Lãi suất cơ bản: “bỏ thì thương, vương thì tội”
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. | Để chống suy giảm kinh tế, Việt Nam đã sử dụng nhiều biện pháp kích thích kinh tế, trong đó trọng tâm vẫn là gói hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ. Mặc dù chưa có đánh giá chính thức từ phía các cơ quan chức năng về hiệu quả của gói kích thích này nhưng kỳ vọng và thực tế cho thấy bước đầu đà suy giảm kinh tế đã được chặn đứng một cách cơ bản.
Tuy nhiên, vấn đề trục trặc nằm ở cơ chế lãi suất hiện vẫn chưa được giải quyết. Chính sách lãi suất mang nặng tính chắp vá, chứa đựng nhiều mâu thuẫn giữa mục tiêu và công cụ thực hành chính sách.
Vậy có nên “bỏ” lãi suất cơ bản như trong đề xuất trong dự thảo sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không?
Lãi suất cơ bản: từ người có công thành kẻ có tội
Tháng 6-2000, theo tinh thần Luật NHNN 1997, lãi suất cơ bản (cộng biên độ) ra đời thay thế cơ chế lãi suất trần cho vay trước đó. Việc áp dụng lãi suất cơ bản lúc đó được đánh giá là một tiến bộ lớn và là một bước đệm cho tiến trình tự do hóa lãi suất ở Việt Nam.
Từ tháng 6-2002, cơ chế lãi suất thỏa thuận được áp dụng nhưng NHNN vẫn định kỳ công bố lãi suất cơ bản làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh phù hợp với khoản 12 điều 9 và điều 18 Luật NHNN 1997.
Câu chuyện sẽ vẫn êm đẹp nếu như lạm phát năm 2007 không lên mức phi mã và năm 2008 khủng hoảng kinh tế không nổ ra. Chính sách thắt chặt tiền tệ đột ngột tạo ra cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng, đẩy mặt bằng lãi suất huy động và cho vay lên đến đỉnh điểm.
Trong điều kiện đó, cùng với điều 476 Bộ luật Dân sự 2005, lãi suất cơ bản nay trở thành một vật cản cho các chính sách tiền tệ và hoạt động của các tổ chức tín dụng. Từ năm 2006 đến nay đã có ít nhất bốn lần NHNN đề nghị Quốc hội cho sửa điều 476 hoặc tránh không áp dụng đối với các tổ chức tín dụng. Qua nhiều lần bị bác bỏ, lần này NHNN đã không nhắc đến lãi suất cơ bản trong dự thảo sửa đổi Luật NHNN.
Học được gì từ lãi suất quỹ liên bang?
Hệ thống dự trữ liên bang của Mỹ (FED) thực thi chính sách tiền tệ chủ yếu bằng cách thiết lập mục tiêu lãi suất quỹ liên bang (federal funds rate). Đây là lãi suất cho vay ngắn hạn giữa các ngân hàng với nhau nhằm đáp ứng nhu cầu dự trữ và thanh khoản. Lãi suất này thực ra được xác định bởi thị trường chứ hoàn toàn không phải do FED áp đặt.
Tuy nhiên, FED vẫn có thể tác động đến lãi suất quỹ liên bang sao cho phù hợp với lãi suất mục tiêu bằng khả năng can thiệp trên thị trường mở chứ không phải bằng công cụ hành chính. Lãi suất mục tiêu quỹ liên bang được xác định thông qua các cuộc họp có tính định kỳ khoảng bảy tuần một lần của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC).
Trong khi đó, đối với lãi suất cơ bản của Việt Nam, NHNN đã không thể làm như vậy. Câu hỏi đặt ra là vì sao NHNN lại không thể sử dụng lãi suất cơ bản giống như lãi suất quỹ liên bang mục tiêu của FED?
Tất nhiên có rất nhiều lý do nhưng một trong những lý do quan trọng là khả năng can thiệp đến cung tiền của nền kinh tế thông qua hoạt động thị trường mở của NHNN rất hạn chế. Bên cạnh đó, các công cụ lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu của NHNN vốn dĩ rất có hiệu lực trong việc tác động đến cơ sở tiền thì cũng xơ cứng và không mấy hiệu quả.
Cho nên giả sử nếu lãi suất cơ bản mục tiêu 7% một năm thì thay vì NHNN phải can thiệp tiền tệ để đưa lãi suất thị trường về với mức lãi suất này thì NHNN lại sử dụng “vòng kim cô” 150% lãi suất cơ bản để khống chế trần lãi suất của các tổ chức tín dụng.
Như vậy, trong khi vai trò của chính sách là phải sửa chữa thất bại của thị trường thì nay chính sự bất cập của cơ chế thực thi chính sách lại làm biến dạng các quan hệ thị trường.
Trong điều kiện hiện nay, giả sử nếu NHNN muốn duy trì lãi suất mục tiêu 7% một năm thì điều cơ bản là NHNN cần tăng cường hoạt động mua vào các giấy tờ có giá trên thị trường mở. Lãi suất tái chiết khấu cũng phải điều chỉnh để hỗ trợ khả năng can thiệp của NHNN. Tất nhiên điều này không ai không biết, nhưng hãy hỏi các ngân hàng thương mại xem điều gì làm cho họ không bán hay không thể bán các trái phiếu hay tín phiếu cho NHNN?
Xác định lãi suất cơ bản mục tiêu: đối mặt với mâu thuẫn và thách thức
Tiếp theo hãy nói về cơ sở của mức lãi suất cơ bản 7% một năm hiện nay của NHNN. Liệu mức lãi suất này có phản ánh được mặt bằng lãi suất của nền kinh tế hiện nay và mục tiêu chính sách vĩ mô hay không?
Để xác định lãi suất cơ bản mục tiêu thì phải phân tích điều kiện của nền kinh tế vĩ mô hiện nay cũng như thông tin dự báo cho thời gian tới. Các biến số vĩ mô phải xem xét như tăng trưởng GDP, lạm phát kỳ vọng, các quan hệ tỷ giá, cán cân thanh toán và cân đối ngân sách... Trên cơ sở các biến số đó, chúng ta phải sử dụng các mô hình kinh tế vĩ mô đáng tin cậy để ước lượng lãi suất mục tiêu phù hợp.
Trong điều kiện hiện nay có vẻ như chúng ta đang bị mâu thuẫn và do dự giữa hai mục tiêu: tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Một mặt Chính phủ muốn tiếp tục các gói kích thích kinh tế để tạo đà tăng trưởng kinh tế bền vững hơn nhưng nỗi lo lạm phát cũng không kém. NHNN không dám hạ thấp lãi suất cơ bản xuống thấp hơn để kích thích kinh tế mà cũng không dám tăng lãi suất cơ bản lên để mở rộng tăng trưởng tín dụng.
Thế nhưng điều trớ trêu là lãi suất cơ bản hiện nay không phản ánh điều kiện nền kinh tế. Các ngân hàng đang tăng lãi suất huy động để duy trì lượng tiền gửi trong khi lại không thể tăng lãi suất cho vay lên hơn khiến cho khe hở lãi suất ngân hàng thu hẹp dần đến điểm hòa vốn. Trong ngắn hạn, một số các ngân hàng có thể sẽ chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc thậm chí thua lỗ để giữ chân người gửi tiền nhưng về dài hạn thì điều này sẽ ảnh hưởng đến tiết kiệm của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, khi kỳ vọng lạm phát tăng lên thì lãi suất danh nghĩa cũng cần phải tăng tương ứng để duy trì mức lãi suất thực cho người gửi tiền. Thế nhưng điều này hiện tại là không thể mà khả năng nới lãi suất cơ bản thời gian tới thì không chắc chắn nên động lực gửi tiết kiệm cũng sẽ giảm đi. Như vậy, mong muốn giữ lãi suất trần ở mức thấp hơn lãi suất cân bằng để gia tăng đầu tư đã không đạt được mà thậm chí lại phản tác dụng do tiết kiệm giảm.
Chứng khoán không còn hấp dẫn, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng cũng không thể tăng hơn thì vàng, ngoại tệ hay bất động sản là điểm dừng chân của vốn nhàn rỗi. Những cơn sốt giá vàng, căng thẳng ngoại tệ gần đây liệu có phải do bất cập của cơ chế lãi suất hiện nay không? | Trong khi kênh ngân hàng bị nghẽn thì lẽ ra vẫn còn kênh thị trường chứng khoán để dẫn vốn đi từ tiết kiệm đến đầu tư. Thế nhưng, hiện ở Việt Nam, kênh thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường sơ cấp, cũng đang bị nghẽn.
Phát triển thị trường thứ cấp cũng gián tiếp tháo gỡ sự ách tắc của thị trường sơ cấp nhưng lại còn đó nỗi lo bong bóng chứng khoán. Chứng khoán không còn hấp dẫn, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng cũng không thể tăng hơn thì vàng, ngoại tệ hay bất động sản là điểm dừng chân của vốn nhàn rỗi. Những cơn sốt giá vàng, căng thẳng ngoại tệ gần đây liệu có phải do bất cập của cơ chế lãi suất hiện nay không?
Cuối cùng, cơ chế lãi suất trần cũng không giúp cho Chính phủ có thể đi vay với lãi suất rẻ hơn để bù đắp bội chi ngân sách. Các đợt phát hành trái phiếu chính phủ gần đây hầu như không bán được đã phản ánh phần nào điều đó.
Hơn nữa, lãi suất trần hiện nay cũng đã đồng hóa các dự án đầu tư, không phân biệt dự án tốt và xấu, nghĩa là không phản ánh đầy đủ phần bù rủi ro dự án. Nói cách khác, nó làm lệch các quyết định đầu tư bởi lúc này sẽ có những dự án không tốt, có tỷ suất sinh lợi thấp cũng trở nên hiệu quả.
Điều này cũng lại đặt ra một thách thức nữa giữa yêu cầu gia tăng quy mô đầu tư và chất lượng đầu tư. Xét cho cùng, đây cũng là một phần của bài toán cơ cấu mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.
Đỗ Thiên Anh Tuấn
TBKTSG
|