Tình trạng nợ tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước:
Có vượt hệ số an toàn?
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếm 16% tổng nợ của 7 Tập đoàn | Tập đoàn, tổng công ty nhà nước được coi là trụ cột của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về tình trạng nợ tín dụng, sử dụng vốn của các "trụ cột" này. Nợ tín dụng của tập đoàn, tổng công ty hiện nay như thế nào? Có ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước?
Nợ để đầu tư phát triển
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng nợ vay tín dụng và phát hành trái phiếu của các tập đoàn, tổng công ty là 286 nghìn 918 tỷ đồng. Trong đó, 7 tập đoàn nợ 128 nghìn 786 tỷ đồng, chiếm gần 10% so với tổng nợ tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế. Thực tế, tập đoàn càng lớn số nợ càng lớn, ví dụ Tập đoàn Điện lực nợ 66 nghìn 764 tỷ đồng, chiếm 51% tổng nợ của 7 tập đoàn; Tập đoàn Dầu khí nợ 21 nghìn 477 tỷ đồng, chiếm 16% tổng nợ của 7 tập đoàn... Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, nợ tín dụng của 7 tập đoàn chủ yếu là nợ trung, dài hạn, phục vụ cho các dự án đầu tư mang tính chiều sâu và kế hoạch phát triển. Tổng nợ ngắn hạn chỉ chiếm tỷ lệ 15%. Như vậy, tổng nợ quá hạn khoảng 4 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,24% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm khoảng 15% tổng nợ quá hạn. Đáng lưu ý, riêng Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã có số nợ quá hạn 3 nghìn 812 tỷ đồng, chiếm 19% dư nợ của tập đoàn và 91% tổng nợ quá hạn của cả 7 tập đoàn.
Với các tổng công ty trong lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp, xuất hiện một số doanh nghiệp (DN) có tỷ lệ nợ quá hạn cao, từ 30% đến 60% tổng dư nợ tín dụng; hoặc tổng công ty bảo lãnh vay vốn cho DN thành viên, khi DN thành viên phá sản, kinh doanh thua lỗ, tổng công ty phải dùng vốn nhà nước trả nợ thay, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chung. Song, cũng có ý kiến cho rằng, do tác động của khủng hoảng tài chính, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh, cơ cấu lại kỳ hạn nợ nên tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu trên chưa phản ánh đầy đủ tình trạng nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Số nợ phải thu khá lớn
Trong khi chủ yếu phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng thì các tập đoàn, tổng công ty cũng là chủ nợ lớn. Số liệu báo cáo từ các DN cho thấy, tổng nợ phải thu là 185 nghìn 826 tỷ đồng, chiếm 38% vốn sở hữu và 14,96% tổng tài sản của DN. Cũng vẫn là DN xây dựng cơ bản có số nợ phải thu lớn như Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 hơn 1,8 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng tài sản; Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 nợ phải thu hơn 1,122 nghìn tỷ đồng, gấp 12 lần vốn chủ sở hữu... Trong điều kiện vốn chủ sở hữu không đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, việc tồn tại những khoản không có khả năng thu hồi dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn thấp, phần lớn vốn "nằm chết". Ví dụ, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8, nợ khó đòi lên tới 109 tỷ đồng; nhiều công trình đã kết thúc nhưng chưa quyết toán, tồn số dư nợ tạm ứng tới 54 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia tài chính, việc quản lý nợ phải thu ở nhiều đơn vị, nhất là các tổng công ty lĩnh vực xây lắp hạn chế, thiếu chặt chẽ nên bị chiếm dụng vốn, phát sinh nợ khó đòi, thậm chí nhiều khoản nợ không xác định được đối tượng, không đầy đủ hồ sơ. Trong đó, các DN chiếm dụng vốn lẫn nhau với số lượng lớn, thời gian dài. Đây là nguyên nhân dẫn đến khó khăn về tài chính và tiềm ẩn thua lỗ trong tương lai của một số DN.
Hệ số nợ trên vốn trong mức an toàn
Câu hỏi được đặt ra là tình trạng nợ của các tập đoàn, tổng công ty có nằm trong hệ số an toàn? Câu trả lời là mặc dù hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty có xu hướng tăng dần từng năm, song cơ bản bình quân vẫn ở mức thấp, bảo đảm an toàn (1,1 trong năm 2006, 1,2 năm 2007 và 1,3 năm 2008). Trong đó, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại cũng nằm trong mức cho phép và có xu hướng được cải thiện. Trong 5 ngân hàng thương mại nhà nước, chỉ có ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không bảo đảm quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, có một thực tế là cơ cấu vốn, tài sản của nhiều tổng công ty chưa hợp lý, vốn chủ sở hữu thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa nhiều vào vốn vay. Vì vậy, tốc độ luân chuyển vốn chậm, lãi suất ngân hàng tăng cao trong năm 2008 đã tạo áp lực mạnh về gia tăng chi phí sản xuất, hạn chế tính chủ động cũng như hiệu quả sử dụng vốn của DN.
Mặt khác, với không ít đơn vị, DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, việc phải nhờ vốn vay ngân hàng hay vốn chiếm dụng, dẫn đến cơ cấu tài chính không hợp lý, dễ phát sinh rủi ro về cân đối dòng tiền, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn sở hữu nên khả năng thanh toán không bảo đảm. Cụ thể, năm 2006 có 38 tập đoàn, tổng công ty hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng 3 lần (40% số tập đoàn, tổng công ty). Năm 2007 và 2008, có 31 tập đoàn, tổng công ty có hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng 3 lần. Một số đơn vị có tỷ lệ tổng nợ phải trả trên vốn sở hữu rất cao (hơn 10 lần) là các Tổng công ty: Xây dựng Công trình giao thông 1 (21,6 lần), Lắp máy Việt Nam (17,4 lần), Xây dựng Công trình giao thông 4 (14 lần), Xây dựng công nghiệp Việt Nam (12,9 lần), CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (12,2 lần), Thủy tinh và gốm xây dựng (11,3 lần)...
Gia Khánh
hà nội mới
|