Cần khung pháp lý cho sàn vàng
Hiện tượng hàng loạt nhà đầu tư “cháy” tài khoản trên sàn vàng do thay đổi tỉ giá vào chiều 25-11, sớm hơn một ngày so với quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã khiến nhiều người đặt lại vấn đề quản lý sàn vàng.
Chủ sàn phủi tay?
Giới đầu tư vàng ở Hà Nội hiện vẫn xôn xao về thông tin có nhà đầu tư rút tiền trên sàn chứng khoán chuyển sang đánh vàng mất ngay 10 tỉ đồng trong buổi chiều 25-11. Không ít những vụ thua đậm bạc tỉ vì vàng nhưng phổ biến là mất vài trăm triệu đồng.
Anh Trịnh Quốc Dũng, nhà đầu tư trên sàn giao dịch vàng của Sacombank (SBJ), cho biết hơn 10 giờ ngày 25-11, anh nộp 200 triệu đồng vào tài khoản và số dư tài khoản lúc đó là gần 230 triệu đồng. Lúc đó, giá khớp lệnh trên sàn vàng vào khoảng 25,43 triệu đồng/lượng, còn giá thế giới là 1.177 USD/ounce.
SBJ vẫn để trần tỉ giá kinh doanh ở mức 17.785 VNĐ/USD. Anh Dũng đã thực hiện lệnh bán 80 lượng vàng với giá trung bình là 25,43 triệu đồng/lượng và sau khi thực hiện giao dịch mua bán, kiểm tra trạng thái tài khoản vẫn thấy số dư bán là 110 lượng vàng và số tài sản ròng là gần 230 triệu đồng.
Tuy nhiên, chưa đến 15 phút sau, kiểm tra lại tài khoản ròng còn có 127 triệu đồng với số dư bán là 110 lượng vàng, trong khi giá thế giới hầu như không biến động, vẫn quanh mức 1.176 USD - 1.178 USD/ounce. Tưởng mạng lỗi, anh Dũng gọi đến SBJ tại chi nhánh Long Biên thì được nhân viên cho biết do các nhà đầu tư tự đẩy giá lên.
Khi anh Dũng đến chi nhánh của SBJ Long Biên để khiếu nại và thắc mắc về việc thâm hụt tài sản bất thường, Phó Giám đốc Nguyễn Đức Mạnh trả lời “do các nhà đầu tư tự đẩy giá lên với nhau chứ SBJ vẫn giữ mức trần tỉ giá kinh doanh USD cũ”.
So với thực tế giá khớp lệnh lúc đó, vào khoảng trên 26 triệu đồng/lượng, nếu làm phép tính thì có thể thấy rằng SBJ đang áp dụng tỉ giá mới mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tuyên bố là chỉ được áp dụng bắt đầu từ ngày hôm sau (tức 26-11).
Hơn nữa, xét về mặt kỹ thuật, bình thường, nhà đầu tư có muốn đặt lệnh cách quá xa giá quy đổi thì cũng sẽ không được khớp. “SBJ hoạt động theo quy định của NHNN và dưới sự giám sát của NHNN hay là tự ý hoạt động theo luật riêng, để cho nhà đầu tư tự do thao túng sàn vàng của mình?” - anh Dũng bức xúc.
Điều đáng nói là theo các nhà đầu tư, phía SBJ không giải quyết thỏa đáng các khiếu nại của mình. Việc cung cấp bản sao kê tài khoản cũng không được đáp ứng kịp thời. Tại biên bản làm việc giữa hai bên, bên B hứa sẽ báo cáo vụ việc lên lãnh đạo ngân hàng xem xét giải quyết. Đến cuối giờ chiều 27-11, ông Nguyễn Đức Mạnh cho biết đã hẹn lịch làm việc với nhà đầu tư nhưng anh Dũng khẳng định không nhận được thông báo nào từ phía SBJ.
Phải bịt ngay lỗ hổng!
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, khẳng định việc một số sàn vàng tự động áp dụng tỉ giá mới từ chiều 25-11, trước khi quyết định điều chỉnh tỉ giá hối đoái của NHNN có hiệu lực là việc làm sai quy định. “Vào thời điểm trước khi có điều chỉnh tỉ giá, thường có hiện tượng găm hàng đầu cơ. Gần đây, khi hoạt động sàn vàng nở rộ có thể phát sinh thêm hiện tượng này, làm ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ nói chung nên NHNN cần xem xét, xử lý. Các sàn vàng trực thuộc hệ thống ngân hàng thương mại nên Thanh tra NHNN đều có thể can thiệp được”.
TS Cao Sỹ Kiêm cũng nhận định việc kinh doanh ảo trên sàn vàng đang tạo ra những sức ép lên giá vàng trong nước vào những thời điểm khác nhau và từ đó ảnh hưởng đến giá USD. Chính phủ đã yêu cầu NHNN soạn thảo các văn bản liên quan để siết lại hoạt động này. Trong đó, NHNN sẽ quản lý đối với vàng được coi là tiền tệ, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý vàng hàng hóa.
TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, lại cho rằng các sàn vàng đều do ngân hàng lập ra, thông thường sẽ áp dụng tỉ giá của ngân hàng thương mại đó (tỉ giá liên ngân hàng cộng biên độ giao dịch), hoàn toàn không có văn bản quy định tỉ giá hối đoái riêng cho các sàn vàng. Do đó, tranh cãi của nhà đầu tư và chủ sàn như đã diễn ra ngày 25-11 khó có cơ sở giải quyết thấu đáo. “Cho đến nay, chúng ta chưa có khung pháp lý để quản lý hoạt động sàn vàng, dù hình thức mua bán này đã được cho phép tồn tại trong thời gian khá dài. Đây là lỗ hổng cần bịt ngay vì đó là một thị trường được công nhận nên Nhà nước vẫn phải thể hiện vai trò quản lý, bất kể nó là thị trường ảo hay thật” - ông Ánh nói. Về phía các sàn vàng, là nơi tổ chức giao dịch cho các nhà đầu tư nên cần có sự tôn trọng quyền lợi của nhà đầu tư, nên tạo sự bình đẳng cho nhà đầu tư hoạt động thay vì “rình” tài khoản của họ bị thâm hụt tiền ký quỹ để tất toán. Như thế không khác nào sàn vàng tự thủ tiêu chính mình.
Trả lời chất vấn của Quốc hội về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng thừa nhận hiện nay, hoạt động của sàn vàng là lỗ hổng của hệ thống pháp luật, chưa có văn bản nào chi phối!
Phương Anh
Người lao động
|