Thứ Tư, 23/12/2009 09:39

Sẽ bớt quan ngại về dòng tiền

Những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2009 thị trường đã chứng kiến sự phục hồi khá rõ nét của dòng tiền khi giá trị giao dịch tăng lên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thông tin chưa được xác thực có thể là một trong những lý do cho sự dè dặt này.

"Ngóng” CPI

Thông thường thời điểm cuối tháng 12, nhiều thông tin quan trọng về vĩ mô sẽ có tác động không nhỏ. Sự ngóng chờ ngay trong tuần này hướng về số liệu tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm. Tháng 12 có nhiều yếu tố tác động đến giá hàng hóa khiến thị trường lo ngại về một khả năng đột biến nào đó.

Thứ nhất là mức lãi suất cơ bản được điều chỉnh tăng từ 7% lên 8% áp dụng từ 1.12 có khả năng tác động vào lãi suất huy động và lãi suất cho vay, từ đó ảnh hưởng đến chi phí vốn đầu vào của DN.

Thứ hai là việc điều chỉnh tỉ giá sẽ tác động đến các loại hàng hóa nhập khẩu, trong đó có một phần lớn là nguyên liệu sản xuất. Tác động này có thể cộng hưởng với việc giá hàng hóa thế giới đang tăng trở lại.

Thứ ba là thời điểm cận tết khiến nhu cầu tiêu dùng cũng tăng lên, hoạt động tích trữ hàng hóa được đẩy mạnh. Đặc biệt giá lương thực vừa qua có một số hiện tượng đầu cơ. Ngoài ra còn một vài yếu tố khác như tăng giá xăng dầu, cước vận tải, cơn sốt giá vàng...

Lo ngại về CPI tăng cao trong tháng 12 sẽ tác động không tốt đến TTCK là có cơ sở, khi quyết định tăng lãi suất cơ bản vừa rồi cũng là một động thái góp phần phòng ngừa lạm phát từ xa, nhất là khi tăng trưởng tín dụng khá mạnh trong năm 2009. Dựa trên mức tăng CPI, thị trường có thể đưa ra phỏng đoán về các khả năng điều hành chính sách tiền tệ.

Đến thời điểm này mới có Hà Nội và TPHCM công bố mức tăng CPI so với tháng 11.2009, tương ứng 1,31% và 1,19%. Như vậy mức tăng bình quân của hai địa bàn trọng điểm này vào khoảng 1,25%. Thông thường Hà Nội và TPHCM đóng góp phần lớn vào mức tăng CPI của cả nước và các địa bàn khác có mức tăng thấp hơn. Trước đó, đã từng có những lo ngại về khả năng tăng CPI tháng 12 đến 2-3%. Hết 11 tháng, mức tăng CPI cả nước là 5,07%. Như vậy có thể ước đoán một mức tăng CPI 2009 khoảng 6% là hợp lý.

Chỉ một vài ngày tới (thường là ngày 23 hằng tháng) mức tăng CPI chính thức cả năm sẽ được công bố. Nếu CPI được khống chế thì thị trường sẽ kỳ vọng không có động thái đột ngột nào trong chính sách tiền tệ và dòng tiền sẽ có cơ sở để ra quyết định.

Hạn mức tín dụng mới

Thời gian gần đây, thông tin các NH dừng cho vay khiến không ít người lo ngại. Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Trọng Nghĩa của CTCK Thăng Long cho rằng không thật sự chính xác vì các NH chỉ tạm ngừng cho vay mới. Đối với các khoản cho vay cũ vẫn diễn ra tùy vào nhu cầu và đối tượng vay cụ thể. Theo lời GĐ một NHTM thì đúng là các NH lo ngại về tăng trưởng tín dụng cuối năm và cũng hạn chế cho vay hơn, nhưng không có nghĩa là tất cả các NH dừng cho vay.

Chỉ vài ngày nữa có khả năng NHNN sẽ công bố định hướng tăng trưởng tín dụng cho năm 2010. Thông thường, con số này cũng không mấy quan trọng vì không phải mang tính chính xác tuyệt đối.

Một ví dụ là hạn mức tăng “khoảng 30%” của năm 2009 có sự sai lệch nhất định. Ngay từ tháng 8 vừa qua, NHNN cũng đã đưa những kịch bản về tăng trưởng tín dụng 2010 ở mức 25% - 27%. Những thông tin như vậy thị trường cũng đã biết. Điều quan trọng là có hạn mức tín dụng cho năm mới, các NH sẽ rộng cửa hơn trong việc cho vay.

Vốn ngoại ra hay vào?

Về lý thuyết thời điểm cuối năm các quỹ đầu tư đều mong muốn đạt được mức giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ tốt để thể hiện trong báo cáo với cổ đông. Tuy nhiên cũng có những khoản đầu tư ngắn hạn cần tất toán để đảm bảo vị thế tiền mặt nhất định. Xu hướng chủ đạo của NĐTNN trên TTCK niêm yết từ tháng 11 đến nay là mua ròng. Động thái khác thường nhất là phiên ngày 18.12 khi khối này bán ra tới trên 14 triệu CP qua khớp lệnh ở sàn HoSE, tương đương giá trị gần 338,8 tỉ đồng. Đây là mức bán ra lớn chưa từng có trong một phiên, nhất là lại qua phương thức giao dịch có thể tác động mạnh đến giá.

Có nhiều quan điểm lý giải hoạt động bán này, từ ý đồ cơ cấu danh mục đến “làm giá”. Một quan điểm khác của ông Quách Mạnh Hào - PGĐ CTCK Thăng Long cho rằng có thể là tác động của hình thức đầu tư thông qua chứng chỉ tham gia đầu tư (P-note): Các NĐTNN từ bên ngoài lãnh thổ ủy thác vốn cho các tổ chức có đăng ký tại Việt Nam thực hiện đầu tư. Theo ông Hào thì NĐT đầu tư qua hình thức này cũng có nhu cầu hoàn vốn vì họ có thể vay tiền ở một thị trường có lãi suất thấp hơn, hoặc họ cũng có nhu cầu tránh thuế...

Tuy nhiên, dù là nguyên nhân gì lý giải việc bán ra đột ngột vừa qua thì cũng có thể khẳng định đó chỉ là một hoạt động mang tính thời điểm, hoàn toàn không biểu hiện của một sự lo ngại vĩ mô nào. Tỉ giá trên thị trường vẫn “bình yên” là một biểu hiện tốt, dù có thể NĐTNN thực hiện chuyển vốn ra.

Hai phiên gần đây thị trường không còn chứng kiến việc bán ra như vậy nữa mà ngược lại, khối ngoại tiếp tục mua ròng rất mạnh. Đây là điều khá lạ vì thông thường giao dịch của NĐTNN thường yếu vào dịp lễ Giáng sinh. Từ đầu tháng 11 đến nay, vốn ngoại mua ròng trên cả hai sàn đã lên tới 1.909,2 tỉ đồng.

Hoàng Nguyên

Lao Động

Các tin tức khác

>   Đón thêm 3 mã mới, UPCoM tiếp tục giảm điểm (22/12/2009)

>   Bí ẩn dòng tiền (22/12/2009)

>   Đằng sau cú đảo chiều ngoạn mục (22/12/2009)

>   OTC tăng, thanh khoản vẫn ở mức thấp (22/12/2009)

>   Bất ngờ khối ngoại bán ròng (22/12/2009)

>   UPCoM-Index giảm nhẹ 0,32 điểm (21/12/2009)

>   OTC: Giá bèo không ai bán (20/12/2009)

>   Nhường bước cho nhóm siêu VIP gom hàng “lạnh” (20/12/2009)

>   “Cổ phiếu vua” trở lại? (19/12/2009)

>   UPCoM-Index tăng cùng niêm yết  (18/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật