Chủ Nhật, 29/11/2009 09:04

Trái phiếu doanh nghiệp “được mùa”

Trái phiếu do các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát hành đang trở nên đắt hàng. Có đơn vị chỉ 2-3 giờ sau khi công bố phát hành đã nhận được lượng đăng ký mua gấp 10 lần khối lượng cần bán. Điều gì đã khiến trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2009 được nhiều nhà đầu tư ưu ái, trong khi trái phiếu Chính phủ trong nhiều phiên đấu thầu tìm đỏ mắt không có người mua?

Nếu như hai năm 2006 và 2007, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như được chiếm lĩnh hoàn toàn bởi các doanh nghiệp nhà nước như EVN, Vinashin, Sông Đà, Vinaconex, Lilama... thì sang năm 2009, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã chứng minh được sức hút của họ với các đợt phát hành “cháy hàng” của Kinh Bắc, Vincom, FPT, Hoàng Anh Gia Lai, Saigon Tel...

Rượu kèm mồi

Từ đầu năm đến nay, Công ty cổ phần phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đã phát hành thành công ba đợt trái phiếu với tổng giá trị 1.200 tỉ đồng. Trong đó, đợt đầu tiên thu về 700 tỉ đồng với lãi suất cố định 11,5%/năm, kỳ hạn năm năm, đã hết veo trong vòng ba giờ sau khi công bố phát hành.

Ông Đặng Thành Tâm, chủ tịch hội đồng quản trị KBC, cho biết trái phiếu Kinh Bắc được bán theo nguyên tắc lấy lãi suất trái phiếu Chính phủ (hiện là 9%/năm) cộng thêm 3,5%. Tuy nhiên, mức lãi suất cao chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư, bởi điều họ quan tâm không kém là tính thanh khoản của trái phiếu. Chính vì vậy, KBC đã mời Ngân hàng Công thương VN (Vietinbank) làm tổ chức nhận thanh toán cho trái phiếu Kinh Bắc. Nhà đầu tư sở hữu trái phiếu có thể cầm cố, bán lại cho Vietinbank, trong trường hợp KBC trả lãi chậm hoặc mất khả năng thanh toán thì Vietinbank sẽ đương đầu với nhà đầu tư để trả những khoản nà`y. Đó là lý do để KBC trả? thêm cho Vietinbank chi phí´ cho mứ´c rủ?i ro để trái phiếu bán chạy hơn. Nếu tính cả chi phí phát hành, chi phí “bán” rủi ro cho Vietinbank... thì mức lãi suất của trái phiếu KBC đợt đầu lên đến 12,5%/năm.

“Chúng tôi đã cố gắng để tạo thanh khoản tốt nhất cho trái phiếu của mình, và với việc hợp tác cùng Vietinbank, điều mà các nhà đầu tư e ngại nhất đã được giải tỏa” - ông Tâm nói. Ngoài ra, để trái phiếu KBC có thể mua đi bán lại dễ dàng hơn, Kinh Bắc đã yêu cầu Vietinbank thực hiện thủ tục để niêm hết 700 tỉ đồng trái phiếu đợt đầu lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Trong khi đó, trái phiếu FPT thu hút nhà đầu tư bằng quyền mua cổ phần. Tháng 10-2009, Công ty cổ phần FPT phát hành 1.800 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất chỉ ở mức 7%/năm cho kỳ hạn ba năm. Mức lãi suất này rõ ràng không hấp dẫn nhưng “mồi” kèm theo là trái phiếu sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu FPT trong một thời gian nhất định với mức giá được xác định trước.

Chỉ một ngày sau đợt phát hành của FPT, Hoàng Anh Gia Lai cũng vào cuộc với việc công bố phát hành 1.450 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn một năm với lãi suất 0%. Bị hấp dẫn bởi quyền mua cổ phiếu, 13 nhà đầu tư trong và ngoài nước đã “bao sân” toàn bộ đợt phát hành này.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2009 cũng có thêm một mốc son với việc Công ty cổ phần Vincom phát hành thành công 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế vào giữa tháng 11 và niêm yết trái phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore. Đây cũng là đợt vay nợ quốc tế đầu tiên thông qua phát hành trái phiếu được một doanh nghiệp VN thực hiện. Trái phiếu được phát hành bằng USD, có kỳ hạn năm năm và lãi suất hăng năm 6%/năm, thanh toán sáu tháng một lần vào cuối kỳ. Hiện vẫn chưa biết mức giá vay nợ cuối cùng của Vincom do chi phí phải trả cho nhà bảo lãnh phát hành là Credit Suisse chưa được tiết lộ.

Hiu hắt trái phiếu Chính phủ

Trong khi trái phiếu doanh nghiệp hút hàng thì năm 2009 lại là một mùa thất bát đối với trái phiếu Chính phủ. Tổng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm nay dự kiến phát hành khoảng 55.000 tỉ đồng. Tính đến nay đã có hơn 40 đợt phát hành trái phiếu bằng tiền đồng và hai đợt phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Trong đó có nhiều phiên không có nhà đầu tư tham gia hoặc số nhà đầu tư tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay, hoặc số tiền đăng ký đấu thầu hợp lệ thấp hơn nhiều so với giá trị đưa ra đấu thầu.

Theo các ngân hàng, các đợt đấu giá trái phiếu Chính phủ không thu hút nhà đầu tư chẳng qua vì người bán đã bỏ qua các tín hiệu từ thị trường. Từ đầu năm đến nay, mặc dù lãi suất trái phiếu Chính phủ đã tăng dần từ gần 7% lên 9% nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, bởi lãi suất trần cho vay các ngân hàng đang áp dụng là 10,5%. Tương tự, thị trường thứ cấp trên sàn Hà Nội cũng hiu hắt kéo dài từ đầu năm đến nay, bởi nhà đầu tư đang mong đợi một mức lợi tức cao hơn. “Hiện nay trái phiếu Chính phủ đang giao dịch ở mức 9,8%, trong khi thị trường mong đợi ít nhất là 10,5%. Nhà đầu tư cùng một hướng nhìn nên mua bán nhỏ giọt” - trưởng phòng đầu tư một ngân hàng cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều đợt phát hành liên tiếp không thành công nhưng lãi suất trái phiếu Chính phủ vẫn chưa điều chỉnh thích ứng có thể do nguồn vốn chưa cần gấp. “Tôi nghĩ Bộ Tài chính đang e ngại về giá vốn, chưa có động cơ phát hành thêm có thể do tiền huy động trong các đợt trước vẫn chưa xài hết. Bởi nếu phát hành thêm thì ngay lập tức phải trả lãi, trong khi các dự án vì nhiều lý do vẫn chưa thể hấp thụ vốn ngay. Nếu áp lực do nguồn vốn yếu, phải phát hành ra bằng mọi cách để lấy tiền về thì mọi chuyện sẽ khác” - vị trưởng phòng trên phân tích.

Theo các ngân hàng, năm 2009 đã phát tín hiệu tốt cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp ngoài quốc doanh do mức lạm phát đã giảm mạnh so với năm 2008. Lạc quan về trái phiếu doanh nghiệp nhưng họ cho rằng điều này không có nghĩa nhà đầu tư sẽ tiếp tục lơ là trái phiếu Chính phủ. Ông Phạm Hồng Hải, giám đốc bộ phận kinh doanh vốn và tiền tệ Ngân hàng HSBC VN, nhận xét: “Trái phiếu Chính phủ rủi ro thấp, tính thanh khoản cao do có thể cầm cố, thế chấp, chiết khấu và niêm yết... ở hầu hết các ngân hàng, phù hợp “khẩu vị” của đại đa số nhà đầu tư”.

Ngoài việc phải cạnh tranh với một đối thủ quá mạnh là trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp còn có một hạn chế nữa, theo ông Phạm Hồng Hải, là số doanh nghiệp lớn, uy tín, có tầm nhìn dài hạn tại VN vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. “Bên cạnh đó, VN vẫn chưa có hệ thống đánh giá tín dụng chuẩn cho các loại trái phiếu công ty, khiến nhà đầu tư thường gặp khó khăn trong việc đánh giá rủi ro tín dụng cho từng loại trái phiếu này” - ông nói.

Xếp hạng tín dụng tốp 1.000 doanh nghiệp VN

VN đang dần từng bước xây dựng một hệ thống đánh giá tín dụng chuẩn cho các doanh nghiệp. Lần đầu tiên, Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước - tổ chức xếp hạng tín dụng công duy nhất tại VN - sẽ tiến hành xếp hạng tín dụng tốp 1.000 doanh nghiệp VN. Theo CIC, đây là những doanh nghiệp tiêu biểu có hiệu quả hoạt động kinh doanh cao, được CIC xếp hạng tín dụng khá, tốt trong năm 2009. Số liệu được phân tích sẽ lấy từ báo cáo của các ngân hàng thương mại và báo cáo kết quả kinh doanh của chính các doanh nghiệp tham gia xếp hạng (do CIC đích thân gửi thư mời tham dự). Kết quả sẽ được công bố rộng rãi vào tháng 12-2009.

Huy động vốn qua kênh nào có lợi nhất?

Tùy theo thời điểm, các doanh nghiệp (DN) sẽ cân nhắc vay ngân hàng, tung ra cổ phiếu hay phát hành trái phiếu để tìm đủ nguồn vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh.

Năm 2009, phát hành trái phiếu được xem là một lựa chọn tốt hơn so với việc phát hành cổ phiếu. Thị trường chứng khoán vẫn chưa đạt được mức tăng ổn định, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn dè dặt khiến việc phát hành cổ phiếu với số lượng lớn khó có khả năng tiêu thụ được hết. Vả lại, khi phát hành cổ phiếu, DN thường đối mặt với vấn đề tăng vốn điều lệ, pha loãng cổ phiếu và sức ép của cổ đông.

Còn vay ngân hàng thì không phải DN nào cũng có thể tiếp cận được do các ngân hàng thường có hạn mức đối với từng DN và bị khống chế về trần tăng trưởng tín dụng. Ông Đặng Thành Tâm giải thích: “Nếu làm hồ sơ vay thì sẽ chậm tiến độ, rồi phải trả lãi vay và tiền gốc hăng tháng với số tiền khá lớn, trong khi dự án chưa đem lại sản phẩm nên nhà đầu tư nhiều khi rơi vào tình trạng “giật gấu vá vai”. Trong khi đó với trái phiếu, chúng tôi chỉ phải lo trả lãi hăng năm và trả nợ gốc khi đáo hạn, thời gian đủ dài để chúng tôi tạo ra sản phẩm, đem lại doanh thu, sức ép giảm đi rất nhiều”.

Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu DN thường dựa vào quan hệ phụ thuộc, người mua trái phiếu DN thường là những bạn hàng, những người có mối quan hệ làm ăn với DN theo kiểu gắn bó lợi ích lâu dài, tôi mua trái phiếu của anh lần này thì tôi trông đợi trong tương lai có sự hợp tác giữa hai bên. Cho nên việc bán và mua trái phiếu DN hiện nay thực chất là một sự thỏa thuận trao đổi dựa trên nền tảng “hai bên cùng thắng”.

Hải Chi

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   HCMA1805: Ngày ĐKCC thanh toán lãi trái phiếu (27/11/2009)

>   Giải ngân quá chậm nguồn vốn trái phiếu (26/11/2009)

>   HCMA1705: Ngày ĐKCC cho việc thanh toán lãi trái phiếu (26/11/2009)

>   HCMA0604: Ngày ĐKCC thanh toán lãi, vốn gốc và huỷ niêm yết (26/11/2009)

>   HCM_0806: Ngày ĐKCC cho việc thanh toán lãi trái phiếu (26/11/2009)

>   Trái phiếu trầm lặng (26/11/2009)

>   OCB phát hành kỳ phiếu ngắn hạn lãi suất 9,99% (25/11/2009)

>   Trái phiếu doanh nghiệp: Hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài (23/11/2009)

>   Trái phiếu lên ngôi (22/11/2009)

>   08/12/2009, ngày ĐKCC trả lãi trái phiếu VEC10802 (21/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật