Thứ Sáu, 27/11/2009 10:13

Sẽ không tăng sức ép lên giá cả, nếu...

Nhiều người đã nghĩ đến lạm phát trở lại khi từ hôm qua (26-11), mỗi USD đã tăng thêm trên 600 đồng. 1 tấn phân urê 230 USD, theo tỉ giá mới tăng gần 140.000 đồng.

Chiếc máy tính 1.000 USD tăng thêm 600.000 đồng... Nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước xử lý dứt dạt nạn tỉ giá chợ đen trong hệ thống ngân hàng, không chỉ giúp giảm sức ép lên giá cả mà còn có thể kéo giá một số mặt hàng giảm.

Tỉ giá tăng là một yếu tố gây sức ép lên giá cả khi hàng hóa nhập khẩu gồm hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị... tăng giá. Nhưng tình hình thị trường trong lần điều chỉnh tỉ giá này khác với nhiều lần trước. Đó là nhiều doanh nghiệp vì phải mua USD với giá cao nên không đợi đến khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỉ giá, họ đã hạch toán tỉ giá cao vào giá cả hàng hóa. Vì thế, cách thẩm thấu của tỉ giá vào giá hàng hóa trong đợt điều chỉnh tỉ giá này cũng khác đi.

Với một số mặt hàng chiến lược, trong đó có xăng dầu, thời gian qua doanh nghiệp nhập khẩu được mua ngoại tệ theo tỉ giá chính thức, vì thế việc tăng tỉ giá cũng có nghĩa thêm sức ép xăng dầu phải tăng giá. Tuy nhiên, không có nghĩa cứ tăng tỉ giá là phải tăng giá xăng dầu vì còn tùy thuộc vào cân đối vĩ mô của nhà hoạch định chính sách. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp được ngân hàng thương mại nhà nước bán USD đúng giá niêm yết, nay họ cũng phải chịu áp lực tăng giá.

Còn với nhiều mặt hàng khác, thực tế từ nhiều tháng qua, nhà nhập khẩu phải mua USD cao hơn giá ngân hàng niêm yết có lúc đến gần 2.000 đồng/USD. Doanh nghiệp và ngân hàng đã tìm nhiều cách để hạch toán khoản chênh lệch này. Dù ở hình thức nào, nó cũng được phản ánh vào giá hàng hóa cho người tiêu dùng từ nhiều tháng qua.

Khi tỉ giá thực giao dịch là trên 19.000 đồng/USD thì việc điều chỉnh tỉ giá lên 18.500 đồng/USD chỉ là hợp thức hóa một phần tỉ giá của thị trường. Tăng tỉ giá chính thức cũng nhằm kéo tỉ giá thực giao dịch xuống. Nếu Ngân hàng Nhà nước thành công, tỉ giá thực giao dịch giảm về sát tỉ giá chính thức, sẽ giúp giảm sức ép lên giá cả hàng hóa.

Nhưng để có thể kéo giá thực giao dịch xuống bằng với giá niêm yết, Ngân hàng Nhà nước phải chứng minh với thị trường là đã mạnh tay bán can thiệp, đáp ứng đủ ngoại tệ cho nhập khẩu. Nếu chỉ nói hoặc làm không kiên quyết, thị trường sẽ lờn thuốc, khi đó giá USD thực giao dịch lại ngựa quen đường cũ. Đó là nguy cơ thật sự cho giá cả và chỉ số giá tiêu dùng.

Ngoài ra, cũng không thể mãi xử lý cung cầu ngoại tệ theo hướng chỉ ưu tiên ngoại tệ cho nhu cầu nhập khẩu hàng thiết yếu. Bởi lẽ, thời gian qua giá USD tăng một phần bắt nguồn từ việc nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng xa xỉ khó mua USD. Họ tìm mọi cách để có được USD, đơn giản nhất là chấp nhận giá cao. Mức giá 19.000 đồng/USD hình thành từ đó. Kiểm soát nhập siêu phải dùng nhiều biện pháp, không thể cấm nhập hoặc hạn chế quyền tiếp cận ngoại tệ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định lần điều chỉnh tỉ giá này kèm theo biện pháp bán can thiệp ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước. Nguồn ngoại tệ cũng đã có từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Mọi người đang ngóng theo hành động từ Ngân hàng Nhà nước.

Thanh Tuyền

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Vàng hạ nhiệt nhưng vẫn nằm trong xu hướng tăng (27/11/2009)

>   Sẽ sớm có quy chế quản lý sàn vàng (27/11/2009)

>   Vì sao giá vàng thế giới tăng mãi? (27/11/2009)

>   Hai tập đoàn bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước (27/11/2009)

>   Giá vàng nhanh chóng mất mốc 29 triệu đồng/lượng (26/11/2009)

>   Đồng USD xuống mức thấp nhất trong 14 năm qua (26/11/2009)

>   Thận trọng với xu hướng vàng sẽ quay đầu (26/11/2009)

>   Nguồn vàng thế giới đang cạn kiệt (26/11/2009)

>   Tỷ giá USD tự do tuột dốc (26/11/2009)

>   "Tỷ giá USD dao động 18.400-18.500 đồng là hợp lý" (26/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật