kế hoạch huy động quỹ Mekong Enterprise Fund III với số vốn huy động khoảng 100 triệu USD. Dragon Capital hay Saigon Asset Management (SAM) cũng đang cố gắng huy động quỹ mới đầu tư vào các công ty trên sàn và chưa niêm yết. Do những nguyên nhân đã đề cập ở trên, sẽ rất khó khăn cho các quỹ để có thể huy động thành công vốn từ nước ngoài. Một số đợt huy động thành công gần đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là bất động sản du lịch. Nhà đầu tư quốc tế có thể nhìn thấy được tiềm năng của thị trường BĐS cũng như tiềm năng du lịch lớn tại Việt Nam nên việc huy động vốn cũng dễ dàng hơn. Ngoài ra, trong lĩnh vực này, quỹ đầu tư là người trực tiếp quản lý dự án nên có thể thực hiện dự án theo hướng hiệu quả nhất, tránh được xung đột với chủ doanh nghiệp như trong đầu tư PE.

- Theo ông, các doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội để thu hút vốn đầu tư từ các quỹ như thế nào cho hiệu quả?

Thực tế cho thấy phần lớn chủ doanh nghiệp vẫn có tư tưởng mình là “ông chủ” và chưa sẵn sàng cho việc bị một đối tượng bên ngoài theo dõi sát sao. Họ cũng không sẵn sàng chia sẻ quyền lãnh đạo doanh nghiệp hay thay đổi cơ cấu doanh nghiệp nếu đi ngược lại lợi ích cá nhân của họ. Trong khi đó, công đoạn phức tạp nhất và quan trọng nhất của quỹ đầu tư khi thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp là đánh giá khả năng và sự trung thực của người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo không tạo được niềm tin nơi nhà đầu tư, không sẵn sàng thay đổi và chia sẻ một phần quyền điều hành thì nhà đầu tư sẽ không sẵn sàng tham gia góp vốn trong lĩnh vực rủi ro cao này.

Doanh nghiệp và quỹ đầu tư cần tìm đến những điểm tương đồng cũng như có một cơ chế cho việc giải quyết xung đột giữa hai bên. Sự tương đồng này sẽ chỉ được tạo lập dựa trên sự minh bạch về quản trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần cải thiện trong lĩnh vực quản trị thông qua các hành động, ví dụ như tạo điều kiện cho quỹ/chuyên gia độc lập có vị trí trong hội đồng quản trị; tuân thủ các nguyên tắc kế toán quốc tế và thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, các cơ chế về luật pháp cần rõ ràng, minh bạch và việc thực thi luật pháp cần được đảm bảo nghiêm chỉnh.

Thực tế các nước đang phát triển khác cho thấy nhiều nhà đầu tư đã rút vốn do đối tác đã không thực hiện đúng cam kết, trong khi đó việc khởi kiện là phức tạp, tốn kém và việc thực thi hiệu lực bản án là không nghiêm chỉnh. Sự vững mạnh và tăng trưởng của thị trường chứng khoán cũng sẽ là một nhân tố quyết định tới thành công trong việc gọi vốn đầu tư do bất kỳ nhà đầu tư nào cũng sẽ nghĩ tới việc thoái vốn trong một thời gian nhất định. Một thị trường chứng khoán có quy mô lớn, minh bạch, sẽ tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và khiến cho việc thoái vốn của các quỹ PE dễ dàng hơn.

Tôi tin rằng với quy mô hơn 200.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, thị trường PE chắc chắn sẽ là sự lựa chọn ưu tiên của các quỹ đầu tư trong chu kỳ đi lên sau khủng hoảng.

- Xin cảm ơn ông!

Hải Nam

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   120 tỷ USD giải bài toán thanh khoản khu vực ASEAN + 3 (24/03/2010)

>   Tăng lương không làm tăng mức bội chi ngân sách (24/03/2010)

>   Chính sách tiền tệ tháng 4 thay đổi theo hướng nào? (24/03/2010)

>   Tiền đầu tư chờ thời (24/03/2010)

>   Việt Nam chưa sử dụng nguồn vốn từ IMF (23/03/2010)

>   IMF đánh giá đồng tiền Việt Nam ở mức ổn định (23/03/2010)

>   Đánh giá về báo cáo của Fitch Ratings (23/03/2010)

>   Từng bước cơ cấu lại thị trường tài chính (22/03/2010)

>   Vay nợ nước ngoài: Kinh nghiệm từ Iceland và Hy Lạp (21/03/2010)

>   Vụ SCIC: Chưa nhận được phản hồi từ Bộ Tài chính (19/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật