Trái phiếu trầm lặng
Việc khó phát hành mới trái phiếu chính phủ sẽ còn ảnh hưởng tới tính thanh khoản của thị trường trong năm 2010. Đúng như những dự báo từ đầu năm, thị trường trái phiếu năm 2009 khá bình lặng, trái ngược hẳn với không khí của năm 2008.
Tại một ngân hàng thương mại nhà nước, trong năm 2009 (ngoại trừ quý I), doanh số mua - bán trái phiếu đã giảm 50% so với năm 2008. Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, với những biến động trong năm 2009 đã khiến tính thanh khoản của thị trường trái phiếu trở nên kém hơn.
Một trong những nguyên nhân chính đã được đề cập nhiều lần trước đây khiến thanh khoản thị trường sụt giảm là do lãi suất trong năm 2009 ổn định hơn rất nhiều so với những năm trước, đặc biệt là năm 2008. Do vậy, mức giá của trái phiếu chính phủ cũng không biến động nhiều khiến giao dịch trầm lắng hơn.
Lãi suất thị trường theo chiều hướng tăng cộng thêm với mức lợi suất trần trong các đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ không đáp ứng được kỳ vọng của các tổ chức dự thầu cũng đã khiến khối lượng trái phiếu phát hành mới thấp hơn những năm trước. Điều này đã dẫn tới khối lượng trái phiếu chính phủ lưu hành tới cuối quý III/2009 đã giảm chỉ còn xấp xỉ 100.000 tỷ đồng so với mức xấp xỉ 120.000 tỷ đồng cuối năm 2008.
Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, việc khó phát hành mới trái phiếu chính phủ (ngoại trừ trái phiếu bằng USD) sẽ còn ảnh hưởng tới tính thanh khoản của thị trường trong năm 2010.
Vị lãnh đạo ngân hàng ở trên cho biết, trong năm 2009, khối lượng trái phiếu kỳ hạn 5 năm phát hành được là không đáng kể và như vậy trong năm 2010, thị trường sẽ có ít nguồn cung trái phiếu 4 năm. Việc thị trường thiếu trái phiếu ở một kỳ hạn nào đó đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới tính thanh khoản thị trường.
Kế hoạch phát hành khoảng 55.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong năm 2009 rất khó đạt được. Tính tới hết quý III/2009, mới chỉ có khoảng 23.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành thành công (đã bao gồm cả trái phiếu bằng USD).
Sự "thiếu hào hứng" từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng khiến thị trường không còn sôi động. Như một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần nhận định, "cuộc chơi" trái phiếu năm nay thuần tuý là của các tổ chức nội địa.
Giải thích về điều này, chuyên gia về thị trường trái phiếu của Standard Chartered Khalil Belhimeur cho biết, sự e ngại của các nhà đầu tư ngoại nằm ở tỷ giá và tính thanh khoản của thị trường ngoại hối. Trong năm 2009, đồng Việt Nam đã giảm giá trị khoảng 5% so với USD.
Hiện tại, mức lợi suất của trái phiếu chính phủ 1 năm và 3 năm vào khoảng 10,5 - 11%/năm, trong khi mức lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 5 năm đã vượt mức 11%/năm.
Theo vị lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần, có thể những lo ngại về lạm phát trong năm 2010 sẽ còn khiến lợi suất trái phiếu tăng thêm (nghĩa là giá giảm) trong thời gian tới. "Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu sẽ chỉ xoay quanh mức 11 - 12%/năm cho tới khi nào Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất cơ bản, nghĩa là chấp nhận mặt bằng lãi suất thị trường tăng lên".
Các yếu tố như lãi suất thị trường có thể tăng lên, lạm phát sẽ có tác động đẩy lợi suất trái phiếu tăng lên. Theo ông Belhimeur, sẽ làm giảm sự hấp dẫn của các cuộc phát hành trái phiếu mới qua đấu thầu.
Mặc dù về lý thuyết, trái phiếu chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết thanh khoản của các ngân hàng, Standard Chartered cho rằng, trái phiếu chính phủ được sử dụng trong 2/3 số giao dịch trên thị trường mở, nơi các ngân hàng thương mại cầm cố giấy tờ có giá để vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, bản thân các ngân hàng thương mại cũng không còn nhiều tiền nhàn rỗi để tích luỹ trái phiếu chính phủ sau khi phát triển tín dụng mạnh mẽ trong năm 2009. Để phát hành thành công trong thời gian tới, có lẽ, tổ chức phát hành lại phải "vận động" các ngân hàng mà chủ yếu là các ngân hàng thương mại nhà nước.
Vũ Giang
Đầu tư chứng khoán
|