Thứ Ba, 22/12/2009 10:14

Đằng sau cú đảo chiều ngoạn mục

Sau nhiều ngày lưỡng lự và hoài nghi, VN-Index đã bất ngờ có phiên đảo chiều vào cuối tuần trước. Với trên 53,77 triệu đơn vị cổ phiếu được sang tên, đây cũng là phiên giao dịch có khối lượng cao nhất kể từ đầu tháng 12, cao hơn nhiều so với khối lượng giao dịch trung bình 13 phiên trước đó - chỉ ở mức 37 triệu đơn vị/phiên. Với các NĐT ưa thích trường phái phân tích kỹ thuật thì cú đảo chiều tăng điểm mạnh của VN-Index không quan trọng bằng khối lượng giao dịch tăng đột biến, xác nhận dòng tiền lớn chảy vào thị trường. Điều giới đầu tư vẫn chờ đợi lâu nay.

Cú đảo chiều ngoạn mục

Kết thúc phiên khớp lệnh liên tục, VN-Index tăng gần 15 điểm. Nhiều cổ phiếu dẫn dắt thị trường như FPT, DHG, PVD, PPC… tăng trần và có dư bán bằng không. Đã rất lâu bên mua mới có dịp khẳng định vị thế tuyệt đối trước bên bán. Tuy nhiên, cảm xúc lớn nhất diễn ra vào 10 phút cuối của phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa. Nhiều cổ phiếu hàng đầu đang chuẩn bị khớp lệnh với giá trần hoặc sát trần bỗng nhiên quay đầu giảm điểm, khi bên bán bất ngờ tập kích ào ạt lệnh ATC tại các mã trụ cột: DPM, SJS, PVF, PPC, FPT, DHG… Trung bình, tại các mã chủ chốt này có tới 200.000 - 400.000 đơn vị đặt lệnh "giá nào cũng bán". Cổ phiếu FPT là một ví dụ điển hình, đang dự kiến tăng hết biên độ khi chỉ có vài ngàn cổ phiếu đặt bán giá trần, nhưng bất ngờ xuất hiện hơn 200.000 đơn vị đặt lệnh ATC, ngay lập tức giá FPT quay đầu đi xuống gần chạm sàn. Cổ phiếu phòng vệ DHG thường chỉ dao động trong biên độ hẹp nhưng trong 15 phút cuối cũng có bước nhảy giá lớn và hiếm thấy, từ trần về sàn. Tương tự, DPM, HPG từ sát trần về tham chiếu… Đóng cửa, VN-Index vẫn tăng 8,5 điểm nhưng giảm hơn 6 điểm so với mức cao nhất.

Với nhiều NĐT, sự bật dậy của VN-Index không quan trọng bằng cú đảo chiều có phần bất thường của nhiều blue-chip vào những phút cuối. Ít phút sau khi thị trường đóng cửa, nhân viên môi giới của một số CTCK lớn đã tìm ra "thủ phạm" tung lệnh bán vào phiên đóng cửa. Các lệnh bán này phần lớn được cho là thuộc về hai ngân hàng nước ngoài đã có mặt lâu năm tại TTCK Việt Nam. Với khối lượng bán ra tới hơn 14 triệu cổ phiếu, giá trị đạt hơn 530 tỷ đồng, là phiên bán kỷ lục của khối ngoại. Giá trị bán ròng đạt gần 200 tỷ đồng tuy chưa phải là mức cao nhất trong năm, nhưng là mức cao nhất trong nhiều tháng qua.

Ẩn số chính sách tiền tệ

Một ngày trước đó, Bloomberg dẫn lời một quan chức Bộ Tài chính đưa dự báo CPI trong tháng 12 có thể đạt mức 2 - 3%. Điều này có thể lý giải phần nào động thái giao dịch nhanh, mạnh, quyết đoán của khối ngoại trong phiên cuối tuần trước.

Ngày thứ Bảy tuần qua, chỉ số CPI của TP. Hà Nội - một trong hai địa phương có ảnh hưởng lớn đến CPI cả nước - được chính thức công bố tăng 1,31% trong tháng 12. Rõ ràng, mức tăng này tuy thấp hơn dự báo, nhưng lại cao hơn nhiều so với mức tăng trong tháng 11 là 0,55%. Trước đó, bình luận về CPI tháng 12 có khả năng tăng cao, ông Fiachra Mac Cana, Trưởng bộ phận Nghiên cứu của CTCK HSC cho rằng: "Đây là mức tăng khá cao nhưng thị trường dường như không có phản ứng gì. Việc những tin xấu bị lờ đi hay không mấy ảnh hưởng tới thị trường có thể cho thấy dấu hiệu thị trường đang ở vùng đáy". Theo thông lệ, ngày 23 hàng tháng chỉ số CPI sẽ được công bố. Vào những phiên giao dịch đầu tuần này, NĐT nội địa sẽ có phản ứng với con số công bố chính thức. Thị trường có một phép thử.

Động thái tăng điểm mạnh vào phiên giao dịch cuối tuần cho thấy tâm lý thị trường rất dễ thay đổi, NĐT có thể chuyển từ trạng thái bi quan thái quá sang lạc quan thái quá. Yếu tố giá rẻ đang là lý do thuyết phục nhiều NĐT quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, theo một kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Đại học Kinh tế TP. HCM, chứng khoán Việt Nam lên hay xuống phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ nới lỏng hay thắt chặt hơn là các nhân tố cơ bản. Một kết quả nghiên cứu khác của TS. Vũ Thành Tự Anh cho thấy, giữa tăng trưởng tín dụng và mức tăng chỉ số CPI có độ trễ từ 5 - 6 tháng. Do đó, điểm rơi của tăng trưởng tín dụng nóng có khả năng bộc lộ trong nửa năm sau.

Bình luận về chính sách tiền tệ, CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng, hiện tại đường cong lãi suất đã không còn tồn tại và mức chênh lệch giữa lãi suất ngắn hạn và dài hạn gần như bằng 0. Lãi suất huy động tăng từ 10% lên 10,5% vẫn chưa giải quyết được nhiều nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng. Lãi suất liên ngân hàng vẫn ở mức cao, từ 11 - 15% tùy kỳ hạn. Các khó khăn trong thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục gia tăng khi nhu cầu vay vốn cuối năm tăng mạnh, đồng thời ngân hàng phải đảm bảo các tỷ lệ dự trữ bắt buộc và dự trữ thanh khoản. Theo VCSC, bức tranh vĩ mô trong những ngày cuối năm đã rõ nét hơn, cùng với sự lạc quan về dài hạn của một nền kinh tế đang đi đúng hướng hồi phục, thì vẫn còn nỗi lo về lãi suất tăng cao và tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Với các nhận định này, sự lạc quan về thị trường nếu có cũng là sự lạc quan thận trọng.

Giang Thanh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   OTC tăng, thanh khoản vẫn ở mức thấp (22/12/2009)

>   Bất ngờ khối ngoại bán ròng (22/12/2009)

>   UPCoM-Index giảm nhẹ 0,32 điểm (21/12/2009)

>   OTC: Giá bèo không ai bán (20/12/2009)

>   Nhường bước cho nhóm siêu VIP gom hàng “lạnh” (20/12/2009)

>   “Cổ phiếu vua” trở lại? (19/12/2009)

>   UPCoM-Index tăng cùng niêm yết  (18/12/2009)

>   Thêm 2 công ty giao dịch trên UPCoM (17/12/2009)

>   UPCoM-Index giảm còn 54,37 điểm  (17/12/2009)

>   Cảnh giác và chờ đợi (17/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật