Thứ Tư, 24/03/2010 10:58

Tăng lương không làm tăng mức bội chi ngân sách

Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong những tháng đầu năm nay đang diễn biến theo chiều hướng tăng khiến nhiều chuyên gia lo ngại Việt Nam khó thực hiện được mục tiêu giữ CPI năm 2010 không quá 7% như chỉ tiêu Quốc hội thông qua.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam xung quanh vấn đề tham mưu cho Chính phủ trong điều hành các chính sách giá vừa đảm bảo được tăng trưởng kinh tế, vừa kiềm chế được lạm phát ở mức một con số trong năm 2010.

- Thưa Bộ trưởng, để đạt được mục tiêu vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa kiềm chế được lạm phát, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ những biện pháp gì trong chỉ đạo điều hành?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Trước hết tôi phải khẳng định, cơ sở để thực hiện mục tiêu này là Chính phủ đánh giá sát tình hình, xác định được mục tiêu tổng quát của năm 2010: nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại; tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội... từ đó tổ chức thực hiện quyết liệt đồng bộ sáu nhiệm vụ chủ yếu, tám giải pháp quan trọng nêu tại Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/01/2010 của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu điều hành kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2010.

Để đạt được mục tiêu vừa đảm bảo được tăng trưởng kinh tế vừa kiềm chế được lạm phát, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ một số biện pháp chỉ đạo điều hành. Cụ thể về chính sách giá, tập trung vào việc thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước, tránh hiện tượng để giá cả của những hàng hóa ở mức cao bất hợp lý, bất chấp sự giảm giá trên thị trường thế giới hoặc "đông giá" tại thị trường trong nước quá thấp.

Bên cạnh đó cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả với việc kiểm soát hàng hóa, dịch vụ độc quyền; khuyến khích cạnh tranh về giá.

Hơn nữa, kiểm tra chặt chẽ các phương án giá, mức giá, bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá những hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước sử dụng ngân sách để đặt hàng phục vụ các chương trình, mục tiêu quốc gia.

Về chính sách tài khóa sẽ điều hành theo hướng linh hoạt có kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu tăng thu tối thiểu 5% so với dự toán Quốc hội thông qua; điều chỉnh hợp lý chính sách thu phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, tăng cường quản lý thu; thực hiện giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp một quý cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da, giầy.

Đối với chính sách tiền tệ sẽ điều hành tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, bảo đảm khả năng thanh khoản của nền kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng khoảng 25%. Điều hành linh hoạt theo nguyên tắc thị trường, công cụ nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, công cụ dự trữ bắt buộc.

Điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá linh hoạt trong mối quan hệ với lãi suất, giá tiêu dùng và cán cân thương mại nhằm khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu. Ứng phó có hiệu quả với các biến động của các luồng vốn; giữ ổn định cán cân thanh toán tổng thể và mức dự trữ ngoại hối cần thiết.

Nếu thực hiện tốt chính sách về giá cả, chính sách về tài khóa nêu trên kết hợp với việc thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, chính sách về xuất nhập khẩu, chính sách thị trường, công tác cải cách hành chính, đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đúng định hướng chỉ đạo về công tác quản lý giá, điều hành giá của Chính phủ nhằm tạo sự đồng thuận của các doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội thì chúng ta sẽ giữ không để lạm phát tăng cao trở lại, đạt được mục tiêu Quốc hội đã quyết định chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7% trong năm 2010.

- Thưa Bộ trưởng, nhiều ý kiến lo ngại rằng sau đợt tăng giá những mặt hàng thiết yếu vừa qua sẽ hình thành những mặt bằng giá mới bất hợp lý, Bộ Tài chính sẽ có những biện pháp nào để bình ổn giá trong những tháng tiếp theo của năm 2010?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Để bình ổn giá thị trường trong những tháng tiếp theo của năm 2010, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, rà soát bãi bỏ các khoản phí, các khoản thu không hợp lý giúp doanh nghiệp giảm chi phí.

Bên cạnh đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải tích cực đổi mới quản lý, cải tiến công nghệ, tiết kiệm nhiên liệu, vật liệu để khắc phục khó khăn do giá đầu vào tăng để có mức giá đầu ra phù hợp.

Từ nay đến hết năm 2010, giữ ổn định giá điện và giá than bán cho điện như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngay trong tháng Ba, Bộ Tài chính đã phối hợp với các ngành tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế và pháp luật về giá đối với các mặt hàng ximăng, thép, xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón hóa học, đường ăn, thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng có văn bản chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức ngay các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với cước vận tải ô tô, các mặt hàng bình ổn giá nêu trên và một số mặt hàng thiết yếu khác tại địa phương; đề nghị Bộ Y tế tổ chức ngay các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với thuốc phòng và chữa bệnh cho người.

Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thực hiện biện pháp bình ổn giá, đảm bảo đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng, thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người lao động trong doanh nghiệp và cùng tham gia với Chính phủ thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo...

Về giá xăng dầu, để tránh tác động tâm lý khi thời gian giữa các lần điều chỉnh giá quá dày, Bộ Tài chính cũng có công văn chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu từ nay đến hết tháng 6/2010, nếu giá vốn cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành theo cách tính toán quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, doanh nghiệp cần giãn thời gian giữa các lần điều chỉnh tăng giá xăng, dầu.

- Trong năm 2010, thực hiện điều hành một số mặt hàng theo cơ chế thị trường và việc tăng lương cho cán bộ công chức từ ngày 1/5 tới sẽ có tác động đến chi ngân sách. Vậy theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính sẽ có biện pháp gì để giữ bội chi ngân sách Nhà nước ở dưới mức 6,2% như mục tiêu Quốc hội đề ra?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010 đã bố trí đủ nguồn lực để thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu lên mức 730.000 đồng/tháng, thực hiện từ 1/5/2010; đồng thời đã bố trí ngân sách cho các bộ, ngành và hỗ trợ các địa phương để đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đặt ra cho năm 2010.

Vì vậy, việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng như xăng, điện, nước... và thực hiện điều chỉnh cải cách tiền lương năm 2010 theo lộ trình đã đề ra sẽ không tác động làm tăng mức bội chi ngân sách Nhà nước so với dự toán đã được Quốc hội thông qua.

Trong quá trình tổ chức thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ và nhất quán các giải pháp lớn, trọng tâm theo chỉ đạo và Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Tổ chức điều hành ngân sách Nhà nước năm 2010 tích cực, chủ động; tăng cường công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để thu đúng, đủ, kịp thời các khoản phát sinh vào ngân sách Nhà nước; đẩy mạnh công tác chống thất thu, gian lận và xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu tăng thu để giảm bội chi ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, điều hành chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm và trong phạm vi dự toán được giao, hạn chế tối đa việc xử lý chi ngoài dự toán, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách.

Bên cạnh đó, sử dụng linh hoạt các nguồn vốn để đảm bảo nguồn cân đối ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu chi ngân sách Nhà nước và chi cho đầu tư phát triển theo tiến độ thực hiện, qua đó góp phần hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đặt ra cho năm 2010 và giai đoạn 2006-2010.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thùy Dương

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Chính sách tiền tệ tháng 4 thay đổi theo hướng nào? (24/03/2010)

>   Tiền đầu tư chờ thời (24/03/2010)

>   Việt Nam chưa sử dụng nguồn vốn từ IMF (23/03/2010)

>   IMF đánh giá đồng tiền Việt Nam ở mức ổn định (23/03/2010)

>   Đánh giá về báo cáo của Fitch Ratings (23/03/2010)

>   Từng bước cơ cấu lại thị trường tài chính (22/03/2010)

>   Vay nợ nước ngoài: Kinh nghiệm từ Iceland và Hy Lạp (21/03/2010)

>   Vụ SCIC: Chưa nhận được phản hồi từ Bộ Tài chính (19/03/2010)

>   Tâm điểm kiểm toán năm nay: Vì sao không có Vinashin? (18/03/2010)

>   Bài 2: Giải pháp chính sách tài khoá và tiền tệ (18/03/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật