Tiền đầu tư chờ thời
Khi xu hướng đầu tư chưa rõ ràng, việc gửi tiền vào ngân hàng để chờ thời trong giai đoạn hiện tại cũng là một kế hay.
Ông Trần Vi Điển, một nhà đầu tư cư trú ở quận 7-TPHCM, cho biết trong đợt sóng nhỏ vừa qua, ông đã bán một số mã cổ phiếu trị giá vài tỉ đồng, do chưa biết rót vốn vào đâu nên số tiền đó ông còn để nguyên trong tài khoản...
Các kênh chủ lực đều trầm lắng
Hiện bốn kênh đầu tư chủ lực (chứng khoán, ngoại tệ, vàng và bất động sản) đang rất trầm lắng nên nhiều nhà đầu tư cảm thấy bối rối chưa biết phải làm gì. Với chứng khoán, do đang thiếu thông tin hỗ trợ, giá xập xình kéo dài nhiều tháng nay nên nhiều người cảm thấy nản lòng.
So với mức đáy mới thiết lập trong tháng 1 vừa qua, đến nay chỉ số VN-Index chỉ nhích lên được 7%. Đó là mức tăng không đáng kể cho giới đầu tư quan tâm. Do nhà đầu tư đang chờ đợi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ nên dòng tiền đổ vào cầm chừng vì thế thị trường chứng khoán có thể còn đi ngang trong nhiều ngày, nhiều tuần nữa.
Riêng với ngoại tệ vì thị trường bình ổn, Nhà nước lại quản lý gắt gao, xu hướng giá cũng lình xình nên nếu mua vào cũng có thể bị lỗ. Còn vàng (vật chất) hiện giá đang nằm ở vùng cao của lịch sử nên nếu mua vào không đúng thời điểm thì có thể lỗ đậm, kể cả đầu tư ngắn hạn và dài hạn.
Đối với bất động sản, mặc dù nhiều công ty đang áp dụng biện pháp quảng bá để lôi kéo khách hàng nhưng đến nay thị trường vẫn tĩnh lặng. Hàng loạt nhà đầu tư mua hàng từ đầu năm 2008 vẫn chưa giải phóng được. Nhiều người vay tiền ngân hàng mua nhà đất cách nay 2 năm vẫn chưa trả hết nợ, hiện chưa rõ khi nào thoát ra được.
Ông Nguyễn Vĩnh, ở Tân Quy, quận 7, cho biết cuối năm 2007, ông mua lô đất dự án ở quận 9 với giá 2 tỉ đồng. Để có tiền thanh toán, ông phải vay ngân hàng 1,3 tỉ đồng. Lúc đầu, lãi suất vay chỉ có 12%/năm nhưng từ năm ngoái đến nay ngân hàng điều chỉnh tăng lên 16% - 17%/năm, làm cho gia đình phải “vắt chân lên cổ” để kiếm tiền trả lãi và nợ gốc phân kỳ.
Sau hơn 2 năm đầu tư, nếu tính theo thị trường, giá lô đất hiện tại vẫn chưa đủ bù đắp vốn gốc và tiền lãi. Đó là chưa kể rủi ro đang tiềm ẩn vì thanh khoản kém nên chưa biết lúc nào mới có thể bán được hàng.
Chờ hay tìm kênh khác?
Trong khi các kênh chủ lực mờ mịt lối ra thì một số kênh đầu tư khác như cao su lại đang khởi sắc. Do giá cao su đang ở mức cao (giá xuất cao su nguyên liệu hiện ở mức 3.000 USD/tấn, cao hơn 30% so với cuối năm ngoái); còn giá mủ tươi mua tại vườn ở Bình Phước hiện vào khoảng 16.000 đồng/kg nên có nhiều người nhảy vào đầu tư cao su vườn.
Giá cao su vườn được tính theo tuổi và căn cứ vào giống cây, cùng với chất lượng đất. Trên đất đỏ bazan tương đối tốt, ở vùng Bình Phước, nếu cây trồng 2 năm tuổi (giống riu 4), giá hiện ở mức 180 triệu đồng/ha, 4 năm tuổi, giá 300 triệu đồng/ha, 6 năm tuổi (bắt đầu cho thu hoạch mủ), giá 500 – 600 triệu đồng/ha và 7 năm tuổi trở lên, giá 700 - 800 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Hiệu, một nhà đầu tư có kinh nghiệm, hiện thị trường cao su đang “sốt”, giá cao su nguyên liệu đang ở đỉnh cao tương đương trước thời kỳ khủng hoảng (tháng 7-2007), khi giá dầu thô 147 USD/thùng. Nếu nhà đầu tư không cân nhắc kỹ, mua vào thời điểm này dễ gặp rủi ro (vì mua ở vùng đỉnh).
Sắp tới, khi nhu cầu tiêu dùng cao su sau kỳ khủng hoảng của thế giới chững lại thì giá cao su mủ có thể sẽ giảm và giá cao su vườn cũng có thể giảm theo.
Theo nguyên lý đầu tư, để có lợi nhuận cao, nhà đầu tư cần mua lúc thị trường trầm lắng sâu nhất và bán ra khi thị trường “nóng” nhất. Tuy nhiên, do đại bộ phận nhà đầu tư hiện theo trường phái “lướt sóng” ngắn nên họ sẽ không an tâm khi mua vào mà xu hướng tăng vẫn mù mờ.
Do đó, theo ý kiến của các chuyên gia, khi xu hướng chưa rõ ràng, việc tạm lánh gửi tiền vào ngân hàng để chờ thời trong giai đoạn hiện tại cũng là một kế hay vì vừa có lãi vừa bảo toàn được vốn.
Trần Phú Minh
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|